Dù câu chuyện bà Ánh kể bị đứt đoạn bởi tiếng nấc nhưng hình ảnh về người cha nuôi, cố Chủ tịch Võ Chí Công, vẫn hiện lên bình dị, thân thương nhưng không kém phần vĩ đại.
Người đàn bà với nước da trắng ngần bước về phía dãy ghế được kê dọc hành lang Hội trường Thống Nhất (TP HCM), nơi diễn ra lễ tang của cố Chủ tịch Võ Chí Công. Bà là Đoàn Võ Kim Ánh (58 tuổi, nguyên giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng), cô con gái nuôi duy nhất mà cố Chủ tịch đã hết mực thương yêu như chính con ruột mình.
Đã gần trưa nhưng dòng người vào viếng cố chủ tịch Võ Chí Công vẫn nườm nượp. Họ xếp thành những hàng dài, chậm rãi chờ đến lượt được vào thắp nén hương đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà Ánh nghẹn ngào khi nhắc về người cha thân thương.
|
Bà Đoàn Võ Kim Ánh tại tang lễ cha, cố Chủ tịch Võ Chí Công. Ảnh: Vũ Mai. |
Sinh ra trong một gia đình cách mạng tại Quảng Nam trong thời chiến tranh ác liệt, vì bận công tác nên cha bà, ông Đoàn Sơ, rất ít về thăm nhà. Sau này, vì hoàn cảnh đẩy đưa nên mẹ bà phải lấy chồng khác. Tuổi thơ của bà phải chịu rất nhiều cơ cực, nay sống với ông bà, mai sống với các cậu, dì... Lúc đó bà mong nhớ cha đến quay quắt, thèm được một lần được gặp, để theo ông đi làm cách mạng. Nhưng suốt những năm tháng ấy bà không hề biết tin tức gì về cha ruột của mình.
Đến năm 13 tuổi, một lần, có người ở Tỉnh ủy Quảng Nam về làng bảo sẽ đón bà đi thoát ly. Nghĩ thế nào cũng được gặp cha nên bà rất vui mừng. Sống trong căn cứ một thời gian, đến hôm, có người bảo "có cán bộ rất to" muốn gặp. Bà băn khoăn vị cán bộ kia muốn gặp mình để làm gì.
Dường như hiểu tâm trạng của cô bé, người đàn ông nở nụ cười hiền hậu: "Con ngồi xuống ăn cơm với ta đi. Bác là Võ Chí Công, bạn chiến đấu cùng ba con...". Buông bát cơm xuống, bà luýnh quýnh hỏi: "Thế bác có biết cha con ở đâu không?". Có chút ái ngại trong đôi mắt, mãi giọng ông ngắt quãng: "Cha con... đã hy sinh". Lúc ấy bà đã khóc nức nở.
Rồi bác Công kể về những ngày cùng đồng đội hoạt động bí mật đã được ông bà nội của bà nuôi giấu. Cũng thời gian đó ông đã giác ngộ cách mạng cho cha ruột của bà rồi họ cùng nhau chiến đấu, xông pha trận mạc. Chính những ngày tháng vào sinh ra tử ấy đã khiến hai người đàn ông trở thành đôi bạn thân thiết nhất. Cuối cùng, ông bảo muốn nhận bà làm con nuôi để thay bạn dạy con nên người.
"Có người bảo tôi may mắn được làm con của một 'ông to' như ba Công. Nhưng tôi thấy mình may mắn nhất là được biết tình thương của một người cha là như thế nào. Chưa từng biết mặt cha ruột, chưa từng cảm nhận được tình thân, nhưng tôi chắc chắn không ai có thể tốt với con mình nhiều hơn ông...", giọng bà Ánh lại nấc nghẹn.
Rồi bà kể, thời gian sau ba Công đã đưa bà về Hà Nội sống cùng mẹ và các anh chị nuôi. Bà được cha cho đi học. Cũng như cha, mọi người trong gia đình luôn giành cho bà tình yêu thương ruột thịt.
Khi bà khôn lớn cũng là cô gái có nhan sắc, mẹ muốn bà có được tấm chồng tử tế nên nhắm cho con nhiều nơi. Trong khi đó ba Công chỉ muốn bà nên duyên với anh lính quân y, người luôn kề cận phục vụ ông. Ông bảo, anh này có hoàn cảnh mồ côi như bà, phải chịu nhiều đau khổ thiệt thòi như bà nên nhất định hai đứa sẽ rất thông cảm và yêu thương chia sẻ với nhau. Ông cũng nói anh lính ấy là người có thần thái đặc biệt, sau này sẽ làm nên việc lớn.
Cũng nhờ cha mà vợ chồng bà sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ. Chồng bà là Trung tướng Nguyễn Thành Đức, nguyên Chính ủy Quân khu V.
|
Ông chỉ có vài bộ comple mặc đi mặc lại khi ra chính trường. |
Nhắc về thời gian cha nuôi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước bây giờ), giọng bà Ánh lại trùng xuống, nước mắt lại lưng tròng. Bà bảo, dù là "ông to" như vậy nhưng ba Công vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị vốn có của mình. Ông chỉ có vài bộ comple mặc đi mặc lại khi ra chính trường. Còn ngày thường ông vẫn mặc những bộ quần áo cũ đã sờn vai.
Có lần con cái biếu bố những bộ mới nhưng ông nhất quyết không mặc, ông nói: "Đồ cũ vẫn còn tốt chán, không cần phải lãng phí như vậy".
"Nếu không có cha thì không có chúng tôi ngày hôm nay. Từ ngày ở trong cứ, cho đến tận lúc về hưu ông vẫn không thôi nhắc nhở con cháu phải sống khiêm tốn, làm những điều tốt đẹp cho đời. Cho đến tận lúc này, cha tôi nằm xuống cũng chỉ có vài bộ quần áo cũ mang theo. Nhưng chúng tôi luôn tự hào vì được làm con của cha...", bà Ánh nói.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), sinh ngày 7/8/1912, quê quán xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam); thường trú tại đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930; vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 5/1935; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, sáng 8/9, ông Võ Chí Công đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), hưởng thọ 100 tuổi. Trong hai ngày tang lễ (10-11/9), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Vũ Mai (Vnexpress)
|