Kinh lược sứ Vũ Hồn là người huyện Long Khê thuộc phía nam sông Trường Giang của Trung Quốc. Ông làm quan với nhà Đường vào khoảng niên hiệu Bảo Lịch (826-827) đời Đường Kính Tông. Đến năm Hội Xương thứ 1 (841) đời Đường Vũ Tông, ông được cử làm Kinh lược sứ Giao Châu.
Hiện nay tư liệu Hán Nôm viết về ông còn lại rất ít, nhưng trong số các tư liệu ít ỏi ấy lại thấy có những ghi chép không thống nhất về thời gian làm quan ở Giao Châu và về chức phận của ông ở đây. Vì lẽ đó, chúng tôi muốn đi sâu khảo cứu tìm tòi trong thư tịch cổ để xác định rõ những điểm chưa thống nhất giữa các tư liệu đó.
Trước hết, xin giới thiệu sơ qua vài nét về các tư liệu Hán Nôm quý giá này.
1. Sách Đại Việt sử ký Toàn thư , ký hiệu A3, q.15 phần Kỷ thuộc Đường viết :
“ Tân Dậu, Đường Vũ Tông Viêm Hội Xương nguyên niên. Đường chiếu dĩ Vũ Hồn đại Hàn Ước và Kinh lược sứ .
Quý Hợi, Đường Hội Xương tam niên Kinh lược sứ Vũ Hồn dịch tướng sĩ trị thành phủ. Tướng sĩ tác loạn thiên thành lâu, kiếp phủ khố. Vũ Hồn bôn Quảng Châu. Giám quân Đoàn Sĩ Tắc phủ yên loạn chúng “
Nghĩa là:
“ Năm Tân Dậu niên hiệu Hội Xương thứ 1(841) đời Đường Vũ Tông Lý Viêm, nhà đường ban chiếu cho Vũ Hồn làm kinh lược sứ thay cho Hàn Ước.
Năm Quý Hợi niên hiệu Hội Xương thứ 3(843) đời Đường, Kinh lược sứ Vũ Hồn sai tướng sĩ tu bổ phủ thành. Tướng sĩ làm loạn đốt lầu thành, cướp kho phủ. Vũ Hồn bỏ chạy về Quảng Châu”
Nội dung chính mà Toàn thư cho biết là Vũ Hồn được cử làm Kinh lược sứ ở Giao Châu thay cho Hàn Ước. Sau do gặp loạn, ông bỏ chạy về Quảng Châu. Thời gian Vũ Hồn ở Giao Châu là 3 năm (841 - 843). Các tình tiết quan trọng này được các tư liệu Hán Nôm hiện còn ghi chép không hoàn toàn giống như Toàn thư.
Sách Thế gia liệt truyện , ký hiệu A. 1190 ghi chép về một số thế gia vọng tộc trong cả nước, trong đó có một đoạn viết về họ Vũ ở làng Mộ Trạch như sau:
“Họ Vũ ở làng Mộ Trạch huyện đường An xứ Hải Dương, xưa tiên tổ Vũ Hồn là người bên Bắc Quốc, vào thời Đường Kính Tông (826-827) làm Thứ sử Giao Châu. Ông yêu thích phong thuỷ vùng này xinh đẹp, có mạch đất từ Bắc quốc chạy chìm xuống đến tận giếng làng Mộ Trạch, ắt hẳn văn phong sẽ phấn phát, nên tìm đến sinh sống ơ’đây. Nhân đó tên huyện được đặt là Đường An, tên làng được đặt là Mộ Trạch.”
Thế gia liệt truyện cũng dựa theo các bản phả họ Vũ Mộ Trạch, ghi rõ tên huyện Đường An được đặt là do có sự kiện Vũ Hồn đến sinh sống ở Mộ Trạch. Điều này không thấy chép trong Toàn thư, lý do đó đã gây mối ngờ vực.
