Nhân dịp GS Toán học Vũ Hà Văn trở về Việt Nam cùng GS Ngô Bảo Châu tham gia giảng dạy chương trình đầu tiên ở Viện nghiên cứu cao cấp về toán, GS Vũ Hà Văn đã có cuộc trao đổi với về thực trạng nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay.
Nhắc đến GS Toán học Vũ Hà Văn, giới nghiên cứu Toán trong nước và thế giới đều ngưỡng mộ bởi anh là "một tài năng toán học ở Mỹ" sau sự kiện năm 2008, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM). Trong từng lĩnh vực, giải thưởng này được trao 4 năm một lần. Đây là một giải thưởng danh giá trong toán học. Từ tháng 7/2011, GS Vũ Hà Văn nhận lời giảng dạy tại trường ĐH Yale.
Nhiều năm làm việc ở nước ngoài và cống hiến rất nhiều thành công cho nền toán học thế giới nhưng GS Vũ Hà Văn lúc nào cũng đau đáu về sự phát triển khoa học nước nhà nhất là với toán học.
Nhân dịp GS Vũ Hà Văn trở về Việt Nam cùng GS Ngô Bảo Châu tham gia giảng dạy chương trình đầu tiên ở Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS Vũ Hà Văn về thực trạng nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Vũ Hà Văn tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Princeton).
Mức lương giáo sư ở Việt Nam thật nực cười!
Được biết, GS là 1 trong 14 thành viên Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về toán. GS có kỳ vọng Viện nghiên cứu cao cấp về toán làm thay đổi nhiều tới nền khoa học cơ bản mỏng manh hiện nay của Việt Nam?
Hè vừa rồi là đợt hoạt động đầu tiên của Viện. Tôi và GS Ngô Bảo Châu tham gia giảng dạy đầu tiên tại Viện và tôi sẽ cố gắng mỗi năm về 1 lần tham gia giảng dạy tại Viện.
Tất cả hoạt động khoa học của Viện do Hội đồng khoa học quyết định, mọi người đều có ý tưởng đóng góp. Tôi rất kỳ vọng về sự phát triển của Viện, nếu Viện hút được các bạn trẻ ở nước ngoài về và hút được các bạn trẻ trong nước ra nước ngoài làm việc đó là điều rất tốt. Ví dụ, khi nói chuyện với sinh viên ở Trường ĐH Vinh, tôi thấy rất nhiều người có kiến thức nền rất cơ bản, có sự am hiểu về toán nhưng họ chưa được tiếp cận với những chương trình “hot” hiện nay của toán học, chưa tiếp cận được hướng chính của toán học hiện đại để họ tiếp tục nghiên cứu. Nếu không tiếp cận được cái đó thì kiến thức sẽ mòn hết. Viện nghiên cứu cao cấp về toán sẽ giải quyết được vấn đề này. Tôi nghĩ khi đi vào hoạt động, viện sẽ thu hút được nhiều nhà khoa học trên thế giới đến tham gia hoạt động thì sẽ trở thành viện nghiên cứu thế giới.
Dù kinh phí của Viện đang rất khó khăn, trụ sở thì đi thuê, anh em trong Viện đang tự nguyện làm không lương nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình. Vì không ai là không có quyền hy vọng cả.
Như GS đã biết, thời gian vừa qua trên báo chí, các nhà khoa học đã nói và bàn rất nhiều về thực trạng ngành toán học Việt Nam hiện nay rất yếu, điển hình là sự tụt hậu trong cuộc thi Olympic Toán học vừa qua. Là GS đầu ngành về toán, anh nghĩ thế nào?
Olympic không liên quan đến ngành toán học và làm nghiên cứu toán học. Không phải Olympic thành tích cao là nền toán học Việt Nam tốt và ngược lại thành tích Olympic tụt hậu là nền toán học Việt Nam thấp. Hai vấn đề đó không ảnh hưởng gì tới nhau.
Nếu các em thi Olympic mà không làm toán thì có người khác làm toán. Cái chính là đội ngũ toán học làm toán trong nước hiện nay rất mỏng. Những người được đào tạo ở nước ngoài cách đây chừng 30 - 40 năm đều đã sắp đến tuổi về hưu. Còn đội ngũ kế cận như chúng tôi phần lớn ở nước ngoài. Các em tiếp sau nữa chừng khoảng 30 tuổi rất giỏi cũng đang làm nghiên cứu ở nước ngoài.
Vậy chúng ta cần làm thế nào để các nghiên cứu trẻ ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, thưa GS?
Chúng ta cần có một cơ chế đặc biệt. Giả sử muốn một giảng viên trẻ ở Mỹ về nước làm việc thì không thể trả lương ngang bằng giáo sư trong nước được. Mà mức lương của giáo sư trong nước hiện nay rất là nực cười. Mức lương theo kiểu công chức như vậy thì không thể làm được việc gì.
