Trong hoàn cảnh dân số mỗi ngày một tăng, ruộng đất lại ít, thuộc khu đồng trũng, thấp, xa sông, mưa nhiều thì úng, nắng nhiều thì hạn (cả làng chỉ có khoảng trên dưới 800 mẫu, trừ các ruộng công ích, ruộng hương hoả, đình chùa và ao hồ… một số ruộng phải cấy tô cho những làng bên. Vì vậy, đến thời Lê, khi đó dòng họ Vũ phát triển thêm 5 chi (hậu ngũ chi) Khởi tổ là Vũ Quốc Sỹ. Các chi này đã như “vết dầu loang”, lan dần đến các thôn xã trong vùng thuộc huyện Đường An. Tiếp đó, việc di cư đến một số làng thuộc nhiều huyện trong trấn Hải Dương, đến các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, các vùng biển Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thăng Long,… của đất Bắc Hà, dần dần phát triển đến Thanh, Nghệ, Trung, Nam Bộ, khi vào đến miền Trung, vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dòng họ Vũ vì kiêng tên huý của chúa Nguyễn phải phát âm thành họ Võ.
Từ đặc điểm của tình hinh trên, có thể thấy đã xuất hiện bốn hiện tượng xã hội mới có ảnh hưởng đến dòng họ Vũ ở làng Mộ Trạch và những biến thiên, biến cố lịch sử từ các thế kỷ X đến thế kỷ thứ XVIII:
Một là: Ngoài sự phát triển trực tiếp của các chi phái trong dòng họ, còn có những trường hợp xin nhập họ, xin làm con nuôi hoặc nhận làm con nuôi, con rể, do quan hệ đồng liêu, đồng khoá, đồng túc, đồng triều v.v… Bởi lẽ, họ Vũ không có những chỗ đứng nhất định so với họ khác, bởi sự đông đảo về số lượng và vai trò là người chủ thể ở làng, mà còn là dòng họ có địa vị trong xã hội vì có nhiều người đỗ đạt, làm quan, đi dạy học ở nhiều địa phương, có quan hệ rộng rãi.
Đây là lúc họ Vũ phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hai là: Nho giáo phát triển đi đôi với chế độ khoa cử được coi trọng để kén chọn nhân tài. Là một làng nho học nổi tiếng, nên ngoài số người thi cử đỗ đạt Trạng nguyên, Hoàng giáp (Tiến sĩ) v.v… được cử làm quan, còn một số lượng khá đông đảo “Thầy đồ”, “Thầy khoá”, ngoài ra còn có người tuy đỗ cao, nhưng ẩn dật về mở trường dạy học, làm thầy thuốc chữa bệnh cứu dân, độ thế … Phần lớn những người đó đều sinh cơ lập nghiệp ở nơi đến trở thành quê mới của nhánh họ Vũ sau này. Điển hình như nhánh họ Vũ ở Ngọc Quan (Gia Lương, Hà Bắc) từ Tổ thứ nhất là Vũ Phúc An, Vũ Phúc Nhân, Đình Uý chỉ huy Sứ (Đời Lê Thánh Tôn)… đến Tiến sĩ Vũ Miên đời thứ 7. Câu đối còn lưu ở nhà thờ dòng họ:
Triệu thuỷ tích tòng đông Mộ Trạch
Thanh danh Kim Thị Bắc Lang Tài
Từ xa xưa đến nay, hàng năm đều có con cháu về Nguyên tổ vào dịp 8/1 âm lịch và nagỳ giỗ của Khởi tổ chi năm VŨ PHONG.
Đúng như một nhà hiền triết xưa đã nói “Một ấp mười nhà tất có người trung tín”, huống chi một dòng họ có nhiều văn quan, võ tướng dưới thời Trần, Lê, Mạc. Một dòng họ có tiếng “Nhân – Trí”.
Ba là: Thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, nạn đê vỡ xảy ra liên miên uy hiếp thường xuyên đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân. Nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm 1681. Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương sau lan dần ra khắp Đàng ngoài. Sử cũ chép:
“Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch, duy có Sơn Nam còn khá hơn. Dân lưu vong bồng bế nhau, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường… Dân phần nhiều sống nhờ vào rau, quả, đến nỗi ăn cả chuột, rắn”.
