Người dân quê lúa thường gọi ông với cái tên trìu mến “người nối những bờ vui”. Cả một đời ông cống hiến tài năng cho Tổ quốc. Năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới bởi những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 1989 - 1999, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện
Cả đời học ở Bác những điều hay
Ông chính là kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện, sinh năm 1943, hiện đang sinh sống tại TP Hải Phòng. Người con của vùng quê Hưng Hà giàu truyền thống cách mạng, nơi từng sản sinh ra nhiều anh tài tuấn kiệt một thuở rạng danh đất nước.
Về quê hương ông, khắp nơi nơi đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới. Sự đổi thay trải dài khắp đường làng, ngõ xóm. Tuy từ lâu không sống ở quê nhưng ông và gia đình vẫn nhất tâm hướng về nguồn cội. Căn nhà khang trang xây dựng theo kiến trúc cổ trên mảnh đất của ông cha nằm im lìm dưới tán nhãn cổ thụ nức tiếng ve kêu. Căn nhà ấy vẫn đón người anh hùng quê lúa đi về sớm mai. Dù đã đi gần hết cuộc đời nhưng bờ tre, bến sông xưa vẫn được ông Thiện nâng niu ở một góc riêng nơi quê nhà.
Là con trai út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1959, tốt nghiệp cấp 3 với kết quả học tập xuất sắc, ông thi đỗ vào Trường Trung học Giao thông vận tải Hà Nội. Năm 1962 tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng. Trong quá trình công tác, ông luôn cố gắng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cống hiến cho đất nước nhiều công trình khoa học, đề tài nghiên cứu ứng dụng thiết thực trong cuộc sống.
Ngay từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ (29/11/1961) tại ngôi trường cấp 3 thân yêu, ông đã thấm nhuần những lời dạy của Bác để một ngày cái tên Vũ Đức Thiện tỏa sáng trên “thành phố Hoa phượng đỏ”. Kỷ niệm đó, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã theo ông đến nay. Trong mỗi việc làm, mỗi hành động, ông đều gửi gắm vào đó muôn vàn tình cảm với Bác kính yêu.
Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Vũ Đức Thiện được phân công chỉ huy đội xung kích bảo đảm giao thông của Sở GTVT Hải Phòng. Năm ấy chiến tranh ác liệt, Hải Phòng là tâm điểm thứ hai của Mỹ sau thủ đô Hà Nội nên bị bắn phá ác liệt. Tất cả các cây cầu ra vào thành phố bị bom Mỹ đánh sập hoàn toàn. Cuối năm 1964, Vũ Đức Thiện được bổ nhiệm làm trưởng ban chỉ huy công trình sửa chữa cầu Đá Bạch, cầu Nghìn, cầu Rào, bến Phà Khuể… Bằng năng lực thực tế, ý chí chiến đấu sục sôi, ông đã có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế các công trình giao thông bảo đảm nhanh về tiến độ, tiết kiệm về chi phí. Cũng thời gian này, ông được cơ quan cử đi học chuyển cấp kỹ sư cầu đường. Năm 1965, Vũ Đức Thiện tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Năm 1970, chiến tranh leo thang, cả miền Bắc sục sôi chiến đấu chống quân xâm lược, vừa xây dựng CNXH. Kỹ sư trẻ Vũ Đức Thiện lúc bấy giờ là trưởng phòng kế hoạch tham mưu tác chiến, tiểu đoàn phó tự vệ công binh – Công ty Cầu đường Hải Phòng. Ông đã nhiều lần cùng đồng nghiệp thức thâu đêm để lên kế hoạch thông tuyến các mạch giao thông trọng điểm, đưa hàng chi viện cho miền . Lời Bác dạy khắc sâu trong tâm: “Giao thông là mạch máu, mạch máu tắc là con người chết…”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Địch phá một ta làm mười – Địch phá ta cứ đi”… đã giúp ông lập nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT tặng nhiều bằng khen; danh hiệu thi đua. Nơi quê nhà, người vợ đảm của ông, bà Bùi Thị Mai, cũng hăng hái tham gia du kích, lao động sản xuất, cổ vũ phong trào thi đua ái quốc, lập được nhiều thành tích. Bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ở hai đầu trận tuyến, hai con người - một tình yêu luôn hướng về nhau, một lòng theo Đảng quang vinh.
Sau ngày 30/4/1975, non sông thu về một mối. Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, Vũ Đức Thiện hăng hái nhận nhiệm vụ mới. Giai đoạn này, ông đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Công ty Công trình giao thông Hải Phòng. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Và những cây cầu nối đôi bờ vui
Giai đoạn 1975 - 1985, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, trên cương vị là người lãnh đạo, Vũ Đức Thiện luôn trăn trở trước sự sống còn của công ty, việc làm và thu nhập của hàng nghìn công nhân. Với tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm trước công việc, người kỹ sư tài năng Vũ Đức Thiện đã cùng các đồng nghiệp trong công ty thực hiện thí điểm xây dựng cầu bê tông khẩu độ lớn đầu tiên của Việt . Đây là dự án mở màn cho những dự án chiến lược, táo bạo mà ông thực hiện.
Từ cầu Nghìn, cảng Hải Phòng, dự án Đường 5 đến dự án Khu công nghiệp Đình Vũ đã khẳng định vị thế của Công ty Công trình giao thông Hải Phòng. Đặc biệt, cây cầu Bính sau 9 năm thi công (1993 - 2002) đã trở thành một biểu tượng mới của thành phố hoa phượng đỏ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Hải Phòng. Tên tuổi người con quê lúa vang danh trên đất cảng. Hơn 32 năm cùng với Công ty vượt qua khó khăn đi đến vinh quang cũng là ngần ấy năm ông sống và làm việc theo gương Bác. Những thành tích của Kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện được Đảng, Nhà nước ghi nhận, là minh chứng cho tài năng, tâm huyết của một con người luôn sống để cống hiến.
Những cây cầu vẫn đêm đêm sáng đèn nối đôi bờ ước mơ. Ở đó không có tấm bia nào vinh danh Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện nhưng tên ông đã gắn liền với những công trình thế kỷ của thành phố này.
Hôm nay, dù đã ở tuổi thất tuần, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện vẫn đang hàng ngày học tập và làm theo gương Bác. Không chỉ cống hiến cho thành phố hoa phượng đỏ ông còn làm rạng danh cho quê hương đất mẹ Hưng Hà.
Tất Đạt (báo Thái Bình)
|