Do vậy, cần phải có sự đầu tư cho lực lượng nghiên cứu khoa học đầu ngành. Đầu tư nghe tưởng là to nhưng thực ra không nhiều vì đây không phải là đối tượng đại trà mà đó là những tinh túy nhất của ngành đó. Ví dụ, trong ngành hẹp như toán học Việt Nam hiện nay cùng lắm trong vài năm tới có khoảng 100 GS thì số tiền đầu tư đó không lớn. Không có những người tinh túy này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu của toàn xã hội.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học rẻ lắm!
Theo GS, nghiên cứu toán học liên quan như thế nào tới tụt hậu xã hội?
Kết quả tụt hậu của nghiên cứu khoa học sẽ không thấy kết quả ngay được như đổ cầu, đổ nhà như bên xây dựng. Với ngành xây dựng, kinh doanh thì cần có nhà tài chính. Tuy nhiên, xã hội muốn phát triển, những ngành này muốn phát triển thì phải có những kỹ sư giỏi, có những nhà kinh tế giỏi… muốn giỏi thì những người này phải có tư duy nhìn sự việc không vụn vặn , phải có cái nhìn tổng quát vấn đề và tìm công cụ để giải quyết vấn đề. Nếu vậy thì phải có tư duy toán học.
Tư duy toán học thì phải học ở trường đại học ra, phải được truyền bá ở những người thầy có tư duy toán học tốt. Đề người thầy có tư duy tốt, phải là người nghiên cứu chứ không phải là thầy giáo chỉ giở sách giáo khoa ra dạy tích phân, vi phân, không có ý nghĩa gì hết, không phục vụ những gì xã hội mong muốn. Các trường đại học phải có thầy giáo tư duy toán học tốt. Tuy nhiên, không cần nhiều, mỗi trường chỉ cần khoảng 10 giáo sư như vậy và cần 10 trường đại học trọng điểm thì sẽ đào tạo ra đội ngũ kế cận tốt.
Một nhà nghiên cứu khoa học nước ngoài có nói rằng, nghiên cứu khoa học thì phải có nhiều tiền thì mới làm được. GS nghĩ thế nào?
Nhiều người phản ứng nói đầu tư trong nghiên cứu khoa học tốn kém nhưng khoa học cơ bản quyết định cho nền tảng sự phát triển của đại học, cho đất nước mà đầu tư khoa học cơ bản rất rẻ, rẻ lắm!. Ví dụ tiền làm 1km đường thì có thể đào tạo ra 10 - 20 nhà khoa học có thể nói tầm cỡ quốc tế. Ví dụ: Khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên có thêm 10 người làm toán sẽ khác hẳn. Hiện nay, đội ngũ kế cận trong nghiên cứu khoa học rất mỏng.
GS Vũ Hà Văn: "Làm toán cần có sự đam mê và kiên trì".
Chúng ta cần nâng cao “Tôn sư trọng đạo”
Nói đến vấn đề giáo sư, hiện nay số lượng giáo sư giỏi ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, giới trẻ lại không mặn mà với nghiên cứu khoa học mà chạy theo các ngành thị trường như kinh tế. Theo GS cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Đó là do định hướng, do nhu cầu xã hội. Do vậy, cần có cơ chế để những người làm khoa học cơ bản được phát triển. Như vậy, chẳng có lý do gì mà làm cả đời để đón nhận lương 5 triệu. Trong khi đó, học kinh tế lương cao gấp 3 - 4 lần.
Cái đó chỉ hoàn toàn giải quyết bằng vấn đề nâng cao vai trò những người làm nghiên cứu khoa học lên thôi. Muốn nâng cao lên thì logic như tôi đã nói, những người này sẽ có đóng góp quan trọng tới mặt bằng chung chất lượng giáo dục đại học. Những người đó mất đi hoàn toàn thì chất lượng đại học sẽ đi xuống. Khi đó, ngay cả đào tạo những người học kinh tế, tài chính cũng không còn giỏi nữa. Chúng ta cần nâng cao “Tôn sư trọng đạo”.
Theo giáo sư, với người tài cần có thái độ cư xử như thế nào?
Kinh nghiệm thì rất nhiều nhưng ta nên học kinh nghiệm ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Hai nước này đều có chương trình hút chất xám ngược lại. Khi mà có người nước ngoài về họ cư xử khác hẳn so với người làm trong nước và có ủng hộ về mặt vật chất như cho vay tiền mua nhà với giá rẻ và trả lương cao để họ đảm bảo cuộc sống, không phải lo lắng nhiều.
Đặc biệt, ở các trường ĐH nước ngoài họ đối xử với các giáo sư như nhau, không phân biệt tuổi tác, thâm niên công tác mà hưởng theo năng lực.
Làm Toán cần có sự đam mê và kiên trì
Với toán học Việt Nam hiện nay, GS trăn trở nhất điều gì?
Tôi thấy ở Hungary hay ở các nước khác các trường chuyên gắn liền với các trường đại học. Không phải trường nhận tiền ở các trường đại học mà trường gắn liền với các giáo sư giỏi, thỉnh thoảng các giáo sư giỏi đến tham gia nói chuyện semina về toán học, để học sinh thấy bức tranh toán học thực sự như thế nào để kích thích học sinh tìm hiểu. Cái đó ở Việt nam rất thiếu.
