“Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (tạm dịch: một làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước), đó là lời khen ngợi của vua Tự Đức về sự học ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Nhà bia tiến sĩ trong đền thờ cụ Vũ Hồn ở làng Mộ Trạch.
Đây là làng tài, làng tiến sĩ “độc nhất vô nhị” của nước ta, với 36 tiến sĩ đại khoa, kể từ thời nhà Trần đến thế kỷ XVIII.
Theo tư liệu lưu giữ, trải qua nhiều thế kỷ, từ triều Trần qua triều Lê, Mạc đến thời Vua Lê, Chúa Trịnh, luôn luôn có các bậc anh tài làng Mộ Trạch mà trong đó đa phần là ruột thịt dòng họ Vũ, từng ra vào giáp mặt nhau như "cơm bữa" tại triều đình. Tiếng tăm khoa bảng Mộ Trạch, đời đời đã khẳng định qua câu phương ngôn: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (tên cúng cơm của làng Mộ Trạch).
Làng cũng là nơi "chôn nhau cắt rốn" của Trạng Cờ Vũ Huyến, Trạng Toán Vũ Hữu, Trạng Vật Vũ Phong, Trạng Chạy Vũ Cương Trực và Trạng Chữ Lê Nại. Mở đầu trong "Bảng vàng tiến sĩ" của làng Mộ Trạch là hai anh em ruột Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi, cùng đỗ thái học sinh năm Giáp Thìn (1504) triều vua Trần Anh Tôn.
Còn đáng nhớ nhất là khoa thi năm Bính Thân (1656) dưới triều vua Lê Thần Tôn, triều đình có 300 thí sinh dự thi nhưng chỉ lấy lấy có 6 người. Vậy mà làng Mộ Trạch đã chiếm tới ba người và cả ba người này cùng rất trẻ chỉ từ 21 đến 23 tuổi đó là: Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long và Vũ Công Lương. Sau đó 3 năm, khoa thi năm Kỷ Hợi, 4 trong số 6 tiến sĩ đều được vua trong dụng làm quan to trong triều đình là: Vũ Công Đạo, Vũ Bật Hài, Vũ Cầu Hối và Lê Công Triều đều là người làng Mộ Trạch.
Đời chúa Trịnh Tráng, làng Mộ Trạch có 17 người đỗ đạt làm quan trong triều, nên có câu: "Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô". Làng Mộ Trạch còn nổi tiếng với gia đình cụ Vũ Quốc Sĩ có 5 người con làm quan cho triều đình, trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ. Ở làng còn có trường hợp 3 đời con trưởng cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Vua Lê Thánh Tôn, đó là Vũ Bạt Tụy (ông), Vũ Duy Đoán (cha), Vũ Duy Khuông (cháu).
Tiến sĩ làng Mộ Trạch làm quan có những người rất giỏi ngoại giao, đã có công giúp nước như: Vũ Huy Tấn - triều Tây Sơn, Vũ Duy Đoán - triều Lê… Nhiều danh sĩ làng Mộ Trạch đã để lại những sách, tác phẩm văn học có giá trị cho đời sau: Lê Cánh Tuân có “Vạn ngôn thư” và 12 bài trong “Toàn Việt thi lục”, Lê Thiếu Đình có “Tiệt trại thi tập”, Vũ Hữu có “Đại thành toàn pháp”, Vũ Quỳnh có “Đại Việt thông giám” và “Lĩnh nam trích quái”, Vũ Cán có “Tùng niên thi tập” và “Tứ lục bi lâm”, Lê Nại có “Việt sử thông giám”, Vũ Phương Đề có “Công dư tiếp ký” 43 tập, Vũ Huy Tấn có “Văn tế quân Thanh”...
Ngoài 36 tiến sĩ, làng Mộ Trạch còn có rất nhiều người chỉ đỗ thám hoa, hoàng giáp, cử nhân nhưng cũng làm quan to, nhỏ, làm thầy giáo giỏi, thầy thuốc tài và buôn bán giàu có ở nhiều nơi. Ngày nay, làng tiến sĩ Mộ Trạch vẫn phát triển và nhân rộng nhiều vùng khắp đất nước. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước, có nhiều người con của làng Mộ Trạch đã "tỏa sáng" như truyền thống hiếu học và tài giỏi của làng tiến sĩ.
