Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó thủ tướng thường trực chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, nhà quân sự thiên tài, anh hùng dân tộc vĩ đại, học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Bác Hồ, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất của cách mạng Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta, song tên tuổi, công lao, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp của Đại tướng vẫn sống mãi trong lòng dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.
Trọn cả cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, song dù ở hoàn cảnh nào, cương vị nào Đại tướng cũng luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, luôn “Dĩ công vi thượng”, có công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đạicủa Đảng ta, dân tộc ta. Đặc biệt là hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bí thư quân ủy Trung ương, Đại tướng đã cùng với Trung ương Đảng và Bác Hồ lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ làm nên cách mạng tháng tám thành công năm 1945, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp; làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mĩ tên đế quốc đầu sỏ, giành lại độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội; làm nên những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những mốc son chói lọi của dân tộc, gắn liền với thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đã có rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu, bài nói, bài viết...của các tác giả trong nước, ngoài nước ca ngợi công lao, sự nghiệp, tài cầm quân và nhân cách cao đẹp của Đại tướng. Bài viết này tôi chỉ xin được đề cập đến một khía cạnh rất nhỏ về tấm lòng của nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều nhà cách mạng lỗi lạc, nhưng tiêu biểu nhất, in đậm nhất trong lòng nhân dân trở thành biểu tượng để nhân dân tôn thờ chỉ có Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiếm có ai được nhân dân kính trọng, ngưỡng mộ, trung thành và tin tưởng tuyệt đối như Bác Hồ và Đại tướng.
Khái quát về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã có đôi câu đối:
“Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm”
Có nghĩa là sự nghiệp to lớn của Đại tướng sẽ mãi mãi lưu truyền trong lịch sử dân tộc. Còn văn hóa đạo đức của Đại tướng thì trùm lên lòng người ở trong và ngoài nước.
Cá nhân tôi cũng có đôi câu đối kính dâng Đại tướng:
“Đại tướng lừng danh, trọn vẹn đức tài vì đất nước
Vĩ nhân kiệt xuất, song toàn văn võ hiến nhân dân”
Đặc biệt, nhà giáo Hồ Cơ đã có đôi câu đối rất hay, đúng với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng:
“Văn lo vận nước, văn thành võ
Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”
Tháng 9/1969, khi tôi đang là học sinh cấp II đã nức nở khóc Bác Hồ khi nghe tin Bác mất. Cả dân tộc ta và bạn bè quốc tế đã vô cùng thương tiếc Bác, lãnh tụ thiên tài, người thầy kính mến của Đảng ta, dân tộc ta đã “lên đường gặp các cụ Các-mác, Lê-nin”. Từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhà nước, quân đội đến đồng bào chiến sĩ cả nước trong Nam ngoài Bắc, miền ngược miền xuôi, đồng bằng thành thị, biên giới hải đảo, già cũng như trẻ đều thắt dạ, nhói tim, nức nở khóc Bác. Hàng trăm đoàn đại biểu quốc tế đến kính viếng Bác và chia buồn nỗi đau chung của dân tộc. Ở quê tôi cả làng đều khóc, nhiều người bị ngất trong lễ truy điệu khi nghe đài tiếng nói Việt Nam phát thanh đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đọc lời điếu và lời thề danh dự trước anh linh của Bác.
Và tháng 10/2013, cả dân tộc ta lại sững sờ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103. Vẫn biết đó là quy luật của tạo hóa, song sự ra đi của Đại tướng đã để cho Đảng ta, dân tộc ta và bạn bè quốc tế niềm tiếc thương vô hạn. Cả dân tộc khóc Đại tướng như đã khóc Bác Hồ. Tôi không sao kìm được lòng mình, nước mắt cứ lăn rơi khi xem chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam nói về tình cảm của đồng bào chiến sĩ cả nước với Đại tướng. Hàng triệu đồng bào khắp các vùng miền vượt hàng trăm, hàng nghìn km tự nguyện trật tự xếp hàng nối dài trên đường phố để được vào nhà riêng 30 Hoàng Diệu kính viếng Đại tướng. Những tiếng khóc xé lòng Cha ơi!, Bác ơi!, Ông ơi!, Đại tướng ơi!...trên các trục đường của Thủ đô Hà Nội khi xe linh cữu Đại tướng đi qua và tại Quảng Bình nơi an táng Đại tướng khiến bất cứ ai nghe thấy đều không kìm được lòng mình. Đúng như nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã viết:
“Muôn triệu trái tim cùng tiếng nấc
Tiễn Ông về đất Mẹ thân yêu
Mái đầu bạc bên mắt xanh ngơ ngác
Phút Ông xa, thành kính cúi đầu”
Tác giả Đặng Quốc Vinh, trong bài thơ “Đại tướng của lòng dân” đã xúc động viết:
“Cuộc đời Người đã trở thành huyền thoại
Đại tướng của lòng dân, Đại tướng của hòa bình
Người là Văn, là Võ - Đức hy sinh
“Như núi lửa phủ đầy tuyết trắng”
Cả thế giới dõi theo, hàng triệu người đứng lặng
Khi nghe tin Đại tướng qua đời...
Như là Tiên, là Bụt về trời
Như Thánh Gióng sau dẹp tan giặc dã
Tổng Tư lệnh đầu tiên, Đại tướng-Người anh cả
Bao tiếng gọi thiêng liêng, kính trọng...thắt lòng”
Từ khi Đại tướng về yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến đến nay đã có hàng triệu lượt người từ khắp mọi vùng miền của đất nước đội nắng mưa, xếp hàng trật tự đến kính viếng. Dịp 30/4/2015 đã có trên 10 vạn lượt người đến kính viếng Đại tướng. Thế mới biết lòng dân ngưỡng mộ Đại tướng đến chừng nào.
Nước nhà đã có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới bình chọn là những danh tướng kiệt xuất nhất của mọi thời đại. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần. Chắc chắn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Võ.
Với tấm lòng kính trọng, ngưỡng mộ, biết ơn, tôi xin kính dâng lên Đại tướng:
“Xưa - Nay có được mấy người
Song toàn văn võ như Người-Người ơi!
Long lanh gương sáng muôn đời
Thiên tài quân sự loài người tôn vinh
Huyền thoại Đại tướng hòa bình
Tận trung với Đảng, quên mình vì dân
Xứng danh Anh cả toàn quân
Tình quê, nghĩa nước đức tâm sáng ngời
Tinh hoa nguyên khí ngời ngời
Vĩ nhân kiệt xuất đời đời biết ơn
Võ công rạng rỡ giang sơn
Thắng Pháp, thắng Mĩ chiến công lẫy lừng
Non sông tôn vị anh hùng
Đại nhân, Đại tướng trong lòng nhân dân”
Thay cho lời kết, xin dẫn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết về Đại tướng:
“Người là Vĩ nhân bình dị
Muôn đời Đại tướng nhân dân”.
Vũ Văn Dư
Ngọc Bộ, Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên
|