Sách Hải Dương phong vật chí, ký hiệu A.822, khi giới thiệu về Thượng thư Vũ Hữu đời Lê, có nhắc đến tiên tổ ông là Vũ Hồn:
“Vũ Hữu người làng Mộ Trạch, Tiên tổ ông là Vũ Hồn người tỉnh Phúc Kiến bên Trung Quốc, khoảng niên hiệu Hội Xương (841 – 843) đuợc cử sang làm Thứ sử Giao Châu, thường đi xem xét danh thắng trong cả nước, thấy ở ấp Mộ Trạch có mạch kết xoắn hình ruột ốc, nhũ nhạc chầu về, hẳn là đất tốt đời đời phát khoa hoạn, nên đến sống ở đó. Nhân đấy đặt tên huyện là Đường An, tên làng là Mộ Trạch”.
Tư liệu về họ Vũ mà sách Hải Dương phong vật chí ghi chép, hoàn toàn dựa theo gia phả của họ Vũ làng Mộ Trạch. Hiện nay trong kho sách của viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hàng chục bản phả của họ Vũ. Các chi phái có ghi chép tường lược khác nhau, song đoạn ghi chép về tiên tổ họ Vũ thì cơ bản giống nhau. Chúng tôi đã tiến hành đối chiếu so sánh, thì thấy bản Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, ký hiệu A.659 là ghi chép tương đối tường tận:
“ Tị tổ họ Vũ huý là mỗ ( bên trái là bộ thuỷ, bên phải là chữ quân ) là người huyện Long Khê tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, làm quan niên hiệu BảoLịch (826-827) đời Đường Kính Tông, sau thay Hàn Ước làm thứ sử Giao Châu. Năm Hội Xương thứ 3 (843) đời Đường Vũ Tông được thăng làm An Nam Đô hộ sứ. Về sau do tuổi cao sức yếu xin trả lại sứ tiết, chỉ yêu thích phong thuỷ quê ta thanh tú, nên tìm đến sinh sống ở đây “
Phần dưới trong Bản phả cũng xác nhận tên huyện Đường An được đặt là do có thuỷ tổ Vũ Hồn đến an cư lập nghiệp. Về sự kiện này, các tư liệu Hán Nôm hiện có ở Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm phần nhiều ghi nhận như vậy. Thế nhưng trong sách Vũ trung tuỳ bút, kí hiệu A.2197 của Phạm Đình Hổ, thì tác giả lại tỏ ra nghi ngờ, ông có viện dẫn kinh sách để chứng minh cho giả định của mình. Ông viết:
“ Huyện ta có tên là Đường An không biết bắt đầu từ thời nào. Theo Đường thư, kỷ Đức Tông (780-805) chép việc Đường An công chúa muốn dựng tháp. Bình chương sự Khương Công Phụ ra sức can ngăn, nên bị triều đình ban chỉ bãi chức tể tướng. Theo quy chế nhà Đường, khi phong hiệu cho công chúa phải dùng tên huyện để gọi, thế nhưng theo Đường thư địa chí thì ở Trung Quốc không có huyện Đường An. Thời bấy giờ nước ta nội thuộc nhà Đường, vậy thì tên gọi Đường An của huyện ta biết đâu đã xuất hiện trước cả niên hiệu Trinh Nguyên (785-805), Kiến Trung (780-783) “
Từ những ghi chép trong thư tịch Hán Nôm như nêu ra ở phần trên, chúng tôi tìm hiểu thêm các thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam như Cựu Đường thư, Từ Hải, Từ Nguyên, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Từ điển quan chức Việt Nam, rồi đối chiếu so sánh với các tình tiết chép về Kinh lược sứ Vũ Hồn, để đưa ra mấy nhận xét.
