Ngày mùng 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Võ Nguyên Giáp đã có bài diễn văn quan trọng nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ lâm thời và khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân ta. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2-9, Trang thông tin điện tử www.hovuvovietnam.com thức xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài diễn văn của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Lễ Độc lập 2-9-1945.
Thưa đồng bào,
Sau mấy chục năm tranh đấu quyêt liệt chống bọn cướp, chúng ta đã gặp được thời cơ thuận tiện là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai này. Bắt đầu từ năm 1940, dân ta sửa soạn đứng lên đuổi người Pháp, rồi Nhật, để lấy lại nền độc lập. Trong vòng bí mật, các tổ chức cách mạng của Mặt trận Việt Minh đã lan tràn trong nước, ở nơi rừng xanh núi đỏ các bộ đội du kích đã phát triển và tiến tới một khu giải phòng gồm sáu tỉnh miền thượng du và trung du Bắc Kỳ, thành lập Việt Nam Giải phóng quân đã mở đầu việc kiến thiết nước Nam mới. Rồi cuộc Tổng khởi nghĩa đã đoạt chính quyền về tay nhân dân và thực hiện sự thống nhất quốc gia từ cửa Nam Quan đến mũi Cà Mau. Trải muôn ngàn nỗi gian lao nguy hiểm, trong đó biết bao nhiêu chiến sĩ anh dũng của chúng ta đã hy sinh cho Tổ quốc, chúng ta mới có ngày nay. Giờ này, mấy chục vạn đồng bào có mặt ở đây, cũng như hai mươi triệu đồng bào ở khắp nước, đều hồi hộp, phấn khởi dưới bóng cờ đỏ sao vàng và cùng với Chính phủ thề hy sinh đến cùng để giữ đất nước, chúng ta tuyên bố với thế giới cái quyền sống và cái kết quả cuộc chiến đấu của dân tộc ta nó là một sự thực không ai có thể chối cãi được.
- Nước Việt Nam độc lập đã xuất hiện.
- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập.
Sự nghiệp to tát đó sở dĩ thực hiện được nhờ ba nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất là cuộc phấn đấu của các bậc tiên liệt đã rơi đầu rỏ máu trong bảy, tám mươi năm dưới gót sắt của bọn xâm lược tàn ác, hoặc tại pháp trường, hoặc trong lao tù, hoặc ngoài mặt trận.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình (ảnh: NSNA Võ An Ninh)
Nguyên nhân thứ hai là sự đoàn kết của dân chúng, sự đoàn kết của các phần tử tiền phong trước đây, và của toàn dân trong lúc này.
Nguyên nhân thứ ba là trào lưu dân chủ toàn thế giới. Sự đại thắng của mặt trận chống phát xít đã ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của nước ta. Nhật đầu hàng Đồng minh tức là kẻ thù của ta đã đổ.
Tuy vậy nước Việt Nam độc lập và dân chủ cộng hòa mới ở vào những ngày đầu hãy còn non nớt, nên chúng ta cần phải làm cho nó chóng đi đến bước trưởng thành, vững chãi, không có sức nào lấn át, lay chuyển được.
Do đó, Mặt trận Việt Minh vốn đã mở rộng, lại biến thành hẳn một phong trào cứu quốc của toàn thể nhân dân, trong đó tất cả mọi đoàn thể, tất cả mọi cá nhân có ý chí phụng sựu quốc gia đều đứng lên cùng gánh vác nhiệm vụ nặng nề là thực hiện sự đoàn kết của toàn dân chống mọi mưu mô xâm lược. Một Chính phủ lâm thời có đại biểu của đủ các giới tham dự đã thay cho Ủy ban nhân dân cách mạng mà Quốc dân đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã cử ra.
Chính phủ lâm thời bây giờ là ý chí của toàn quốc chứ không phải là ý chí của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm. Tinh thần của dân ta càng ngày càng cao, lực lượng của dân ta càng ngày càng lớn, Trung, Nam, Bắc cùng một lòng. Sĩ, nông, công , thương, binh cùng chung một ý chí. Cả đến các giáo sĩ đạo Phật và Cơ đốc, cả đến vua Bảo Đại cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng, tình nguyện góp sức đánh quân thù. Chính phủ lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, phấn đấu ấy sâu, rộng hơn nữa.
Để tăng gia và củng cố sự đoàn kết và phấn đấu ấy, chỉ nay mai Chính phủ lâm thời sẽ ra sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức.
Trong lúc đợi chờ Quốc hội, Chính phủ lâm thời có nhiệm vụ phải thi hành ngay những phương pháp cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, hành chính, văn hóa và cứu tế.