Riêng ở vùng Hải Dương, “Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi…sinh tụ ra đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột đồng để ăn”.
Những nạn đói kéo dài, khủng khiếp ấy đã làm nhiều người chết đói, người sống sót qua các nạn đói cũng không còn kế sinh nhai phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, sang các vùng trung du và ven biển, tạo thành một tầng lớp nông dân đông đảo. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, nhân dân làng Mộ Trạch nói chung, dòng họ Vũ nói riêng cũng cùng chung cảnh ngộ ấy.
Bốn là: Những biến cố lịch sử từ năm 1737 – 1739 và 1740 ngoài việc “Trộm cướp”, “Giặc giã” xảy ra liên miên ở các vùng, đáng kể nhất là cuộc đấu tranh của nông dân phát triển rộng khắp ở Đàng ngoài. Cuối năm 1739, Hải Dương là một trong những nơi phong trào nông dân khởi nghĩa rất sôi nổi, mãnh liệt của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá, huyện Chí Linh, khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh tự xưng là Minh Công, nên khẩu hiệu “ phò Lê, diệt Trịnh”, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An. Cuộc khởi nghĩa không thành, bị nhà Trịnh đàn áp, khủng bố, đốt đình làng Mộ Trạch, nhân dân phân tán, con cháu thân thuộc của ông Oánh phiên dạt đi nhều nơi, mai danh ẩn tích, đổi họ. Trong đó có người chạy về Hành Thiện làm con nuôi, con rể họ Đặng, tiền thân của nhánh Đặng – Vũ, gốc họ Vũ Mộ Trạch mà câu đối nhà thờ Đặng – Vũ ở Hành Thiện còn lưu lại:
Nguyên Vũ thị bách niên tiền, Đông thổ Đường An cố quận
Cải Đặng tính nam thế hậu, Nam thiên Hành Thiện chi từ
Nghĩa: “Nguyên là họ Vũ cách đây trăm năm ở đất tỉnh Đông, huyện Đường An”.
“Đổi ra họ Đặng Vũ sau 3 đời có đình thờ ở tỉnh Nam – Hành Thiện”.
Ngược lại, có những hậu duệ dòng họ Mạc đổi sang họ Vũ - Tiến, như trường hợp chi Vũ - Tiến ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Theo gia phả viết năm 1632 (năm Lê Đức Long) thứ tự, đầu tiên là họ Ngô làm quan thời nhà Mạc, rồi đổi sang họ Bùi chuyển xuống phía Nam ngụ cư ở Trực Nội, đến đời thứ 3 có đất, có vườn, đời thứ 5 lập nhà thờ và đổi tên ngược từ đời thứ nhất sang họ Vũ Tiến, tính đến nay đã có đời thứ 18-19, nên gốc họ Vũ Tiến (trước là Ngô và Bùi) chính là một chi nhánh họ Mạc. Bắt đầu tính từ ông tổ đời thứ 5 là Vũ Tiến Luyện, sinh năm Nhâm Thân, mất ngày 7/12 năm Quý Tý, thọ 82 tuổi làm Tổng trưởng Bách lý hầu.
Ở Thái Bình còn có những nhánh họ Vũ như:
Họ Vũ ở Vân Đồn, Thuỵ Anh Thái Bình, do 3 anh em Vũ Đình Truyên, Vũ Duy Chì, Vũ Đình Đông đời thứ 15, hậu duệ của Khởi tổ Hương Cống Vũ Công Tráng (thuộc chi bốn tiền ngũ chi / họ Vũ Mộ Trạch) dời cư về quê mẹ sinh cơ lập nghiệp, không còn ai ở nguyên quán.
