Cách thành phố Hải Dương về phía tây nam khoảng 30km là huyện Bình Giang. Ở đây có một làng cổ, làng tiến sĩ, làng văn hiến nổi tiếng khắp đất nước về truyền thống hiếu học và thành đạt của xứ Đông xưa, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng. Đến nay tinh thần hiếu học đó vẫn được duy trì và phát huy, làng được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Làng đại học.
Ảnh: Nhà bia tiến sĩ trong đền thờ cụ Vũ Hồn - Thuỷ tổ họ Vũ (Võ), Thành hoàng làng Mộ Trạch
Làng nhân tài “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Một làng hiếu học, sạch tệ nạn
Chuyện ở làng đại học xứ Đông
Sơ lược lịch sử Làng tiến sĩ Mộ Trạch
Làng Tiến sĩ ngày xưa
Người ta thường nói: Mộ Trạch là làng tiến sĩ, chữ Hán gọi là "tiến sĩ sào", sào có nghĩa là tổ chim, ý nói: làng Mộ Trạch như một tổ chim ủ trứng ấp, nở ra nhiều người học giỏi, đạt được học vị cao quý là trạng nguyên, tiến sĩ, hoàng giáp… Ngày nay "tiến sĩ sào" ấy vẫn phát triển và nhân rộng nhiều vùng khắp đất nước. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước, có nhiều người con của làng Mộ Trạch đã "tỏa sáng" như truyền thống hiếu học và tài giỏi của làng tiến sĩ.
Xứ Đông ngàỵ xưa bao cả vùng đất rộng lớn gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng... sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh vào thời Lê và truyền thống học tập đỗ đạt của con em xứ Đông ngày càng được phát huy, số người đỗ đạt từ thi hương đến thi hội ngàỵ càng nhiều. Hiện nay 82 bia tiến sĩ còn lại ở Văn Miếu, Hà Nội, ta dễ dàng tìm thấy phần khá lớn khoa bảng thành đạt thời xưa xuất thân từ xứ Đông và đặc biệt người làng Mộ Trạch có trên 18 văn bia.
Xét trên phạm vi đơn vị huyện của xứ Đông, mật độ tiến sĩ tập trung khá cao ở Văn Giang, Ân Thi, Chí Linh, Thanh Lâm, Đường An, nhưng trong phạm vi một làng xóm thì Mộ Trạch là điếm sáng rực rỡ mãi mãi toá ánh hào quang từ ngàn xưa cho tới hôm nay.
Theo tư liệu lưu giữ, làng Mộ Trạch từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII có 36 người đỗ tiến sĩ, 1 trạng nguyên. Trong đó có họ Vũ có 29 tiến sĩ, họ Lê có 1 trạng nguyên, 4 tiến sĩ, còn lại là họ khác.
Tiến sĩ Vũ Hữu, đỗ năm 1463, đã làm quan thượng thư 6 bộ, 7 đời triều Lê. Ông là người hệ thống hóa toán học, hình học, số học… Có công thiết kế xây dựng các cổng thành Thăng Long. Ông được vua Lê Thánh Tông phong là "Trạng Toán", ông có 5 con và cháu ruột đỗ tiến sĩ, cùng được khắc tên ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) và Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Làng Mộ Trạch có Lê Nại đỗ trạng nguyên năm 1505, giữ chức Hữu Thị Lang. Ông là cháu của tiến sĩ Lê Cảnh Tuân (1381), là anh của tiến sĩ Lê Tư (1511), là bố của tiến sĩ Lê Quang Bí và có cháu là tiến sĩ Lê Công Triều (1659).
Năm 1655, triều Nguyễn mở khoa thi, cả nước có 6 người đỗ tiến sĩ thì làng Mộ Trạch đỗ 3 người (Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long và Vũ Công Lương). Vua Tự Đức khen: "Nhất gia bán thiên hạ", nghĩa là: Một nhà chiếm nửa thiên hạ.
Đời chúa Trịnh Tráng, làng Mộ Trạch có 17 người đỗ đạt làm quan trong triều, nên có câu: "Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô". Tiến sĩ làng Mộ Trạch làm quan có những người rất giỏi ngoại giao, đã có công giúp nước như: Vũ Huy Tấn - triều Tây Sơn, Vũ Duy Đoán - triều Lê… Lại có những tiến sĩ thơ văn có nhiều sách để lại như Vũ Quỳnh, Vũ Cán, Vũ Trọng Trình… Trong làng còn lưu giữ một bia đá khắc bài thơ "Khuyên con cháu học" từ năm 1679 (lược dịch ):
Học hành tạc dạ, tấm lòng son
Đọc sách cho thông chữ cái con
Bữa đến muối, dưa nên chớ quản
Văn làm khoái trá mới hầu ngon.
