GS - TSKH Vũ Minh Giang (ngồi giữa) thành viên Đoàn Chủ tịch tại Đại hội VI Dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam (ảnh Thanh Thuỷ)
GS Giang hiện là Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Ông cho rằng cải cách giáo dục phải nhắm đến những mục tiêu cụ thể. Không thể vì quá bức xúc nên cái gì cũng phải nâng cao hay đổi mới được.
Khi đổi mới chưa thực sự là nhu cầu nội tại
Người Việt Nam, kể cả những người phê phán mạnh mẽ nhất tư tưởng bằng cấp vẫn mong và tìm mọi cách cho con vào ĐH. Nhu cầu rất lớn. Số trường hạn chế. Sức ép phải vào trường ĐH rất cao nên các trường không cần đổi mới vẫn tuyển được đủ chỉ tiêu. Hơn nữa, hiện không ai chỉ ra cho các trường ĐH thấy mình đang đứng ở đâu. Chính vì vậy, các trường ĐH không có, hoặc ít có nhu cầu đổi mới.
Cần phải có những chính sách tác động để buộc các trường phải đổi mới với những yêu cầu cụ thể, thời gian cụ thể. Bây giờ, không còn là lúc khuyến khích mà bắt buộc phải đổi mới. Tuy nhiên, nếu đổi mới không bắt nguồn từ chính nhu cầu nội tại của các trường thì rất khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Đổi mới từ đâu?
Đối với giáo dục ĐH, đổi mới căn bản, quan trọng nhất là đổi mới đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đây là khâu mở đầu cho tất cả các khâu - GS Vũ Minh Giang khẳng định.
Đổi mới không có nghĩa là thay thầy này bằng thầy khác. Mà, làm sao để các thầy ý thức được việc đổi mới quan niệm về giáo dục ĐH, đổi mới cách thức lên lớp, đổi mới suy nghĩ về vai trò của người SV.
Với điều kiện hiện có, làm sao thầy có thể mua nổi sách tham khảo với giá sách hiện nay. Thầy kiếm thêm thu nhập ở đâu ngoài lương? (lương rất thấp). Chỉ bằng cách dạy thêm nhiều giờ, dạy càng nhiều giờ càng tốt. Vậy thì thời gian đâu mà ngẫm nghĩ, mà nghiên cứu, mà đọc sách, mà đổi mới phương pháp. Bài toán cứ luẩn quẩn loanh quanh ở chỗ: Muốn nâng cao chất lượng thì trước hết phải ở người thầy. Nhưng người thầy thì lại tự mình không sẵn sàng. Điều kiện cho người thầy nâng cao thì thiếu đủ mọi thứ. Định mức lao động, chế độ giảng dạy, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học hiện vẫn áp dụng theo quyết định từ năm... 1978. Chế độ thâm nhập thực tế, trao đổi học thuật, tham gia hội thảo... chưa được quy định rõ. Không có quy định cụ thể về mức độ được phép làm việc ngoài trường đối với giảng viên...
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra con số đáng chú ý. Những năm 1990, Việt Nam có 10 vạn SV và 2,4 vạn giảng viên. Giờ đây, con số này tăng lên với 1 triệu sinh viên và hơn 4 vạn giảng viên.
SV trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Trung Kiên
Mục tiêu chưa cụ thể
Các trường ĐH danh tiếng trên thế giới đào tạo SV với 3 mục tiêu:
Trang bị những kiến thức khoa học về ngành theo học. Đó là lượng kiến thức cần biết và những phương pháp giúp SV xử lý những vấn đề liên quan đến chuyên ngành của mình.
Dạy cho SV với năng lực chuyên môn của mình có thể thích ứng được với các yêu cầu của xã hội. Đem những hiểu biết ra để giải quyết những vấn đề xã hội tuỳ theo sức cá nhân.
Góp phần hoàn thiện một công dân có trình độ văn hóa cao.
Ở ta, không phải không có những mục tiêu đó nhưng lại được biểu hiện bằng những mục tiêu to lớn như: trung thành với tổ quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa... Cho nên, đôi khi chính người dạy và người học thấy mình đang thực hiện một mục tiêu quá lớn nhưng không rõ cụ thể là gì.
Thử so sánh SV VN với 3 mục tiêu nêu trên.
Thứ nhất, SV của ta thường nặng về được trang bị những kiến thức cụ thể. Thầy cô cũng "say mê" dạy những kiến thức cụ thể, tức là những hiểu biết của mình mà chưa chú ý đúng mức đến việc dạy nghề cho SV.