Họ Vũ Tiến ở thôn Phúc Bồi xã Quỳnh Hương, huyện Quỳnh Phụ, có 7 hộ đến nhập ấp ban đầu, trong đó hộ họ Vũ có chữ lót khác nhau: Vũ Tiến, Vũ Đình, Vũ Đăng, Vũ Tiến Khởi tổ là Vũ Tiến Tộ là phó Đốc vận quân lương quận Giao Chỉ. Ông tổ Vũ Đăng là Tổng quản quân lương. Ông tổ Vũ Đình là người bảo vệ kho quân lương Hàng Kênh (cả 3 ông họ Vũ đều là quan quân nàh hậu Trần đánh giặc Minh ). Lấy vợ làng Mỹ giá. Cả 3 nhánh họ Vũ trên cha truyền con nối đến ngày nay, nhưng không rõ phát tích từ đâu, (Vũ Tiến Tộc gia phả chép năm Đinh Mậu 1897 cũng ghi rõ, không quan hệ gì với Vũ Tiến ở Đông Hưng).
Nhánh họ Vũ ở Nam Đường rời đến Nam Xuân Trực, Nam Huân Hậu huyện Kiến Xương. Khởi tổ đầu tiên là Vũ Pháp Thông (đời 1) đến Vũ Pháp Tịch (đời 2), đời 3 là Vũ Pháp Đinh (chữ lót đầu là Phúc), vì kiêng tên huý của vua Lê Duy Bang, hiệu là Hồng Phúc nên phải cải là Pháp. Đến đời thứ 3, không phải kiêng kỵ lại trở về chữ lót Phúc. Do Tổ Vũ Định sinh được 5 con trai, bắt đầu hình thành “Ngũ chi” cha truyền con nối cho tới ngày nay mà dụng ý của người xưa gợi nhớ cho con cháu tìm về cội nguồn ngay từ khi đến lập ấp, đặt tên đất, tên làng đã có những nét tương đồng, do hoàn cảnh lúc ấy không dám ghi rõ tông tổ.
Hoặc nhánh họ Vũ ở Vân Canh gần Nhổn – Hà Tây lại đổi sang họ Nguyễn từ cuối đời nhà Mạc. Họ Lều – Vũ (ở Cao Bằng) đều do những biến cố lịch sử để lại và phát triển dần vào các tỉnh miền trung sau đó lại quay ngược trở lại miền Bắc vào những thời điểm khác.
Tóm lại: Với thời gian, không gian trải dài 11 thế kỷ trong hoàn cảnh qua bao nỗi thăng trầm biến cố của thiên nhiên, biến động lịch sử, lại trải qua gần nửa thế kỷ chống ngoại xâm: Pháp rồi đến Mỹ. Nhưng hậu duệ họ Vũ thiên cư đi nhiều nơi từ Bắc chí Nam và một bộ phận nhỏ di cư ra nước ngoài ở khắp các nước phát triển trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc). Có chi phái còn phả, nhưng mất phả là nhiều và phổ biến chỉ còn nhớ gốc tích qua truyền miệng, lời trăn trối của người xưa “Nguyên Tổ tiên mình là Vũ Hồn, quê gốc ở tỉnh Đông, hay Hải Dương…”
Với chính sách đại đoàn kết dân tộc – khép lại qua khứ, nhìn về tương lai, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng và văn minh – Phong trào “vấn tổ, tầm tông”, tìm về cội nguồn của các dòng họ qua bao nhiêu năm dồn nén. Sau khi giải phóng miền Nam (30/4/1975), thống nhất đất nước phong trào đó được dịp phát triển nhanh cả bề rộng và chiều sâu của từng nhánh họ đến từng gia đình để mong đáp ứng được tình cảm bức xúc của nhiều thế hệ, nhất là ở những người thuộc lứa tuổi “Xưa nay hiếm”, kể cả những người trong dòng họ đang sinh sống ở nước ngoài, tuy hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng có điểm tương đồng: luôn hướng về Tổ quốc, nhớ quê hương, dòng họ nơi chôn nhau cắt rốn. Với mái đình xưa, cây đa giếng nước…và biết bao kỷ niệm thời thơ ấu không thể nào quên.
