Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc tôn giáo đã đoàn kết một lòng xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Hàng triệu thanh niên Việt Nam đã cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, trong số đó có hàng vạn người con họ Vũ -Võ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Những vị tướng họ Vũ - Võ tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (phần 2)
Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để giữ mãi sự bình yên cho đất nước, nhiều người đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi công. Bài viết xin trân trọng giới thiệu những vị tướng họ Vũ - Võ tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và đó cũng chính là tấm lòng của lớp hậu sinh đối với các bậc tiền bối.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Có bài riêng tại phần 2
Thiếu tướng nguyễn sơn (Vũ Nguyên Bác, Lí Anh Tự, Hồng Thuỷ...; 1908-1956), quê Kiêu Kị, Gia Lâm, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm; năm 1925, ông được lãnh tụ Nguyễn ái Quốc giới thiệu sang Trung Quốc học Trường võ bị Hoàng Phố. Tháng 8 năm 1927, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc; tháng 12 năm 1927, tham gia khởi nghĩa Quảng Châu. Từ 1929, ông tham gia Hồng quân công nông Trung Quốc, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên đại đội, Chính uỷ trung đoàn, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12. Tháng 1 năm 1934, ông được bầu làm uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hoà Xô Viết Trung Hoa, uỷ viên Chính phủ dân chủ công nông Xô Viết Trung ương. Từ năm 1934 đến năm 1936, ông tham gia Vạn lí trường chinh. Sau đó, ông giữ chức Tổng biên tập báo “Kháng địch” của Biên khu Tấn-Sát-Kí. Năm 1938, ông là giáo viên chính trị Trường cán bộ quân chính kháng Nhật Biên khu Tấn-Sát-Kí.
Tướng Nguyễn Sơn (tức Vũ Nguyên Bác)
Năm 1945, ông về nước, được cử làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Năm 1946, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường lục quân trung học Quảng Ngãi. Tháng 1 năm 1947, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu; tháng 7 năm 1947, ông giữ chức Khu trưởng Khu 4, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948. Từ năm 1948 đến năm 1949, ông giữ chức Tư lệnh kiêm chính uỷ Liên khu 4. Năm 1950, ông được cử trở lại Trung Quốc. Năm 1954, ông giữ chức phó Cục trưởng Cục điều lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Giám đốc toà soạn Tạp chí “Huấn luyện chiến đấu”, được phong quân hàm Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Năm 1956, ông trở về Việt Nam. Ông là tác giả một số tác phẩm và bài viết về quân sự và văn học bằng tiếng Việt và tiếng Trung. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân huy chương cao quý.
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915, quê Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông nhập ngũ 1945, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1934). Trước cách mạng tháng Tám, ông hoạt động bí mật, giữ các chức vụ Bí thư huyện uỷ Sơn Tịnh, tỉnh uỷ viên Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ các chức vụ từ Chính trị viên tiểu đoàn (10/1945) đến Chính uỷ trung đoàn (1954). Năm 1957, ông được bổ nhiệm làm phó Cục trưởng Cục quản lí Bộ Tổng Tham mưu, sau đó là phó Cục trưởng Cục nông binh (sau là Cục nông trường). Từ tháng 5 năm 1959, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đoàn 559 và được cử làm Trưởng đoàn (1960). Năm 1965, ông giữ chức phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559; tháng 7 năm 1967, ông là chính uỷ Đoàn 95. Tháng 11 năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục quản lí giáo dục Bộ Tổng Tham mưu và đến 1968 kiêm Trưởng phòng chính trị Bộ Tổng Tham mưu. Từ tháng 8 năm 1971 đến năm 1978, ông giữ chức phó Chủ nhiệm Uỷ ban thanh tra Bộ Quốc phòng. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì...
Thiếu tướng Võ Bẩm
Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn (1915-1982), quê Bạch Sam, Mĩ Hào, Hưng Yên. Ông nhập ngũ năm 1945, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1947). Tháng 9 năm 1945, ông là Bác sĩ y khoa; được bổ nhiệm làm Cục trưởng đầu tiên của Cục quân y từ tháng 4 năm 1946 đến năm 1964. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia nhiều chiến dịch. Từ năm 1964 đến năm 1970, ông giữ chức phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Cục trưởng Cục quân y (1964-1969), kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế (1969-1970; năm 1971, ông giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ năm 1975 đến năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá III đến khoá VII; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn
Trung tướng Vũ Xuân Chiêm sinh năm 1923, quê Trực Đông, Nam Ninh, Nam Hà. Ông tham gia cách mạng từ năm 1938, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1940), nhập ngũ 1950, được phong quân hàm Trung tướng năm 1982. Từ tháng 12 năm 1940 đến năm 1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La, Côn Đảo. Tháng 9 năm 1945, ông tham gia Ban chấp hành công đoàn Trung Bộ. Năm 1947, ông là tỉnh uỷ viên tỉnh Thừa Thiên. Từ năm 1950 đến năm 1963, ông là cán bộ chính trị, phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục chính trị Tổng cục Hậu cần. Từ năm 1963 đến năm 1965, ông là phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Từ năm 1965 đến năm 1970, ông là phó Chính uỷ rồi Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559. Từ năm 1970, ông giữ chức phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (6/1976- 2/1977); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (9/1976-1987). Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá IV đến khoá VI. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp sinh năm 1928, quê xã Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1946), nhập ngũ năm 1946, được phong quân hàm Thượng tướng năm 1988. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ các chức vụ, từ Thư kí đại đội đến Chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1964 đến năm 1970, ông lần lượt giữ các chức vụ phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm chính trị rồi phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 9 năm 1972, ông giữ chức Chính ủy Sư đoàn 10; tháng 6 năm 1974, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1975, ông giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 3, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1977 đến năm 1984, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1977-1996). Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V (dự khuyết khóa IV), đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hai Huân chương Quân công hạng Nhất…
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp
(còn nữa phần 2)
Đại tá Vũ Hồng Khanh
|