Mỗi lần vãn cảnh chùa, thăm đền, đình, miếu thờ các anh hùng dân tộc, sau khi thắp hương xong tôi thường lùi ra xa để thành kính chiêm ngưỡng từng pho tượng và giãi bày những tâm sự của riêng mình. Có một vị trí đặc biệt cách xa đúng ba lần pho tượng, đứng ở đó người ta có thể ngắm nhìn thấy trọn vẹn vẻ đẹp, cảm nhận được thần thái, sự sự uy nghiêm, tai có thể nghe thấy lời thần phật dạy bảo, lòng có thể ước những điều tốt lành.
Ảnh: lễ hô thần nhập tượng, yểm tâm vào buổi tối ngày 10.3 ÂL
Hồi những năm 70, lúc đó tôi còn nhỏ, sống ở nông thôn không đài, không ti vi, ít sách báo. Một lần đi trại hè ở Đồ Sơn, đang vui chơi nghịch cát, thì thấy một người tầm thước mặc bộ quần áo kaki màu vàng nhạt cùng mấy chú bước tới, ông dừng lại chơi với tụi tôi một lúc. Tự nhiên tôi thấy người lạnh lạnh cảm giác như một con thỏ đến gần sư tử, run nhưng mà không sợ, cảm giác ấy dường như toát ra từ thần thái rất lạ của ông già nọ...Ông đi rồi anh phụ trách mới chạy lại nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy. Kỷ niệm ấy làm tôi nhớ mãi. Vẻ uy nghiêm của một vị tướng rõ ràng không phải từ bộ quân hàm, ngù vai lấp lánh hay khẩu súng dắt lưng. Vẻ linh thiêng, thần bí của một pho tượng chắc cũng không phải từ lớp sơn son thếp vàng bên ngoài...
Tôi vốn rất ngưỡng mộ giáo sư Vũ Khiêu. Dịp đầu năm nay tôi đã được nghe ông nói gần 1 tiếng về những vấn đề rất mới, về chuyện về kinh doanh và Phật giáo tại Sóc Sơn. Thật khó tin một người 98 tuổi mà trí tuệ mẫn tiệp, giọng nói hào sảng đến như vậy. Mới đây lại được nghe ông nói về "nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy" - người nhân hay tìm về núi, người trí thích biển, cụ giảng giải thêm một ý mẹ Âu cơ giàu lòng nhân dẫn đàn con lên núi, Lạc Long Quân giàu trí dẫn 50 người con xuống biển. Nhân và Trí đã tạo nên một dân tộc, đất nước Việt nam hiển hách. Những anh hùng liệt quốc đều mang trong mình, hiện lên khuôn mặt nét nhân, nét trí của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc long Quân.
Khi đến dự lễ an vị tượng thủy tổ của một vị tổ dòng họ danh tiếng cả nước, tôi càng nghiệm thấy vẻ đẹp, cái hồn của một pho tượng toát lên từ nhiều góc độ cả vẻ bề ngoài lẫn nội tâm. Càng ngắm kỹ pho tượng tôi càng thấy các nét rất gần gũi, thân quen. Có phải pho tượng ấy mang những nét nhân hậu thuần Việt từ dòng máu người mẹ thôn nữ làng quê Việt Nam. Có phải những nét trí dũng của vị tướng làm chấn động địa cầu, vẻ cương quyết dũng mãnh của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (Vũ Nguyên Bác), nét mặt thâm trầm sâu kín của tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, nét lãng mạn của nhà thơ "Ông đồ già" Vũ Đình Liên, nét trí tuệ, uyên thâm của một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam giáo sư Vũ Khiêu ...đều là những nét đẹp từ thủy tổ truyền lại.
Tượng Đức Thần Tổ Vũ Hồn
Ngày nhỏ, hay ra đình làng chơi, nghịch ngợm đến mấy nhưng tôi cũng không dám bén mảng đến chỗ tượng thành hoàng, những vị thần. Những pho tượng xưa có gì đó làm bọn trẻ chúng tôi sợ hãi. Không biết có phải do các pho tượng ấy còn mang nhiều huyền bí, những nét xa cách với đời sống hàng ngày. Người ta vẫn thường nói Phật ở trong tâm. Có rất nhiều cách cắt nghĩa, nhưng biểu hiện bên ngoài rõ ràng nhất là Phật ở trong tâm người Việt nên khuôn mặt Phật khi sang đến nước ta thì cũng mang nét mặt của người Việt, khác với các pho tượng Phật ở Ấn độ, Trung Quốc, Thái lan, Campuchia...
Tôi không biết nhờ phép màu nào mà pho tượng có một sự gần gũi đến vậy. Đem điều băn khoăn ấy hỏi các cụ, thì được biết rằng dòng họ làm một buổi lễ để giao tiếp với tiền nhân. Năm họa sỹ nổi tiếng đã ngồi nghe lời tả thông qua một hậu duệ của thủy tổ. Như những nghệ nhân tạc tượng xưa tự phác thảo mẫu tượng bằng sức tưởng tượng của mình, các họa sỹ đã thả hồn mình vào ký ức lịch sử để vẽ phác thảo ra bức ảnh. Sau đó, một cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà sử học văn hóa, khoa học hàng đầu cả nước đã được tổ chức, đối chiếu với các tài liệu, ảnh thờ, phả ký ...để chọn ra mẫu ảnh thủy tổ.