Chính từ tình hình chung đó mà các chi nhánh xa gần của dòng họ Vũ phát triển từ Mộ Trạch ra đi, mà hàng năm có các đại biểu chi phái tìm về gốc cũ, nguồn cũ với những chứng cứ còn lưu giữ được: Gia phả chữ Hán, hoặc đã dịch ra chữ quốc ngữ, hoặc câu đối ở nhà thờ chỉ còn là kỷ vật duy nhất (vì phả đã mất từ lâu), hoặc chỉ qua truyền khẩu…Song, cũng có một trường hợp tổ tiên xưa đã nhiều đời hàng năm về lễ tổ ngày 8/1 âm lịch, rồi bị đứ quãng hàng chục năm, qua một vài đời, nay mới có dịp nối lại. Song có điều đáng quan tâm, vui mừng nhất là tuy người định cư hay người đã đi xa, đời nối đời vẫn được truyền thống chung dòng họ, bởi những sợi dây thiêng liêng vô hình huyết thống, sớm muộn cũng quy tụ lại được trong một cộng đồng gia tộc đồng nhất, rất đáng tự hào, cũng là đặc điểm rất riêng của dòng họ Vũ.
Cho đến nay, Ban liên lạc Vũ – Võ ở Hà Nội trong hai năm 1995, 1996 đã nhận được trên 60 bản gia phả của các chi nhánh dòng họ Vũ gửi về yêu cầu đối chiếu, tìm hiểu, xác định xem thuộc chi phái nào thuộc tiền ngũ chi hay hậu ngũ chi của nguyên tổ Vũ Hồn? Đó là nguyện vọng rất đáng trân trọng.
Trên cơ sở những văn bản đã nhận được, hoặc trao đổi trực tiếp với đại diện Ban liên lạc, xin giới thiệu tóm tắt các chi nhánh họ Vũ ở địa phương để các nơi tham khảo và cung cấp bổ sung thêm các tư liệu mới, góp phần ngày càng hoàn chỉnh cuốn phả của dòng họ:
1. Cuốn Ngọc phả Mộ Trạch (Vũ tộc)
2. Mộ Trạch sự tích: Ngũ Chi bát Phái phả, Tiền Ngũ Chi, Hậu Ngũ Chi.
3. Mộ Trạch Thế Khoa đường
4. Mộ Trạch Tích Thiện đường
5. Gia phả làng Phù Ủng - Huyện An Khê – Hưng Yên
6. Chi họ Vũ làng Luỹ, Cẩm Điền, Bắc Ninh (Ô Vũ Đăng Can, Bắc Ninh)
7. Gia phả Họ Vũ – Làng Phục Lễ - xã Vĩnh Hồng - Huyện Bình Giang - Hải Dương
8. Gia phả Họ Vũ – Làng Phú Khê – Thái Học – Bình Giang - Hải Dương. Khai tổ là cụ Vũ Pháp Dụng, xuất xứ từ phái Ất - Mộ Trạch
9. Vũ tộc gia phả (Vũ Xuân Cúc 1859)
10. Chi họ Vũ – Làng Lại – xã Tuy Lai – Bìng Giang - Hải Dương
11. Chi họ Vũ làng Vọng Doanh, Cổ Lễ, Nam Ninh, Nam Định (Ô Vũ Huy Bưu, Nam Định)
12. Chi họ Vũ làng Tám, Hà Nội (Ô Vũ Gia Luận, Hà Nội)
13. Vũ tộc phả - Vị Xuyên – Nam Định
14. Vũ tộc – Mai Cương – xã Cách Bi - Huyện Quế Võ - Bắc Ninh
15. Vũ tộc phả - xã Diễn My - Huyện Diễn Châu - Nghệ An
16. Chi họ Vũ – Quán Hải - Hải Phòng
17. Hậu duệ dòng họ Võ Công Thành, Võ Văn Nghĩa làng Đông Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam
18. Gia phả của Vũ tộc Thanh Khê, Quảng Ngãi
19. Cửu đại tôn Vũ Huyên Nguyên, thôn Đặng Giang, Ứng Hoà, Hà Tây
20. (nguồn gốc từ Chí An, phường Nhỡn Sang)
21. Chi họ Vũ ở làng Lại Trì - Kiến Xương – Thái Bình
22. Họ Vũ làng Ngọc Long – Thanh Sơn - Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
23. Gia phả họ Vũ làng Canh, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội
