A. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ, nâng cao chất lượng nòi giống là vấn đề mang tính chiến lược, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là sự nghiệp hôm nay và cả muôn đời sau. Vì vậy cần được thể hiện tập trung và rõ nét hơn trong nội dung các văn kiện:
1. Sức khỏe và trí tuệ là vốn quý nhất của mỗi người và của toàn xã hội. Bác Hồ là người đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực, trí lực của nhân dân. Bác Hồ nói: 'Sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít đau ốm, có sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn...'; 'Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe...'; 'Luyện tập thể dục bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước...'. Người cán bộ cách mạng phải có đức tính 'trung thành với mục đích cách mạng, giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do'. Cuộc đời Bác Hồ là bài học lớn về mặt thực tiễn cũng như lý luận trong sự nghiệp xây dựng nâng cao tầm vóc thể lực, trí lực con người Việt Nam. Tư tưởng của Bác Hồ về sức khỏe về nòi giống cần được quán triệt trong toàn Ðảng, toàn dân.
2. Ngày 23-2-2005, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã khẳng định rõ: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Ðảng và Nhà nước. Ðầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Mục tiêu cơ bản của công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là: Giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, từ hoạt động thực tiễn của mình, chúng tôi nhận thấy Nghị quyết 46-NQ/T.Ư chưa đi vào cuộc sống được bao nhiêu và còn rất nhiều bức xúc đặt ra cần giải quyết:
Trải qua lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước đã tạo cho con người Việt Nam những tố chất ưu việt: yêu nước, thông minh sáng tạo, hiếu học, khéo tay hay làm, dũng cảm hy sinh, cần cù chịu đựng gian khổ. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, cần nhận rõ rằng: sức khỏe con người và chất lượng nòi giống Việt Nam đang đứng trước những thử thách nặng nề do:
Hậu quả chiến tranh kéo dài đã để lại những di chứng bệnh tật, thương tích nặng nề, đặc biệt là những di chứng do chất độc mầu da cam gây ra, làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và nòi giống của nhiều thế hệ. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều bệnh lạ, bệnh về đường hô hấp, thần kinh, tim mạch, béo phì, tiểu đường, HIV, u bướu... Môi trường của con người đang bị đe dọa nghiêm trọng: Không khí, đất nước bị ô nhiễm nặng; trái đất đang nóng lên, thiên tai, dịch bệnh ngày càng xuất hiện nhiều. An toàn cộng đồng không được bảo đảm. Những tệ nạn xã hội: mại dâm, ma túy, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ, vi phạm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông... đang có chiều hướng gia tăng. Vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ. Nạn buôn bán hàng giả, thuốc giả tiếp tục diễn biến. Sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch thu nhập giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp dân cư đang cản trở việc bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh. Là một nước dân số đông, quy mô dân số tiếp tục gia tăng, và sớm muộn sẽ xuất hiện xu hướng già hóa dân số, làm cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày một cao và đa dạng hơn. Trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn rất hạn chế. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện đã đến mức báo động. Nhận thức và hiểu biết của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, về nòi giống còn rất thiếu và yếu. Tình hình trên đang là trở lực làm hao mòn cái vốn quý nhất của mỗi người và của cả dân tộc là sức khỏe và trí tuệ.
3. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Ðó phải là những con người thông thái, văn minh, khỏe mạnh, nhân ái. Ðể có được những con người như vậy không thể không coi việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống là quốc sách hàng đầu. Ðây là sự nghiệp lâu dài, gian khổ mang tính chiến lược, song cũng hết sức cấp bách trước thực trạng sức khỏe và chất lượng nòi giống hiện nay đang đặt ra. Muốn hoàn thành được sự nghiệp lớn lao này đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao năng lực của các tổ chức nhà nước và phải phát huy được trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc. Ðảng lãnh đạo đất nước thông qua cương lĩnh, chiến lược và những chủ trương chính sách lớn. Vì vậy, những tư tưởng về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, nâng cao chất lượng nòi giống cần được thể hiện đầy đủ và rõ ràng trong các văn kiện trình Ðại hội XI sắp tới. Ðó sẽ là điểm tựa để thể chế hóa chủ trương của Ðảng thành các chính sách, giải pháp cụ thể; để khơi dậy được phong trào Toàn dân tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ, nâng cao chất lượng nòi giống Việt Nam.
Với mong muốn như trên, chúng tôi tha thiết đề nghị ban biên tập các văn kiện xem xét và chấp nhận những đề nghị cụ thể dưới đây để bổ sung vào nội dung các dự thảo văn kiện.
B. Những ý kiến đóng góp cụ thể bổ sung vào các dự thảo văn kiện.
I. Ðề nghị bổ sung vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) một số điểm sau:
1. Phần II: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội:
- Ðiểm 4, đoạn 'xã hội xã hội chủ nghĩa...', câu: 'con người có cuộc sống...' đề nghị sửa thành: 'con người thông thái, văn minh, khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc'.
2. Phần III: Những định hướng lớn:
- Ðiểm 6, sau đoạn: 'con người là trung tâm của chiến lược phát triển' đề nghị bổ sung thêm câu: 'đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống'. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người...
- Ðoạn giáo dục và đào tạo, câu 'phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học, công nghệ...' thêm ý: 'và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ, nâng cao chất lượng nòi giống...' viết lại như sau:
'Phát triển giáo dục, đào tạo cùng với phát triển khoa học, công nghệ và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống là quốc sách hàng đầu'.
- Ðoạn chính sách xã hội: câu 'chữa bệnh và nâng cao thể chất' sửa lại như sau: 'khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng nòi giống'.
Câu: 'Hình thành một cộng đồng xã hội văn minh' đề nghị thêm 2 từ khỏe mạnh (Hình thành một cộng đồng xã hội văn minh, khỏe mạnh,...).
II- Ðề nghị bổ sung vào Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020:
1- Phần I: Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế:
- Ðoạn 'Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập' đề nghị thêm cụm từ: 'chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống'.
Viết lại như sau: 'Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống còn nhiều bất cập'.
2- Phần II: Quan điểm phát triển:
- Ðiểm 3: Thực hành dân chủ: đề nghị thêm 2 từ 'sức khỏe' vào câu 'không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của mọi người dân...'.
3- Phần III: Mục tiêu tổng quát:
- Ðiểm 3. Các đột phá chiến lược: ý (2): Ðề nghị thêm cụm từ: 'và đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ nâng cao chất lượng nòi giống' viết lại như sau: 'Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân, đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ, nâng cao chất lượng nòi giống'.
4- Phần IV: Ðịnh hướng phát triển:
- Ðiểm 8. Sau đoạn: 'phát triển mạnh y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại' đề nghị thêm câu sau: 'Ðẩy mạnh phong trào chăm sóc sức khỏe cộng đồng bảo vệ nâng cao sức khỏe nòi giống trong từng gia đình, từng cộng đồng dân cư'.
- Ðoạn: 'nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam' đề nghị bỏ 2 từ tầm vóc, thay bằng 'nòi giống'.
III- Những ý kiến bổ sung vào Dự thảo Báo cáo Chính trị:
1. Phần II: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
- Ðiểm 3: phần nhiệm vụ chủ yếu:
- Ðề nghị bổ sung thêm câu sau vào nhiệm vụ thứ 2: 'Ðẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nòi giống'.
Nhiệm vụ thứ 2 sẽ viết lại như sau: 'Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức; Ðẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống; tạo bước tiến rõ rệt...'.
2- Phần VII: Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội...
Ðiểm 3: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ðề nghị bổ sung thêm một nội dung sau:
"- Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng chủ động phòng chống bệnh tật, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nòi giống".