Các nghệ nhân dân gian xưa kia tạc tượng Phật, tượng thần để thờ cúng đều cố gắng thể hiện theo "tam thập nhị đại nhân tướng" - 32 tướng của bậc đại nhân và "Bát thập tùy/chủng hảo" - Tám mươi vẻ đẹp. Ngài Thích Ca Mâu Ni có đủ 32 quý tướng ấy khi xuất gia tu hành đã trở thành Đức Phật. Người có nhiều nét trong số quý tướng ấy, nếu ra giúp đời sẽ là bậc vương thân. Sự làm việc thành tâm, khoa học và cẩn trọng của lớp hậu thế và các nghệ nhân đã đúc nên pho tượng quý thể hiện phần nào 32 quý tướng 80 vẻ đẹp của thủy tổ
Dù đứng ở góc nào, tiến gần hay lùi xa thì đều thấy pho tượng hài hòa với không gian của hậu cung. Trong chùa có một số tượng kích thước rất lớn, gây cho người ta cảm giác tôn kính một cách sợ hãi. Nhiều pho tượng khác kích thước bằng hay chỉ lớn hơn người thật một chút, lại đặt trong không gian ấm cúng của một nhà thờ, mang lại cho người ta cảm giác gần gũi như ông bà cha mẹ trong nhà vậy. Chính vì vậy tượng thờ trong đền, chùa, đình nhà thờ họ thường không quá lớn. Sách Đại Nam Thực lục - bộ sử chính thức của nhà Nguyễn có cho biết rằng vua Minh Mạng đã cho nghiên cứu và ban hành chiều cao các tượng. Tượng Quan văn quan võ cao 3 thước 6 tấc (144cm). Trên thực tế kích thước các tượng xê dịch theo kích thước chuẩn này. Ở Lăng Gia Long, tượng quan võ tính đến mũ cao 1m55cm. Kích thước các pho tượng do những nghệ nhân ước định theo nguyên tắc thuận tay hay mắt.
Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại lễ yên vị
Vẻ đẹp sự tinh tế của một pho tượng phụ thuộc cả vào bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc lẫn chất liệu làm tượng. Từ xa xưa, tượng được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, đất, sáp...Tượng gỗ chiếm có một vẻ đẹp riêng. Người ta không dùng tứ thiết Đinh-Lim- Sến-Táu để tạc tượng, vì tuy nó bền nhưng cứng khó tạc và rất kỵ sơn. Lớp sơn thếp bên ngoài chỉ một thời gian là bong tróc. Gỗ được dùng nhiều là gỗ mít. Đây là loại gỗ không sợ ẩm, ít bị mục và tiêu tâm (mục rỗng ruột). Đá thường dùng để tạc các tượng để ngoài trời. Đá tạc tượng tốt nhất là ở vùng núi Kính Chủ, Hải Dương, Ngũ hành Sơn- Đà Nẵng. Chúng mềm khi mới khai từ trong lòng núi, để lâu thì cứng, rắn như đá hoa cương, sắc thì óng ánh như lam, chất biếc xanh như khói nhạt...Nhưng những pho tượng đúc bằng đồng lại có một tính chất đặc biệt. Ở phương Tây, trong thần thoại Hy Lạp, cũng như trong thuật giả kim, đồng có liên quan đến nữ thần Aphrodite (Vệ Nữ) vì vẻ đẹp rực rỡ của nó. Ở Phương đông, người xưa quan niệm rằng đồng là mẹ của vàng có tính thiêng. Người ta thường chỉ đúc tượng đồng để thờ cúng. Đứng cạnh một pho tượng đồng, dù có khi được hun giả đồng đen hay sơn thếp che lấp màu đồng, người ta vẫn cảm thấy trong người khác lạ. Đó chính là sự ảnh hưởng của mẹ vàng lên cơ thể con người, là do từ trường và "hơi đồng" tác động vào thần kinh và mạch máu...490kg đồng cùng những nén vàng được bỏ vào trong quá trình đúc, được những bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng Nam Định đã tạo thành một pho tượng đẹp cho dòng họ
Đứng trước một pho tượng trong chùa hay nhà thờ người ta cảm thấy khác hẳn với những bức tượng, phù điêu bày trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Bởi vì, dù có làm bằng chất liệu gì, to đến đâu, đẹp đến mức nào, thì đó cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật. Tượng chỉ có thể có hồn khi được làm lễ hô thần nhập tượng, yểm tâm, an vị. Nhà sư và các người có trách nhiệm tiến hành một nghi lễ trang nghiêm, tấm vải đỏ phủ tượng được dỡ ra trong tiếng cầu nguyện, được nhuốm trong khói nhang và của những tờ sớ được hóa, được yểm vào sau lưng pho tượng chỉ ngũ sắc, 31 đồng tiền xu, một bản kinh bát nhã...Nghi lễ xong pho tượng sẽ trở nên linh thiêng.
Pho tượng mà tôi muốn nói đến đó là pho tượng tổ Vũ Hồn, người được thờ như một vị tổ chung của các dòng họ Vũ - Võ ở cả trong nước và hải ngoại, người khai sinh ra một dòng họ thành danh khoa bảng khiến vua Tự Đức đã hạ bút ghi "nhất gia bán thiên hạ", người được 12 lần phong làm Vương thân từ thời Lê Hoàn đến đời Tự Đức. Tượng chính được đặt tại từ đường làng Mộ Trạch, Hải dương. Pho tượng thứ 2 được cử hành lễ an vị ngày 5/4/2009 và đặt tại vọng từ đường Vọng từ đường dòng họ Vũ-Võ Phương Nam.
Bài và ảnh: Vũ Ninh
|