24. (Ông Vũ Đình Thông, Tp. HCM)
25. Chi cụ Vũ Phúc Nhẫn, thôn Thường Xuyên, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (ông Vũ Hữu Chính, Tp. HCM)
26. Tổ Vũ Uy (1/18 vị tham gia hội thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi tại Lam Sơn, Thanh Hoá) xóm Đông Minh, xã Thái Hoà, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá
27. Đặng Vũ làng Hành Thiện - huyện Xuân Trường, Nam Định
28. Chi Vũ tộc ở làng An Tràng, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (dòng Vũ Tĩnh - Tiến sĩ triều Lê)
29. Phả hệ gia tộc Vũ Đình - Quảng Ngãi tiền thân gốc ở xã Văn Úc, huyện Tiên Minh, Nam Sách Phủ, Hải Dương
30. Gia phả “Quang Trạch đường” phái cụ Vũ Quỳnh từ Mộ Trạch thiên cư đi lập nghiệp ở Sơn Nam, Sơn tây
31. Vũ tộc xã Trí Yên, huyện Lạng Giang, bắc Giang (tại bến đò Đức La)
32. Dòng họ Vũ – Võ Hàm Tân, Phan Thiết, Bình thuận
33. Vũ Tiên tộc gia phả thôn Phúc Hồi, xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Phụ, Thái bình
34. Vũ tộc Bồng Hải, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, Ninh Bình
35. Chi Vũ tộc ở Tiên Cầu, Hiệp Cường, huyện Kim Thi, Hưng Yên (ông Vũ Hoàng Đăng)
36. Chi Vũ tộc thôn Lạc Tràng, xã Lan Hạ, huyện Duy Tiên, Hà Nam
37. Thôn Thường, huyện Giao Thuỷ, Nam Định (tổ là Vũ Đình Lý)
38. Thôn Thanh Bồ, xã Lưu Hoàng, Hà Tây
39. Cúc Sơn Tiểu sử - Làng Lệ Xá, huyện Gia Viễn, Ninh Bình
40. Phả ký – Trung Hành, Hàng Kênh, Hải Phòng
41. Vũ Duy Cường – 307 Võ Di Nguy, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM (chi họ vũ ở An Thái – Làng Bưởi, Hà Nội)
42. Vũ Nhữ Linh – Võ Trực Tính, Diễn Châu, Nghệ An (Xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An)
43. Võ Quốc Hoàn, thôn Ván Lộ, xã Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hoá
44. Làng Xuân Đàm, Xuân Dục, Mỹ Văn, Hưng Yên
45. Chi Vũ Tá, Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An
46. Chi Vũ Tá, Thổ Khối, Gia Lâm
47. Chi họ Vũ, xã Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định
48. Họ Vũ ở xã Tân Phương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (Ô. Vũ Văn Chuyên Hà Nội)
49. Họ Vũ ở Cam Xuyên Hà Tĩnh
50. Họ Vũ ở Phe, Phương Duy, huyện Gia Lộc, Hải Dương
51. Họ Vũ ở 3 xã Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc, huyện Hải Hậu
52. Vũ tộc ở Nam Huân, Kiến Xương, Thái Bình
53. Vũ tộc ở Hải Định, Hải Hậu, Nam Định
54. Vũ tộc ở Khương Thượng, Hà Nội
55. Vũ tộc Đoàn Xá, Đông Triều
56. Gia phả chi 3 - Hiển Đức Đường, Mộ Trạch (Ô. Vũ Đình Triều, Tp.HCM)
57. Từ một vành nôi – (Vũ Ngọc Lung, Hải Phòng)
58. Vũ tộc Cự Đà, Thanh Oai, Hà Tây
59. Họ Vũ ở xã Vạn An, Chí Linh, Hải Dương
60. Phả ký nhà thờ Lưu Khánh đường, Mộ Trạch
(Trích từ cuốn “Dòng họ Vũ Võ Việt nam xưa và nay” - Vũ Thuý; theo: hovuvo.com)