Về nội trị, chính sách của Chính phủ lâm thời là thống nhất và đoàn kết. Sự phân biệt Trung, Nam, Bắc sẽ không còn. Sự chia rẽ các dân tộc trên dải đất Đông Dương sẽ mất hẳn. Những người lầm lỗi mà biết quay lại con đường chính sẽ được tha thứ. Tài sản và sinh mệnh của đồng bào và của người ngoại quốc bao giờ cũng được tôn trọng. Chỉ có một điều đáng nêu cao là chính quyền của nhân dân kiên quyết bảo đảm tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Bởi chú trọng đến điều đó nên một mặt Chính phủ đã bắt đầu đặt sự liên lạc mật thiết giữa trung ương và các địa phương để thi hành một chính sách duy nhất cho khắp nơi, đặng tránh những sự hiểu nhầm hoặc lạm dụng, một mặt Chính phủ đã sửa soạn nâng cao ý thức của quần chúng bằng tuyên truyền cổ động và giáo dục để quần chúng biết “giữ” và biết “dùng” quyền tự do, dân chủ đã giành được.
Về quân sự, Đội quân Giải phóng đã thành lập trong những ngày lưu huyết trên chiến khu và đã ghi được những thành tích rực rỡ, đang chỉnh đốn và mở rộng thành quân đội quốc gia đủ mạnh mẽ để bảo vệ nền độc lập và Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.
Việc đào tạo những cán bộ quân sự để chỉ huy quân đội chính thức cũng là du kích và dân quân sẽ tổ chức cấp tốc để đối phó với tình thế.
Mưu mô xâm lăng của đế quốc Pháp đang đe dọa chúng ta, nhưng với sự đoàn kết, hy sinh của toàn dân ở đằng sau những đội quân cảm tử, chúng ta tin là chúng ta sẽ thắng. Và nhất định chúng ta sẽ đập nát tất cả những cùm xích mà bọn xâm lược chực đeo vào cổ dân tộc ta một lần nữa.
Về kinh tế, sự bóc lột của Pháp và Nhật đã làm cho nền kinh tế nước ta nguy ngập. Năng lực sản xuất bị nạn độc quyền kìm hãm, những ngành công nhệ bị chế biến thành những cơ quan chế tạo vật phẩm chỉ hữu dụng cho bọn quân phiệt, những đường mối thương mại bị nạn đầu cơ tích trữ làm cho rối bét. Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng Chính phủ sẽ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát.
Về tài chính, chúng tôi cũng không ngần ngại gì mà tuyên bố ngay rằng tình hình rất đáng lo và chắc chắn là Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng Chính phủ đang trù tính những phương pháp vượt qua những khó khăn ấy. Mặc dầu những nỗi khó khăn mà Chính phủ đã lường trước được. Chính phủ cũng sẽ thi hành dần dần những điều mà quốc dân mong mỏi như bãi bỏ thuế thân, thuế chợ để giúp cho sinh kế của người nghèo được dễ dàng.
Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các công cuộc kiến thiết và nhất là việc gây dựng đội quân quốc gia cần đến nhiều tiền. Cho nên để bù lại chỗ hao hụt của ngân quỹ, tất phải có những phương sách đặc biệt như công trái, lạc quyên, đặt thuế lợi tức.
Trong những cách giải quyết ấy Chính phủ trông cậy một phần lớn vào lòng ái quốc của đồng bào và chúng tôi tin rằng giờ phút nghiêm trọng này không còn một ai không nhận rõ là nước mất thì nhà cũng tan, nền độc lập và chế độ dân chủ cộng hòa lung lay thì quyền lợi của riêng mình cũng sẽ không toàn vẹn. Quân thù mà trở lại đây được thì đừng nói là tự do của đồng bào cũng sẽ bị giày xéo.
Về văn hóa, Chính phủ đã lấy lượng khoan hồng mà đối đãi những nhà văn, nhà báo trước kia đi lạc đường. Ty kiếm duyệt tuy còn tạm giữ là để tránh những việc thông tin hay tuyên truyền có hại đến những việc ngoại giao hay nội trị biến chuyển hằng ngày. Nhưng rồi đây, khi tình hình chính trị đã sáng tỏ, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng sẽ ban bố ngay.
Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bắc trung học sẽ không có học phí, học trò nghèo được cấp học bổng. Việc giảng dạy hết sức thiết thực sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tình cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực về kỹ thuật cần lao của con người. Trong thời hạn rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ đế chống nạn mù chữ đến triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh eo hẹp này chúng ta cũng quá quyết tiến hành một nền học thuật quốc gia sẽ gây dựng ngay và sẽ bắt đầu bằng việc thiết lập những ban chuyên môn nghiên cứu về từng ngành hoạt động tinh thần. Những tập quán, phong tục đồi bại, phản tiến bộ sẽ bị triệt bỏ cũng như tất cả những văn chương uế tạp bông long đầu độc dân chúng.