Ở Việt Nam, học chuyên toán có thể nhanh hơn giáo trình và học các mẹo để giải bài toán đó kích thích trí thông minh nhưng không liên quan đến nghiên cứu thực sự của toán học. Bức tranh làm toán Olympic rất nghèo nàn, chỉ có bằng vài mẹo giải, học hết là thôi.
Trong nghiên cứu cần sự đam mê và kiên trì. Đó là 2 đức tính lớn nhất. Đúng là bây giờ sức ép với các em ở Việt Nam rất lớn. Viện nghiên cứu toán học tìm mọi cách để đặt ra cơ chế không chỉ cho các nhà toán học trẻ nước ngoài về mà cả những nhà toán học trẻ ở Việt Nam được hưởng cơ chế như thế. Như vậy mới thúc đẩy nghiên cứu khoa học lên được. Mức lương phải gấp mấy lần mà các trường đại học đang trả.
GS Vũ Hà Văn và bố - nhà thơ Vũ Quần Phương trong ngày GS nhận giải Polya của Hội Toán học ứng dụng Mỹ (SIAM) ở San Diego, Mỹ.
GS nói làm toán cần sự đam mê và kiên trì, GS có thể lấy từ sự trải nghiệm của đời mình để chứng minh được điều này?
Bản thân tôi trở thành nhà toán học cũng nhờ sự đam mê của mình. Bởi khi học xong THPT, tôi thi ĐH Bách khoa, theo ngành vô tuyến. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là học vô tuyến thì sau này có cái nghề sửa tivi, kiếm tiền được luôn, còn toán thì mờ mịt. Nhưng niềm đam mê đã kéo tôi tới toán và mở ra cánh cửa thay đổi cuộc đời mà trước đây tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Tôi không nằm mơ và không nghĩ mình trở thành nhà khoa học toán và đặt chân tới Mỹ để làm việc. Tất cả là sự rất tình cờ. Con đường làm toán của tôi trúc trắc hơn rất nhiều người khác.
Sau khi vào học ĐH Bách khoa, tôi sang Hungary du học theo diện học bổng với nghề kỹ thuật vô tuyến điện. Tôi được gặp một bà giáo người Hung rất tuyệt vời, bà hay có những bài toán nhỏ độc đáo giao cho sinh viên, trong số những sinh viên của bà, bà đặc biệt chú ý đến tôi vì hay giải được những bài toán của bà với nhiều ý tưởng. Sau đó, bà giới thiệu tôi với chồng là Tiến sỹ toán học Lovást (sau này, ông Lovást trở thành Chủ tịch Hội đồng Toán học thế giới). Cùng lúc đó, ở Trường ĐH Tổng hợp Etvs của Hungary có tổ chức kỳ thi toán kéo dài 10 ngày, cho sinh viên trong và ngoài nước tham gia. Cuộc thi này thuần tuý chỉ mang tính nghiên cứu, với 10 bài toán, sinh viên phải thể hiện khả năng nghiên cứu và tư duy, tuyệt đối không cần sử dụng mẹo mực để làm bài. Tôi cũng tham gia, thật bất ngờ, đã đạt kết quả rất khả quan. Lúc đó, Tiến sỹ Lovást khích lệ tôi chuyển sang học toán. Bố mẹ và nhiều thầy giáo trong nước cũng ủng hộ, tôi chuyển sang ĐH Tổng hợp của Hungary học về toán. Do vậy, phải mất 8 năm, tôi mới có được tấm bằng đại học của Trường ĐH Tổng hợp Hungary.
Làm toán với tôi cũng không vất vả. Nếu bạn mà làm gì mình thích thì bạn không phải làm việc ngày nào. Tất nhiên, cũng có phần vất vả là khi có ý tưởng thì mình triển khai viết, viết một cách chi li từng dấu chấm, dấu phẩy…, đó là phần khổ hạnh của toán.
Xin cảm ơn GS!
Năm 1998, GS Vũ Hà Văn bảo vệ luận án Tiến sỹ Toán học tại ĐH Yale (Mỹ). Từ năm 1998-2001, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp (Institute for Advanced Study - IAS, Princeton) và Viện Nghiên cứu của Microsoft (Microsoft Research, Redmond). Từ năm 2001-2005, anh giảng dạy tại Đại học California, San Diego, và sau đó giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Rutgers, New Jersey. Năm 2007, anh được mời làm Chủ nhiệm chương trình "Số học tổ hợp" của IAS. Anh đã được trao Giải thưởng Sloan (năm 2002) và Giải thưởng NSF Career Award (năm 2003) dành cho các nhà toán học trẻ tuổi tại Hoa Kỳ; giải thưởng Polya (năm 2008). Từ tháng 7-2011, anh làm Giáo sư tại ĐH Yale, một trong những trường danh tiếng nhất của Mỹ.
Giống như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn dù đang giảng dạy ở nước ngoài nhưng đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước bổ nhiệm chức danh Giáo sư toán học vào năm 2009. Khi đó anh mới 39 tuổi.
|
Hồng Hạnh (thực hiện) - Dân trí
|