Thứ 2, kiến thức của giảng viên thường không được cập nhật và cũng tương đối xa rời thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, trừ những người tự lăn vào xã hội từ sớm, còn nếu chỉ học ở trên lớp, khả năng thích ứng với xã hội của SV khá thấp. Làm sao để bài giảng của thầy gắn với xã hội là một câu hỏi không dễ trả lời.
Thứ 3, Những công dân có trình độ văn hóa cao phải được trang bị những phẩm chất đặc biệt. Ví dụ như hướng tới sự sáng tạo; Có trách nhiệm với xã hội cao hơn người khác; tính trung thực trong khoa học. Các trường ĐH ở ta dường như nghiễm nhiên coi đây là phần việc và trách nhiệm của các cấp học trước ĐH hoặc của bản thân SV.
Chúng ta chưa có giải pháp để đào tạo theo nghĩa toàn diện với 3 mục tiêu như vậy. Do đó, cho đến nay, người ta hay nói đến chuyện thầy đọc trò chép. Vì chúng ta chưa có mục tiêu cụ thể.
"Trò chấm điểm thầy"
Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều đến cụm từ "trò chấm điểm thầy". Những người ủng hộ cho rằng đây mới là dân chủ, là tôn trọng người học. Những người phản đối thì nghĩ, với truyền thống tôn sư trọng đạo của phương Đông thì việc đó không nên. Vậy "trò chấm điểm thầy" có phải là một phương pháp hiệu quả để đánh giá chất lượng giảng viên?
Việc lấy ý kiến của học viên, về bản chất nó chỉ đảm bảo được sự hài lòng của học viên về phương pháp giảng dạy của học viên. Còn chất lượng thực sự của giảng viên được đánh giá qua tiêu chí là tỷ lệ đỗ của học viên qua các kỳ thi.
Ở ta, hầu hết là thầy dạy môn nào ở lớp nào thì cũng là người ra đề thi cho môn đó ở lớp đó. Vậy, kết quả thi chỉ là sự kiểm tra của thầy đối với những kiến thức đã dạy chứ khồng đánh giá được chất lượng giảng dạy của thầy.
Xây dựng được một quy chuẩn đánh giá chính xác chất lượng giảng viên ở các trường ĐH phải chăng là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo?! Chừng nào không lượng hóa được kết quả thì còn lúng túng trong công tác đánh giá.
GS Vũ Minh Giang cho rằng từ "đánh giá" hay "chấm điểm" nghe nặng nề. Chính xác hơn nên dùng từ phản hồi (feed back). Feed back hiểu theo nghĩa rộng là những phản hồi, chứ không phải là đánh giá của người học với người thầy và còn cần được mở rộng ra là feed back của xã hội đối với nhà trường.
Chất lượng của nơi đào tạo những giáo viên tương lai
SV chính là đối tượng được đào tạo ở cấp phổ thông. Những thầy giáo phổ thông được cung cấp bởi các trường sư phạm. Vì vậy đổi mới ở trường sư phạm là cực kỳ quan trọng.
Các trường sư phạm của ta hiện nay chú trọng phương pháp giảng dạy nên giáo viên tương lai không có điều kiện đi sâu vào chuyên ngành. Phương pháp giảng dạy là một khái niệm trừu tượng thì được giảng dạy nhiều. Các kiến thức về chuyên ngành thì lại không được trang bị đầy đủ.
Vì vậy mới dẫn đến hiện tượng các giáo viên được tập huấn sách giáo khoa nâng cao để đi dạy. Phần lớn các thầy dạy đại học lại chính là những người viết những sách giáo khoa nâng cao đó!
Những vấn đề ngoài hệ thống giáo dục
GS Giang cho rằng, vấn đề lớn cần tính là những tác động của hệ thống. Có những nội dung ngoài ngành giáo dục nhưng lại có tác động rất mạnh đến ngành giáo dục.
Ví dụ hệ thống tuyển chọn công chức. Việc tuyển chọn những người có năng lực, có tài; cơ chế sử dụng tác động không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng.
Chúng ta ra sức đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng sử dụng và đánh giá những sản phẩm đó như thế nào?
Nếu coi việc đổi mới giáo dục là một sự nghiệp lớn, có tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước thì chúng ta phải đổi mới đồng bộ toàn hệ thống.
theo Vietnamnet
|