Theo ông Vũ Xuân Đoàn, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, sở dĩ làng Mộ Trạch có nhiều người học giỏi đỗ cao, vì đây là mảnh đất có truyền thống hiếu học, khuyến học nổi bật. Trước đây, tất cả con trai trong làng đều chăm chỉ dùi mài kinh sử để mong có ngày đỗ đạt chốn khoa trường.
Để được lên Kinh dự thi, các thí sinh đều phải đăng ký vào sổ thi của làng và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại quán Kỳ Anh nơi đầu làng. Tại kỳ thi này, những người có khoa bảng trong làng làm nhiệm vụ khảo xét bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ.
Hiện nay, xã Tân Hồng nói chung là làng Mộ Trạch nói riêng tổ chức rất tốt phong trào khuyến học. Đặc biệt, hàng năm, lớp sinh viên, học sinh đã đỗ đạt của làng lại tổ chức các lớp học tình nguyện, dạy chữ, tư vấn thêm ngành học cho con em học sinh trong làng. Nhờ truyền thống giáo dục tốt mà người làng Mộ Trạch đã chiếm bảng vàng rực rỡ trong các kỳ triều đình mở hội thi.
Điều đặc biệt là người làng Mộ Trạch dù làm quan tới chức nào cũng không ham lo xây dựng dinh thự mà luôn một lòng phục vụ đất nước, chăm lo cho nhân dân.
Về căn cốt văn hóa đình làng, ông Vũ Huy Căn, Trưởng thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng cho biết: Hiện tại, Đình làng Mô Trạch có tới 12 sắc phong của các triều vua và hiện nay vẫn còn giữ được 8. Đình làng được Nhà nước ta công nhận Di tích văn hoá ngày 2/4/1991.
Năm 2001, làng Mộ Trạch khánh thành đền thờ cụ Vũ Hồn, cụ tổ của họ Vũ, được dân làng thờ là Thần hoàng làng, người đã có công sinh thành và khai trí đường học cho đời con cháu họ Vũ và dân làng Mộ Trạch. Đền rộng trên 3.000 m2, có cổng đền, có nhà thờ cụ Vũ Hồn, có nhà trưng bày hiện vật, tranh ảnh, thư từ… Đền thờ có nhà bia tiến sĩ, có hồ sen, đặc biệt con cháu đã cung tiến những cây cảnh quý ở nhiều vùng trong cả nước…
Làng Mộ Trạch hôm nay có hơn 10 dòng họ nhưng dòng họ Vũ đông hơn cả và thành đạt hơn cả. Chi nhánh của họ Vũ toả đi khắp nơi, đỗ cao thành đạt khắp nơi, nhưng đâu đâu cũng nhớ về tổ tiên Vũ Hồn một thời khẩn hoang lập làng, lập xóm. Người ta nhắc đến những tên tuổi như tiến sĩ Vật lý ở Nhật Bản Vũ Khắc Thịnh, Giáo sý tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà giáo Vũ Đình Liên, cụ Vũ Đình Hoè từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước ta...
Tiến sĩ Vũ Phương Nghi ở Pháp gửi thư về có đoạn viết: “Nhờ lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu vươn lên mọi khó khăn để đạt bằng tiến sĩ văn học ở Pháp”.
Tiến sĩ hoá học Vũ Đàm ở Mỹ mới ở độ tuổi 30 nhưng đã có những công trình lừng lẫy khiến tổng thống Mỹ đích thân mời ông phụ trách việc thẩm định và cấp bằng sáng chế cho các công trình phát minh trong nước và quốc tế thuộc cục phát minh, sáng chế Mỹ…
Hay anh thương binh Vũ Hồng Quang, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã gắng hết sức nuôi 4 người con đỗ tốt nghiệp đại học, cao đẳng và gần đây con gái Vũ Thị Đào làm luận án tiến sĩ tại Pháp. Gia đình anh Vũ Huy San, có 3 người con đều đỗ đại học...
Lớp con cháu làng Mộ Trạch ngày nay đang hăng say lao động xây dựng làng, xã, chăm lo cuộc sống và gắng hết mình học hành hiển đạt. Thành thông lệ, ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm là ngày hội làng Mộ Trạch. Con cháu họ Vũ làng Mộ Trạch khắp mọi nơi sẽ tìm về với quê hương vui ngày lễ hội và thắp nén hương tưởng nhớ người đã sinh ra dòng họ Vũ và tưởng nhớ cả các thế hệ ông cha đã góp phần lưu danh thơm làng Mộ Trạch hôm nay.
Theo TTXVN
|