(hovuvovietnam.com) - Họ Vũ ở làng Mộ Trạch (làng Tiến sĩ nổi tiếng nhất ở xứ Đông và trong nước trước kia), nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một trong những dòng họ lớn ở Việt Nam có Thuỷ Tổ - Thần Tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng Mộ Trạch.
Theo gia phả, tộc phả và thần phả ở Mộ Trạch, vào đời nhà Đường bên Trung Quốc (618 - 907), khoảng năm 800, có một quan chức tên là Vũ Huy người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến (thuộc đất Mân Việt cũ). Vợ là Lưu Thị Phương. Hai ông bà đã nhiều tuổi, khoảng gần 60 tuổi, vẫn chưa có con cái. Ông Vũ Huy là một nhà nho, do đó thường than rằng: “Vàng núi thóc biển coi như cỏ rác, con hiếu,cháu hiền quý hơn châu ngọc”. Sau đó, ông làm sớ dâng lên vua Đường xin được nghĩ về làm trí sĩ. Vua Đường chuẩn cho, lại ban phát cho xe ngựa, vàng bạc. Ông tạ ơn về quê sống cảnh an nhàn, đi du ngoạn. Ông Vũ Huy vốn tinh thông khao địa lý phong thủy, do đó trên đường đi du ngoạn về phương nam, đến đất Giao Châu khi ấy là khu vực đất thuộc đồng bằng Bắc Bộ bây giờ.
Một hôm đi đến ấp Mạn Nhuế thuộc huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu sau này là tỉnh Hải Dương, Vũ Huy thấy một kiểu đất đẹp ở khu cánh đồng mênh mông có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò cao và lớn, tựa như 98 ngôi sao chầu về mặt trời (cửu thập bát tú triều dương). Cái gò ấy tên địa phương gọi là Đống Dờm. Theo thuyết địa lý – phong thủy nếu mộ táng ở đây con cháu sẽ phát sinh khoa bảng, công danh hiển hách. Cụ Vũ Huy quay trở về Phúc Kiến đưa hài cốt thân phụ sang táng ở Đống Dờm, rồi làm nhà ở tạm để trông nom ngôi mộ
Ở làng Mạn Nhuế khi ấy có một thôn nữ con nhà nề nếp, tính tình đoan trang phúc hậu, chăm chỉ làm ăn lại có quý tướng sinh con quyền cao chức trọng. Có lẽ do duyên trời đã định, nên gia đình cô thôn nữ đã chấp nhận lời cầu hôn của ông Vũ Huy, và ít lâu sau, hôn lễ đã được cử hành. Bà là Nguyễn Thị Đức.
Hơn một năm sau, bà có thai. Ông đưa bà về Phúc Kiến (thuộc đất Mân Việt cũ).
Ngày 08 tháng giêng năm giáp Thân (804) bà sinh con trai. Ông bà đặt tên con là Vũ Hồn. Ngay từ thuở nhỏ, Vũ Hồn trông dáng dấp rất khôi ngô, tuấn tú, rất chịu khó học hành và rất thông minh. Năm 12 tuổi sức học đã làm cho các bậc đàn anh kính nể.
Năm 820, Vũ Hồn đã đỗ kỳ thi Đình khi mới 16 tuổi. Vua Đường rất khen ngợi và cho là nhân tài, vì ngoài thơ văn hay, sách lược giỏi, Vũ Hồn còn tinh thông cả khoa thiên văn - Địa lý - Phong thủy. Vua ban cho mũ áo để về vinh quy. Tuy còn trẻ tuổi nhưng có tài, vì vậy ít lâu sau vau Đường xuống chiếu bổ dụng Tả Thị Lang Bộ Lễ - một chức quan khá trong triều đình - vì Bộ Lễ phụ trách lễ nghi, cúng tế và thi cử trong nước. Được 2 năm thăng chức Đô Đài Ngự Sử.
Năm 825 ( Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, niên hiệu Bảo lịch thứ nhất, Vũ Hồn được cử sang An Nam làm Thứ Sử Giao Châu.
