Sáng ngày 21/10/2018 (tức 13/9 âm lịch) tại Nhà thờ ngành 5 họ Vũ Khổng, đội 5 thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ Khánh đản Nam Thiên Thánh Tổ Không Lộ và Tọa đàm "Chùa Giao Thủy xưa - Trung tâm Phật giáo Mật tông thời Lý" trong bầu không khí hết sức phấn khởi của mọi người. Buổi Tọa đàm do Dự án Khơi nguồn Tinh hoa Văn hóa Việt và Ban nghiên cứu Lịch sử và Gia phả thuộc Cộng đồng họ Vũ (Võ) Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định; Đại đức Thích Thanh Chủng - Trụ trì chùa Viêm Quang (tức chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); ông Vũ Mạnh Hà - Chủ tịch Cộng đồng các dòng họ Việt Nam kiêm Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội; Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; TS Vũ Thế Khanh - TGĐ Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội; ông Vũ Dương Tá - Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam, Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội; các ông bà Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội; ông Lê Bá Cải - nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ; ông Đinh Văn Thái - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Hội Giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; ông Vũ Ngọc Huân - Trưởng tộc họ Vũ Khổng làng Nam Lạng; Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu - nhà nghiên cứu độc lập về cổ sử và văn hóa dân gian; anh Nguyễn Văn Lục - Trưởng nhóm Giải nghĩa hình khắc Bãi đá cổ Sapa cùng đông đảo các đại biểu từ các tỉnh, thành.
Tham dự còn có nhóm các nhà nghiên cứu:
1. Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử và Gia phả Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội. Ông là người tâm huyết với những hoạt động văn hóa, lịch sử. Ông được di truyền thứ thiệt tư tưởng về đạo hiếu và ý thức dân tộc, ý thức về nguồn cội từ người cha tức là Cụ Vũ Đình Hòe - nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử và dịch giả nổi tiếng với bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga.
2. Bà Vũ Thị Xu - con cháu dòng họ Vũ Khổng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Văn hóa Thông tin thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây trong đó có mảng nghiên cứu văn hóa làng xã xưa và nay. Bà phụ trách công việc bảo vệ và phát triển "Văn hóa vật thể, phi vật thể" là di sản văn hóa của dân tộc. Cùng với bà Nguyễn Thị Giang - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tây hai bà có 25 năm tìm hiểu và nghiên cứu về Nam Thiên Thánh Tổ Không Lộ thiền sư.
3. Ông Vũ Đình Dậu - Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) Thủ đô Hà Nội kiêm Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ (Võ) quận Hoàng Mai. Với ý thức về nguồn cội và tấm lòng kính ngưỡng tiên tổ sâu sắc, ông đã bỏ nhiều tâm huyết đi tìm nguồn gốc dòng họ bằng cách ghi lại video, hình ảnh các tư liệu qua các cuộc khảo cứu điền dã.
4. Thượng tọa Thích Tâm Hiệp - trụ trì chùa Kim Bản (Hải Dương) và am Thụy Ứng (Hải Lăng, Quảng Trị). Thầy là người sáng lập Tủ Vàng Sách Quý Việt Nam và Dự án Khơi nguồn Tinh hoa Văn hóa Việt. Tâm huyết cả đời của Thầy là có thể đúc kết ngắn gọn trong câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh "Gốc rễ tâm linh xon bồi đắp, Suối nguồn huyết thống nguyện khơi thông".
Tại buổi Tọa đàm các nhà nghiên cứu đã trình bày, hỏi đáp các nội dung chính sau:
- Bà Vũ Thị Xu trình bày phi lộ Thánh Tổ Không Lộ nhân ngày Khánh đán 13/9 âm lịch và trao đổi về Thánh Mẫu Không Lộ, Giác Hải qua truyền thuyết dân gian và di tích ở hương Giao Thủy xưa sau tròn 25 năm nghiên cứu.
- NGƯT Vũ Thế Khôi trao đổi về Chùa Giao Thủy xưa - Trung tâm Phật giáo Mật tông thời Lý và mối lương duyên với Thần Tổ Vũ Hồn ở Trạch Xá (Hải Dương).
- Thượng tọa Thích Tâm Hiệp chia sẻ về thể chế "Tiền Phật hậu Thánh" trong Chùa Việt và các thư tịch, hiện vật cổ liên quan đến Thánh Tổ Không Lộ, Minh Không, Giác Hải và các di tích, địa danh...