1. Vũ Hồn sang Giao Châu có thể trước năm Hội Xương 1(841), lúc này ông chỉ nhậm chức Thứ sử. Theo Quan chức chí trong Đường thư thì nhà Đường đặt ra chức Kinh lược sứ từ năm Trinh Quán 2 (628) đời Đường Thái Tông. Bấy giờ nhà Đường nhận thấy ở một số vùng biên viễn, tình hình rối ren, mới đặt ra chức quan này để trông coi vùng biên giới. Đây là vị trưởng quan phụ trách quân sự cao nhất ở địa phương, sau này phần nhiều do chức quan có từ thời Hán, đến thời Đường vẫn dùng, song quyền hành kém hơn Kinh lược sứ. Toàn thư là bộ sử nước Việt, cho nên khi ghi chép sử gia phải cân nhắc chọn lọc. Do vậy khi Vũ Hồn làm Thứ sử sứ Giao Châu thì không chép, nhưng đến khi ông thay Hàn Ước làm Kinh lược sứ thì lại chép.
Trở lại tình hình nước ta hồi bấy giờ, các viên quan Đô hộ nhà Đường như Lý Tượng Cổ, Lý Nguyên Gia, Hàn Ước lần lượt thất bại trước phong trào khởi nghĩa của hào mục Dương Thanh. Năm 828 Hàn Ước bị Dương Thanh đánh bại phải bỏ chạy về Quảng Châu. Như vậy từ năm 828 đến năm 841 cả thảy 13 năm, đất Giao Châu do Dương Thanh làm chủ. Các chức quan Đô hộ là trông coi cả dân sự và quân sự, còn chức quan Kinh lược sứ là võ Quan quân sự cao cấp.Tình thế nước ta hồi bấy giờ, bắt buộc nhà Đường phải cho Vũ Hồn làm Kinh lược sứ như Toàn thư chép để đảm đương việc chiến sự. Hơn thế nữa, triều đình nhà Đường còn cử một viên Giám quân Đoàn Sĩ Tắc sang giám sát đôn đốc Kinh lược sứ Vũ Hồn đánh dẹp. Theo quy chế quân sự, khi đại tướng cầm quân ra trận, cần có Giám quân đi theo, mà Giám quân thì nhận lệnh trực tiếp từ Hoàng Đế, đôi khi quyền lực còn lấn át cả đại tướng chỉ huy. Toàn thư chép Kinh lược sứ Vũ Hồn ở Giao Châu, có Giám quân Đoàn Sĩ Tắc theo dõi giúp đỡ, cho thấy tình hình Giao Châu lúc đó cực kỳ phức tạp.
Những phân tích trên cho thấy những ghi chép trong Toàn thư về chức phận của Vũ Hồn là Kinh lược sứ là đúng sự thực. Còn như chép ông là thứ sử hoặc là An Nam Đô hộ sứ thì đều không hợp với chức phận của ông.
2. Nghi ngờ về tên huyện Đường An của Phạm Đình Hổ rằng gọi Đường An có thể xuất hiện từ trước lúc Vũ Hồn đến đây, là có thể giải thích. Đường thư địa lý chí, cho biết đế chế Đại Đường lúc bấy giờ không có tên huyện nào gọi là Đường An cả, chỉ có tên huyện gọi là Đường thôi . Đường huyện nằm ở khu vực giữa tỉnh Hà Bắc, hơi lệch một chút về phía tây, thuộc lưu vực sông Đường Hà. Trung tâm huyện đặt ở thị trấn Nhân Hậu. Đây vốn là đất dấy nghiệp của đế Nghiêu đời Đào Đường, nhà Hán đặt thành huyện, gọi là Đường huyện, tồn tại mãi về sau này. Công chúa Đường An là cành vàng lá ngọc, vua Đường Đức Tông (780-805) khi chọn huyện ban tước lộc cho con hẳn là phải lựa chọn những huyện vùng Trung Nguyên chứ không thể là một huyện nào đó vùng biên viễn được. Do vậy, rất có thể triều đình đã chọn Đường huyện và thêm một mỹ từ nữa vào sau mà đặt hiệu cho công chúa Thiên Kim ấy là Đường An công chúa.
Tài liệu tham khảo:
1. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Trần nghĩa chủ biên, Nxb KHXH, 1993.
2. Từ điển quan chức Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, Nxb Thanh niên,2002.
3. Từ Hải, Thương vụ ấn thư quán, Thương Hải, 1989.
Nguyễn Tá Nhí - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
|