Năm 841 (Tân Dậu) đời Đường Vũ Tôn, niên hiệu Hội Xướng thứ nhất, Vũ Hồn được thăng chức Kinh lược sứ thay Hàn Uớc. Trong thời gian ở An Nam, Kinh lược sứ Vũ Hồn đã đi kinh lý và xem xét nhiều nơi, đồng thời để tâm chủ ý việc tìm địa điểm để định cư sau này, vì Ngài đã muốn chọn quê ngoại làm quê hương. Ngài đã nhiều lần về Mạn Nhuế thăm mộ ông Nội ở Đống Dờm, sau đó đã đi thăm tất cả các vùng lân cận. Một lần Ngài đến trang Lạp Trạch huyện Đường An thấy về phía tây thôn ấy có cách đồng hoang, cỏ lau rậm rạp, rải rác có những gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao hoặc những ao mà dưới đáy có doi đất nổi lên như hình quả bút, nghiên mực, quyển sách… Theo kiến thức về địa lý - phong thủy là một kiểu đất đẹp, kết. Ngài đã ghi chép lại để khi cần thì sử dụng .
Trong thời gian Ngài giữ chức Kinh lược sứ tại An Nam, thì đất An Nam thường không yên; do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là dân An Nam thường hay nổi dậy, do quân Nam Chiếu từ vùng Vân Nam hay sang quấy nhiễu, do dân tình đói khổ sinh ra nhiều giặc cướp. Các quan đô hộ trước đó, như Lý Nguyên Gia, Hàn Ước nhiều khi bỏ chạy, do đó sau này họ dời phủ thành từ Đông quan (vùng ngoại thành Hà Nội) về bờ sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Khu phủ thành mới sẽ có đất đủ xây dựng hàng chục ngàn căn nhà với dân số có thể phát triển đến cả trăm ngàn người (thành tổng binh).
Do công trình quá lớn, xây dựng tốn kém, mà quân lính thì phải phục dịch xây dựng rất vất vả, nên sinh ra thái độ tiêu cực, chống đối. Do đó, Phủ thành mới, xây mãi không xong.
Đến khi Kinh lược sứ Vũ Hồn thay Hàn Ước thì Ngài lại tiếp tục xây dựng công trình dỡ dang đó, khiến quân lính ngày đêm phải lao dịch cực nhọc nên quân sĩ sinh ra bất mãn, nổi loại, đốt phá lầu thành, cướp kho phủ. Ngài phải chạy về Quảng Châu. Sau đó,Giám quân đoàn Sĩ Tắc dụ yên được binh sĩ làm loạn.
Vì Kinh lược sứ Vũ Hồn không dẹp được hoặc không muốn dẹp cuộc nổi loạn của quân sĩ mà bỏ về Trung Quốc nên vua Đường đã bãi chức Kinh lược sứ của Vũ Hồn và cử Bùi Nguyên Dụ sang thay.
Tuy Kinh lược sứ Vũ Hồn bị thất bại trong nhiệm vụ đô hộ bên An Nam vào năm 843, nhưng vì đã có nhiều công lao trong hơn 20 cống hiến cho vua Đường, nên vua Đường Vũ Tôn đã không có hình phạt nghiêm khắc, mà còn cho Vũ Hồn được hưởng đặc ân.
Một phần ngài đã nản công danh, do không còn được trọng dụng, một phần nhà Đường lúc đó có 2 phe: Lý Đức Du và Ngưu Tăng Nhu tranh giành quyền lực, sát hại nhau, lấn áp cả vua, mà ngài thì không theo phe nào, nên xin với vua Đường cho hưởng đặc ân “ xin về trí sĩ”.
Năm 843, đời Đường Vũ Tôn, năm Hội Xướng thứ ba, vua Đường chuẩn y, ban cho nhiều vàng bạc, và Ngài Vũ Hồn được nghĩ việc quan từ. Năm đó Ngài mới có 39 tuổi
Lúc đương thời làm quan ở Giao Châu. Thủy Tổ Vũ Hồn đã có ý định sau này định cư ở quê ngoại, nên đã chú ý tìm đất và đã tìm được vùng đất Lạp Trạch, sau này là thôn Khả Mộ, rồi Mộ Trạch huyện Đường An như trên đã nói.