- Ông Phạm Đức Huấn chia sẻ về khu vực đền Lăng nơi Thánh Không Lộ từ đầy ngồi nón (thuyền sắt) sang Bắc quốc xin đồng về đúc tứ đại khí (theo bia miệng).
- Ông Vũ Mạnh Hà trao đổi dự định cuộc hội thảo lịch sử các dòng họ toàn quốc vào cuối năm trong đó làm sáng tỏ cổ phả thời Lê tại Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định có viết về Cụ Vũ Hồn thời Lý đến Trạch Xá, Hải Dương.
- Thiếu tướng Võ Sở đề nghị làm rõ 3 vấn đề về họ Vũ - Võ: 1. Cội nguồn họ Vũ - Võ xuất phát từ đâu với những Cụ Tổ nào? 2. Làm rõ 2 nhân vật lịch sử Vũ Hồn: Cụ Vũ Hồn (804-853) làm quan thời nhà Đường là Thần Tổ, Thành hoàng làng Mộ Trạch, Hải Dương và Cụ Vũ Hồn người Việt thời Lý; 3. Làm rõ hành trạng các nhân vật lịch sử họ Vũ - Võ đã Nam tiến trong lịch sử dân tộc.
- Nhiều ý kiến hỏi đáp khá của các đại biểu.
- Chiều cùng ngày, các địa biểu đã về chùa Qhút cũ (chùa Tân Long), Quýt Thượng Đồng (Trực Tuấn) làm lễ dâng hương Thánh Tổ nhân ngày Khánh đản.
Thật mừng vui vì nhân ngày kỷ niệm Thánh đản của Đức Không Lộ sau gần 900 năm, chính nơi mảnh đất ngài chào đời này (nơi đây xưa là chùa Giao Thủy) thật là một thắng duyên, để một buổi Tọa đàm lịch sử diễn ra chính nơi đây.
Thế cũng là báo đáp, cũng là không phụ công lần mò theo dấu vết đức Thánh Tổ của dòng tộc mình 25 năm qua của cô Vũ Thị Xu và cô Nguyễn Thị Giang. Và cũng là công sức gần 2 năm điền dã nghiên cứu của nhóm chúng tôi về Thánh Tổ.
Buổi tọa đàm là sự gặp gỡ vô cùng mầu nhiệm giữa 3 con người với 3 mục đích khác nhau nhưng lại chung về một mối kỳ duyên với đức Thánh Không Lộ.
Cô Vũ Thị Xu thì đi tìm vị Thánh Tổ mang tên Vũ Khổng Lộ của dòng tộc mình theo lời truyền lại từ nhiều đời trong dòng họ, nhưng rõ và thôi thúc nhất là từ người bố của cô. Một đời ông, luôn để tâm tìm hiểu dõi theo khắp nơi nơi, những nơi đâu thờ và có dấu vết vị Thánh Tổ.
NGƯT Vũ Thế Khôi thì vì muốn đi tìm cho ra sự thật về ngài Vũ Hồn. Nghe được có một Vũ Hồn người Việt, có tên tuổi, nơi chốn ở vùng Trấn Sơn Nam xưa nên Cụ tìm đến.
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, thì vì thực hiện dự án KHƠI NGUỒN TINH HOA VĂN HÓA VIỆT của mình nên dấn thân điền dã tìm hiểu, đó là những hoạt động như hành trình về nguồn. Tìm đến một vùng đất có chiều dài văn hóa, là tìm về nguồn, là vấn tổ, đó là một hành trình đầy trách nhiệm của mỗi người con Việt để làm sáng tỏ hơn, để gần hơn với tổ tiên.
Quan điểm của nhóm thực hiện dự án, tổ tiên là cách gọi khác của hai chữ nguồn cội.
Có nguồn cội gần và nguồn cội xa. Đức Thánh Tổ cũng là tổ tiên của chúng ta. Có dịp tìm về với bất cứ ai trong quá khứ, họ đều được chúng tôi nhận thức là tổ tiên của chúng ta mà chúng ta có bổn phận nghiên cứu và tìm hiểu.
Hiểu về quá khứ, hiểu về những bậc Thánh lớn của quê hương đất nước là chính đang khơi nguồn tinh hoa của dòng chảy văn hóa Việt tiếp tục tuôn trào về tương lai để các thế hệ con cháu tiếp nối.