Về cứu tế, nạn lụt hiện thời đặt chúng ta đứng trước một vấn đền lớn lao có thể ảnh hưởng đến chính trị. Đó là vấn đề ngay bây giờ phải nuôi sống hàng triệu nạn nhân hiện không có gì ăn và một hai tháng nữa phải tiếp tế cho dân những tính thiếu gạo vì mất mùa. Cố nhiên là Chính phủ phải đảm nhận cái trọng trách giữ cho nạn chết đói khỏi trở lại, tàn sát đồng bào như mấy tháng trước đây. Nhưng các nhà hàng sản ở khắp nơi trong nước cũng nên coi việc cú giúp đồng bào như một bổn phận thiêng liêng chẳng những vì nhân đạo mà còn vì tương lai dân tộc.
Về ngoại giao, dư luận rất chú ý đến những phái bộ Đồng minh đã lục tục tới Hà Nội, và ai nấy đều băn khoăn về những kết quả ngoại giao của Chính phủ.
Trước hết chúng tôi mong quốc dân hãy nhận tình thế một cách trầm tĩnh để tránh những xu hướng quá lạc quan, hay quá bi quan.
Chính sách ngoại giao của chúng ta dựa vào hai yếu tố một là hoàn cảnh quố tế, hai là lực lượng của chúng ta.
Hoàn cảnh quốc tế hiện thời có nhiều điều thuận lợi ch cuộc giải phóng dân tộc ta. Từ Hiến chương Đại Tây Dương cho đến các Hiệp định Têhêrăng, Yanta, Cựu Kim Sơn, nguyên tắc dân tộc tự quyết đã được nêu cao. Các cường quốc trong mặt trận dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho nền hòa bình thế giới, thì không có lý gì ngày nay lại để cho đế quốc Pháp đem quân đến gây chiến tranh với nước Việt Nam độc lập. Các cường quốc trong mặt trận dân chủ đã tuyên bố chiến đấu trong mặt trận dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho sự bình đẳng giữa các nước, thì không có lý gì lại giúp cho đế quốc Pháp trở lại đè nén, bóc lột dân Việt Nam.
Chúng ta và cả thế giới không thể tưởng tượng được rằng sau khi đã tự ý đứng về phe Đồng minh đánh phát xít Nhật ở Đông Dương, sau khi đã góp xương máu vào cuộc chiến đấu của Đồng minh coi như sẽ phải ở dưới ách nô lệ của thực dân Pháp là bọn đã bằng lòng cho phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương để làm căn cứ tiến công Phi Luật Tân, Mã Lai, Diến Điện, Hoa Nam, đã hàng phục phát xít Nhật, suốt thời kỳ chiến tranh. Kíp đến khi Nhật bị nguy khốn, cướp đoạt cả quyền hành để tiện bề đối phó với Đồng minh, thì bọn Pháp tính đến việc trốn hay đầu hàng hơn là chống lại, thì trái lại dân chúng Việt Nam đã hăng hái nổi lên đánh Nhật ở thượng du và trung du Bắc Kỳ, đã gây phong trào bài Nhật, bất hợp tác với Nhật ở khắp trong nước.
Chúng ta lại cần nói cho Đồng minh biết rằng suốt trong 3 năm giời, Việt Minh luôn luôn kêu gọi người Pháp ở Đông Dương hợp tác kháng Nhật, thì họ chẳng những làm lơ, mà còn thẳng tay đàn áp bắt bớ, bắn giết những chiến sĩ chống phát xít. Ấy thế mà mỗi khi thắng trận gặp bọn Pháp bị Nhật cầm tù, chúng ta đến giải phóng cho họ.
Ngày nay, chúng ta đã nắm chính quyền trong tay, đối với người Pháp chúng ta vẫn đối đãi tử tế. Nhưng đó không phải là thái độ khiếp nhược hay trìu mến họ đâu. Họ nên biết điều mà công nhận quyền độc lập hoàn toàn của ta. Bằng như họ định dũng võ lực xâm phạm đến đất nước ta thì ta sẽ rỏ đến giọt máu cuối càng để chống lại họ. Và chắc chắn là họ sẽ thất bại một cách đau đớn.
Đó là chính sách thân thiện của chúng ta đối với tất cả các nước. Riêng đối với Trung Hoa và Mỹ, chúng ta có một cảm tình đặc biệt. Trung Hoa là nước gần gũi ta nhất về địa thế, về sinh hoạt, kinh tế cũng như về văn hóa.