Sau khi Ngài nghỉ việc quan, Ngài liền đưa mẹ sang An Nam định cư (Theo Ngọc Phả hiện lưu giữ ở đình làng Mộ Trạch - Ngài nói: “ Người xưa được một ngày nuôi cha mẹ, dẫu làm đến tam công cũng không sướng bằng, ta nay còn có mẹ già, há nên tham giàu sang mà không nghĩ đến hiếu dưỡng hay sao?”.
Ngài xây dựng nhà cửa, dinh cơ cho gia đình, rồi gọi dân cư ở rải rác các vùng xung quanh về ở, giúp đỡ họ tiền bạc để xây dựng nhà cửa, mở trường dạy học, lập nên một xóm nhỏ, đặt tên là Khả Mộ Trang (có nghĩa là ấp đáng mến), sau dân cư đông đúc thêm đổi tên thành Khả Mộ thôn dần dần thành một thôn ấp có văn hoá, có lễ nghĩa và làm ăn thịnh vượng.
Do công đức to lớn của Ngài, và do dân làng Khả Mộ tôn kính Ngài như cha mẹ, nên đã xin với Ngài rằng: “Lâu đài ngài hiện nay để ở, sau khi Ngài mất, dân làng sẽ dùng làm miếu để thờ phụng Ngài”. Ngài ưng cho, lại bảo rằng: “ Trang khu có hậu đạo với ta thí phải trọng lời di chúc của ta, mà ngàn năm thờ phụng”. Ngài lại cho thêm năm nén vàng, tậu ruộng ao để cung ứng cho việc tế tự, khỏi phiền dân đóng góp.
Khi mẹ Ngài qua đời (Cụ bà Nguyễn Thị Đức), ngài khóc than khôn xiết rồi rước linh cữu mẹ lên táng ở xã Kiệt Đặc huyện Thanh Lâm - sau này thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cũng là vùng lân cận với Mạn Nhuế, quê ngoại của Ngài, và cũng là nơi có mộ ông nội Ngài. Ngài đã ở quê ngoại, trông nôm ngôi mộ mẹ ngài ở Kiệt Đặc trong thời gian 3 năm ròng, đúng như luân lý và lễ giáo ngày xưa. Mãn tang, ngài trở về ấp khả Mộ sinh sống, dạy học cho trang làng.
Năm 853 - Quý Dậu - năm ngài vừa đúng 49 tuổi, một hôm vào ngày 03 tháng Chạp, Ngài đương ngồi dạy học, thì thấy trong mình khó chịu, rồi thiếp đi, không bệnh gì mà hoá. Trang dân và gia thần bèn rước ngài lên xứ Đồng Cạn, một gò đất nhỏ trong cánh đồng phía Tây Bắc thôn trang để an táng.
Bỗng nhiên, trời đất tối sầm, mây mù vây kín. Giờ lâu, trời quang mây tạnh, thì đã kiến, mối đùn lấp thành một ngôi mộ lớn. Trang dân và gia thần đều kinh hãi phãi báo lên quan, để tâu lên Vua. Vua Đường cho truy nguyên lúc bình nhật, sắc phong là một vị Phúc Thần.
Lại Phong:
Đương cảnh Thần Hoàng
Lâu đài cư sĩ
Linh Ứng Đại Vương
Chuẩn cho khu thượng trang Khả Mộ lên kinh thành rước mĩ tự về miếu phụng thờ, cắm đất ấy là Mả Thần dựng mộ chí, địa phương phải ngàn vạn năm thờ cúng.