Điểm gặp là hội tụ ở nơi mảnh đất thánh, vùng có mảnh đất từng được mạnh danh là Hành Cung nhà Lý và Hàng cung nhà Trần, nơi đức Thánh Tổ Không Lộ Đại pháp Thiền sư.
Buổi tọa đàm đã làm sáng rõ mấy vấn đề:
Thứ nhất - Làm rõ về tấm bia chùa Viên Quang. Đây là tấm bia, đã có bản lưu trữ và nhóm Thơ Văn Lý Trần trích dẫn, tuy thế, họ chưa thực sự tận mắt đọc trọn vẹn tấm bia. Vì vậy có nhiều sai sót và nhất là do không điền dã nên dịch không đúng và đầy đủ nội dung bia. Việc xác định niên đại tấm bia và làm rõ nội dung của nó là rất cần thiết. Ngoài nhóm chúng tôi, có lẽ đến giờ này chưa ai chạm trực tiếp đến tấm bia quý giá này.
Thứ hai - xác định đâu là Chùa Giao Thủy được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng khi chưa lên ngôi.
Xác định chắc chắn này là nhóm khảo cứu điền dã dựa vào mấy điểm:
Một là dựa vào công trình xác định đới bờ biển qua các thời. Từ đó xác định của Ba Lạt nơi dưới thời nhà Lý đắp đê chóng biển vì vậy mới có vị thần Cống Khẩu Đại Vương.
Cống khẩu là cửa cống vì nơi đây từng là cửa biển vào thế kỷ 12.
Hai là dựa vào các lần vua Lý Nhân Tông về Hành cung Hải Thanh và nhất là lần vua cho bắt cầu qua cửa Ba Lạt.
Ba là dựa vào tấm bia chùa Viên Quang, một bảo vật vô cùng quý giá trong việc làm chứng nhân xác định vị trí chùa Giao Thủy.
Thứ ba - xác định có một nhân vật lịch sử Vũ Hồn mà bản gia phả chùa Keo ngoài, còn gọi chùa Đĩnh Lan ở Hành Thiện ghi lại. Vị Vũ Hồn này có bố là người, mà, theo bản gia phả ghi, do "cơ hàn" đã đến nương nơi Thánh Tổ Không Lộ làm nghề đánh cá. Và nhờ ảnh hưởng đạo Phật từ vị Thánh tổ của dòng tộc này, mà về sau, ông đi về Hải Dương sinh sông và dựng chùa Diên Phúc ở Trạch Xá.
Chùa Viên Quang ở vị trí hiện tại, từng qua 4 lần di đời. Và lần đầu khi còn nằm trên đất Giao Thủy, Hải Thanh có tên là Diên Phúc. Chắc chắn thủa đó Cụ Vũ Hồn theo cha đã biết và học đạo ở ngôi chùa này. Khi về Trạch Xá, Cụ Vũ Hồn đã lập chùa Diên Phúc và dạy học cho dân ở đây nên vẫn còn cái Nghè, ghi dấu nơi ông dạy học.
Thứ tư - xác định được vị trí Hành cung Hải Thanh thời Lý chính là Hành Cung Trang thời Trần nơi có vườn Quất ngọt. (Về Hành Cung thời Lý và Hàng Cung thời Trần chúng tôi sẽ làm rõ hơn và công bố ở lần tọa đàm tới ở Chùa Quý vài ngày giỗ Thánh mùng 3/6 sang năm)
Nhóm nghiên cứu và tìm hiểu về đức Thánh Tổ Không Lộ trên quan điểm đồng nhất Không Lộ và Minh Không là một vị.
Công việc sẽ còn được tiếp tục. Nhưng như thế là bước khởi đầu đầy lý thú như một sự trở về đúng nên gần hơn với tổ tiên nguồn cội.
BTC chương trình xin cảm ơn các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết, công sức, tiền của, thời gian... trong nghiên cứu, khảo cứu điền dã và trình bày tại buổi Tọa đàm; xin cảm ơn các đại biểu đã về dâng hương và tham dự buổi Tọa đàm, xin cảm ơn TS Vũ Thế Khanh đã phát tâm cỗ chay sau buổi Tọa đàm.
Một số hình ảnh buổi Tọa đàm:
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp
Ảnh Vũ Xuân Kiên
|