Những Hoa kiều ở đây đã bao lâu cùng với chúng ta chịu đau khổ dưới sức đè nén của Pháp rồi Nhật, đã sống giữa chúng ta một cách thân mật chẳng khác gì đồng bào ta, ngày nay đều đang sung sướng được thấy ngày giải phóng chung của hai dân tộc: họ đã hoan nghênh ủng hộ nền độc lập Việt Nam và Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi của họ, họ sẽ cùng chúng ta hưởng tự do, hạnh phúc trong một bầu không khí thân thiện, bình đẳng hoàn toàn.
Còn Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong cuộc đánh bại phát xít Nhật, kẻ thù của ta, nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt.
Trong mọi việc ngoại giao hiện thời điểm đáng chú ý nhất là thái độ của Chính phủ Pháp Đờ Gôn đối với nền độc lập của chúng ta. Về mặt tuyên truyền họ cố ý gây sự hiểu lầm của các nước Đồng minh, hiểu nhầm hiện tình Đông Dương. Lúc thì họ nói là chúng ta trung thành với họ, chúng ta là tay sai của Nhật, lúc thì vu cáo ta tàn sát đàn bà, trẻ con Pháp kiều. Nhưng chúng ta có đủ bằng cớ để đập tan những mưu mô xảo quyệt ấy. Về mặt chính trị họ đã bỏ viên toàn quyền mới và ngầm xui những công chức người Pháp cứ âm mưu giành lại các công sở. Về mặt quân sự, họ sửa soạn đêm quân vào Đông Dương. Nói tóm lại, cứ theo những tin tức nhận được gần đây thì rõ ràng là họ cố ý lập lại chính quyền ở nước ta. Ta thề sống chết với họ. Dân tộc ta vốn chuộng hòa bình song trong khi cần đổ máu thì cũng quả quyết đỏ máu.
Thưa đồng bào,
Rồi đây về tất cả các phương diện, nhất là về ngoại giao chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng ta không ỷ lại vào ai hết. Chúng ta cũng không cầu một sự may mắn nào. Chúng ta phải tự lo liệu để định đoạt lấy số phận của chúng ta. Muốn cho nội trị hoàn hảo, ngoại giao thắng lợi, chúng ta phải mau mau gây một lực lượng bằng sự thống nhất, đoàn kết, bằng sự rèn luyện chiến đấu hy sinh, bằng những hành động ủng hộ Chính phủ một cách thiết thực.
Trong lúc này, chia rẽ, hoài nghi, lãnh đạm, đều là phản quốc.
Trong lúc này, tâm trí mỗi người dân phải hướng cả về sự chiến đấu cho nền độc lập, sự lo lắng của mỗi người phải là một sự lo lắng, chống ngoại xâm. Chỉ có thế mới thoát được họa diệt vong, mới tránh được ách nô lệ.
Hỡi đồng bào thân yêu, con cháu của Trần Quốc Tuấn, của Lê Lợi hãy đứng cả dậy, xếp chặt hàng ngũ đợi lệnh của Chính phủ lâm thời.
Để cảnh cáo những kẻ định tái diễn thủ đoạn xâm lược, chúng tôi xin nhắc lời của ông Tưởng Giới Thạch nói về thái độ của các dân tộc Á Đông bị áp bức khi cuộc Thế giới chiến tranh này vừa kết liễu:
“ Nếu họ không được tự do bình đẳng thì một cuộc Thế giới chiến tranh (thứ ba) sẽ theo gót cuộc Thế giới chiến tranh thứ hai này, như cuộc Thế giới chiến tranh này đã theo gót cuộc thế giới chiến tranh thứ nhất vậy”.
Dân tộc Việt Nam phải được độc lập, tự do, bình đẳng. Đó không phải là nguyện vọng riêng của dân chúng Việt Nam mà còn là nguyện vọng của dân chúng tất cả các nước dân chủ. Dân chúng các nước ấy đã hy sinh chiến đấu để phụng sự công lý , chứ không phải để phụng sự áp bức. Nên dân chúng các nước ấy đều thiết tha mong mỏi trông thấy các dân tộc nhỏ yếu được giải phóng và họ cũng nghĩ như ông Tưởng Giới Thạch rằng: “Cuộc chiến tranh đã hết thì đế quốc chủ nghĩa cũng phải hết nốt, vì đế quốc chủ nghĩa tức là nguyên nhân của chiến tranh”.
Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao ôn hòa chẳng được thì ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sang nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như ông cha chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm, mười trận, nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về tay chúng ta.
Dù sao đi nữa, chúng ta quyết chí, nỗ lực chiến đấu thì nhất định là chúng ta sẽ duy trì được những thắng lợi ngày hôm nay. Đúng như lời ông Rudơven, sự áp bức và tàn bạo làm cho chúng ta biết tự do nghĩa là gì.
Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao nhiêu năm lầm than kiệt quệ.
Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh “một trận cuối cùng” để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc.
Võ Nguyên Giáp
(Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
|