Vì vậy, đến nay khu gò đất táng di hài ngài có tên Mả Thần và cánh đồng ấy cũng gọi là cánh đồng Mả Thần. Mả Thần được tôn tạo và tu bổ vào năm Quý Dậu (1993) và nay gọi là Thần Lăng. Tại Mả Thần chỉ có một ngôi mộ của ngài, dân ấp không một ai dám táng thân nhân vào đấy để tỏ lòng tôn kính ngài. Sau khi cụ Thuỷ Tổ qua đời, đến lược cụ Bà cũng được dân làng và con cháu táng liền kế bên, gọi là mộ song táng.
Dân làng lại tôn ngài làm Thành Hoàng, mới đầu thì thờ Ngài tại dinh cơ Ngài để lại, vè sau làm đình, miếu thờ cũng để ghi công Ngài vừa là người khai ấp Khả Mộ, vừa là người dạy dỗ đem học vấn, lễ nghĩa đến cho họ và con cháu các họ, giữa thôn dân với Ngài có ơn nặng tình sâu
Xét công lao to lớn của Ngài, và của các con cháu Ngài đã đóng góp các thành tích đáng kể cho đất nước, do đó các triều đại phong kiến Việt Nam đã lần lược gia phong cho Ngài làm Thần Vương tất cả 12 lần với 12 đạo sắc như sau:
- Lần thứ nhất: Đời Lê Hoàng (980 – 1009)
- Lần thứ hai: triều vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên đang cướp nước ta, Đức Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Đại Vương phụng mệnh kỳ đảo bách thần. Đức Thần tổ có hiển âm phù. Khi đã dẹp xong giặc Nguyên: Phàn Tiếp, Ô Mã Phi, vua Trần bèn phong:
Thông minh tuệ trí hùng trác vĩ
Thượng đẳng thần
- Lần thứ ba: Đời vua Lê Thái Tổ dấy quân khởi nghĩa ở núi Lam Sơn, chống giặc Minh, dẹp được Mộc Thạch. Liễu Thăng, mười năm dẹp yên được thiên hạ lại phong
Tế thế an dân, linh phù ngưng hữu
Thượng đẳng thần
Tiếp theo đến đời Lê Trịnh, lại có 5 đại sắc phong nữa.
- Lần thứ tư: Triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ được phong 1 lần
- Lần thứ năm: Triều Nguyễn Gia Long.
Được phong 2 lần
- Lần thứ sáu: Đời vua Tự Đức, sắc phong “ Tối linh phù vận Đại Vương”
Từ hơn một năm nay, dân làng Mộ Trạch vẫn thờ đức Thần Hoàng Vũ Hồn ở miếu và đình. Miếu và đình đã được xây dựng thời thời xa xưa, và sau này đã được tu tạo và xây lại nhiều lần.
Thời gian đầu, miếu xây ở phía sau làng. Đến đời vua Lê Thần Tôn (1658 - 1662) miếu được về khu vực Long Nhãn “Mắt Rồng” như hiện nay. Năm Quý Dậu (1993) bên cạnh miếu đã xây thêm nhà khách để đón tiếp các hậu duệ họ Vũ ở tất cả các mọi nơi về thâm đất Tổ
Còn về đình, thì đầu tiên đình cũ xây ở phía tây đầu thôn, và đặc hướng tây.
Đến đời vua Lê Hy Tôn và chúa Trịnh Căn (1697) đã được xây thành đình lớn.
Giữa đình thời thần Hoàng Vũ Hồn, hai bên tả, hữu là hai khu thờ phụng của các giáp (có 12 giáp ).
Năm 1740 - 1741 đời vua Lê Hiển Tôn và cuối đời chúa Trịnh Giang, đình làng bị chúa Trịnh triệt hạ. Nguyên nhân, do cuộc khởi nghĩa Trác Oánh, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, năm 22 tuổi đã độ Hương cống Khoa thi hội năm Bính Thân, niên hiệu thịnh Đức 4, toàn quốc chỉ có 6 người đỗ Tiến sĩ, riêng làng Mộ Trạch đã có 3 người. Tiến sĩ Vũ Trác Lạc( Vũ Trác Lạc là vai ông của Vũ Trác Oánh ), Tiến sĩ Vũ Đăng Long và Tiến sĩ Vũ Công Lượng. Sau này, khi vua Tự Đức – nhà Nguyễn - đọ được tư liệu về Đăng Khoa lạu đã hạ bút khen :
“ Nhất gia bán thiên hạ”
Có nghĩa là : “Một nhà bằng nữa thiên hạ”
Vũ Trác Lạc đã làm quan đến Tham Chính, và được vua Lê phong Tước Nam.
Do thấu hiểu sự mục tàn của vua Lê – chúa Trịnh và sự đói khát. Thống khổ của nhân dân khắp địa phương thời bấy giờ, nên Vũ Trác Oánh đã lãnh đạo nông dân nổi dậy. Vũ Trác oánh kéo cờ khởi nghĩa với tên xưng Minh Nghĩa Công đã phối hợp cùng Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ (ở Ninh Xá - Hải Dương) chống lại triều đình. Vì sức yếu và tổ chức chưa tốt, chưa tạo được quần chúng nhân dân một sự giác ngộ bền vững, do đó sau 3 năm (1739 – 1741 ) đã bị quân đội nhà Trịnh dẹp tan. Nguyễn Tuyển tử trận. Nguyễn Cừ bị bắt rồi bị xử tử, còn Vũ Trác Oánh mất tích, không biết sau này chạy về đâu. chính vì vậy, mà đình làng Mộ Trạch bị chúa Trịnh cho triệt hạ vào năm 1741.
16 năm sau, vào năm 1757 cũng đời vua Lê Hiển Tông chúa Trịnh Doanh, bà Nhữ Thị Thuận và chồng là Vũ Phương Đẩu đã xin phép dân làngcho được lại ngôi đình đã bị phá. Bà đã bỏ tiền riêng của gia đình, hơn ba ngàn quan tiền để xây dựng lại đình làng làm xong, bà không nhận tiền của dân làng đóng góp. Bà lại còn công đức thêm 10 mẫu ruộng để lấy hoa lợi làm lễ cúng tế hằng năm. Vì vậy, dân làng rất kính trọng Bà. Khi Bà mất, dân làng đã phong Bà làm Hậu Thần. Ở đình làng hiện nay có bia đá ghi công đức Bà, đặt ở bên cạnh Hậu Cung.
Đình làng khi đó được xây dựng thành một quần thể kiến trúc gồm : Đình ngoài, đình trong, hậu cung và sân đình với các cột đồng trụ bao quanh.
Đình làng lại bị giặc Pháp phá hủy trong thời gian kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954. Giặc Pháp đã phá dỡ đình ngoài, lấy gạch để xây đồn bốt. Hiện nay chỉ còn lại d0ình trong và Hậu Cung. Đến năm 1991, Đình trong đã được dân làng tạm tu bổ lại. Hiện nay đình làng đã được nhà nước Việc Nam xếp hạng là “ di tích lịch sử văn hoá Quốc Gia”, cần được duy trì bảo tồn (quyết định số 154 ngày 15/01/1991 của Bộ văn hoá nước CHXHCN Việt Nam.
Cuối năm 1993 - Tiến sĩ vật lý Vũ Ngọc Thịnh - Việt Kiều ở Nhật Bản cùng gia đình ở TP. Hồ CHí Minh (gốc quê ở làng Mộ Trạch) đã công đức xây lại Thần Lăng và khánh thành vào ngày 8 tháng giêng năm Quý Dậu (1993). Cùng ngày, cũng khánh thành nhà khách Miếu thờ thần tổ do công đức của gia đình kỹ sư Vũ Mạnh Hà ở TP. Hà Nội. Kỹ sư Vũ Mạnh Hà là hậu duệ các cụ tổ Vũ Phong - trạng vật và Vũ Duy Chí, Tể tướng đều có gốc họ Vũ làng Mộ Trạch thuộc Tiền Ngũ chi và Hậu Ngũ chi. Cụ Tể tướng Vũ Duy Chí hiện còn nhà thờ Quang Chấn Đường ờ làng Mộ Trạch.
KS. Vũ Mạnh Hà
http://hovuvovietnam.com/