Bảng vàng ta đó, danh bằng sấm
Của báu vua ban, giá ngự non.
Cha dạy con, con nên dạy cháu
Trời còn, nhà ắt thế khoa còn.
Ngoài 36 tiến sĩ thời Hồng Đức, làng Mộ Trạch còn có rất nhiều người chỉ đỗ thám hoa, hoàng giáp, cử nhân nhưng cũng làm quan to, nhỏ, làm thầy giáo giỏi, thầy thuốc tài và buôn bán giàu có ở nhiều nơi.
Do sự phát triển của cuộc sống và biến động của lịch sử, dân làng Mộ Trạch, trong đó có một số tiến sĩ di cư sinh sống và lập nghiệp ở nhiều nơi suốt từ Bắc chí Nam. Trong nhà trưng bày thuộc khuôn viên đền thờ cụ Vũ Hồn có nhiều ảnh chụp lưu niệm tại làng, sách in, thư gửi về của các vị: Võ Chí Công - Nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1908-1956) tên thật là Vũ Nguyên Bác; Vũ Oanh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Vũ Mão - Ủy viên Thường vụ Quốc hội; giáo sư Vũ Khiêu; Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng; Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Võ Thị Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch… Và có "một cây cổ thụ" trong làng nhiếp ảnh là NSNA Võ An Ninh và các NSNA con ông: Võ An Sinh, Võ An Lộc và Võ An Sơn cũng có cội rễ từ làng Mộ Trạch.
|
Trong khuôn viên đền thờ cụ Vũ Hồn |
Làng Đại học ngày nay
Ngày nay, ở Mộ Trạch, việc học tập được người dân đặt lên hàng đầu và được tổ chức chu đáo.
Làng Mộ Trạch nhỏ bé tới tận năm 1945 mới có xấp xỉ 1.000 nhân khẩu và hôm nay có hơn 700 hộ với 2.850 nhân khẩu.
Ông Vũ Huy Ái, Chi hội Phó Hội Khuyến học của làng cho biết, tính từ năm 1960 đến nay đã có trên ba trăm người đỗ đại học, cao đẳng. Kể từ năm 2005, Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch được thành lập đã tích cực vận động tuyên truyền khuyến học và xây dựng quỹ khuyến học đi vào hoạt động có nền nếp, có nội dung và hình thức phong phú. Thi đua học tập những điển hình tiên tiến nhằm động viên biểu dương khen thưởng kịp thời các em học sinh khi năm học kết thúc.
Ngày nay ở làng Mộ Trạch nhà nào cũng có chỗ học cho con cái. |
Theo ông Vũ Duy Giỏi, Chủ tịch Hội khuyến học của thôn, người dân ở đây luôn tâm niệm đầu tư cho giáo dục là đâu tư cho tương lai. Giáo dục là con đường để thoát nghèo bền vững nhất.
Hội khuyến học của thôn kết hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi tinh thần học tập của các em. Qua đó, những em lơ là, chểnh mảng trong học tập sẽ được thông báo đến nhà trường để kịp thời chấn chỉnh.
Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, Hội khuyến học cùngnhà trường sẽ động viên gia đình và tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đi học, đồng thời biểu dương, khen thưởng những em có thành tích học tập tốt.
Để tạo nề nếp học tập cho con em trong thôn, Hội khuyến học thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh về truyền thống hiếu học của ông cha nhằm khơi dậy tinh thần ham học, nêu danh những gia đình tiêu biểu.
Hình ảnh cha dạy con, anh dạy em vào những buổi trưa hay buổi tối đã trở nên quen thuộc nơi đây.
Có được kết quả trên là nhờ người dân làng Mộ Trạch luôn coi trọng công tác xã hội hóa giáo dục, huy động tất cả các tổ chức đoàn thể kết hợp với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… tham gia vào công tác khuyếnhọc thôn nhà. Ở Mộ Trạch, hầu hết các dòng họ đều có quỹ khuyến học.
***
Chúng tôi về thăm làng Mộ Trạch vào buổi chiều một ngày cuối năm. Đời sống dân làng đổi thay nhanh chóng. Người đói không có và tỷ lệ gia đình nghèo chỉ còn 5%. Con cháu làng Mộ Trạch nay toả khắp nơi trong nước và ngoài nước làm ăn và khá nhiều người thành đạt. Dân Mộ Trạch có truyền thống lấy ngày 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm làm hội làng. Ngày hội làng vừa qua có chương trình độc đáo gọi là tôn vinh tiến sĩ. Những tiến sĩ thời nay! Những người có học hàm học vị và cả những người có thành tựu lớn lao trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế. Người ta nhắc đến những tên tuổi như tiến sĩ Vật lý nguyên tử ở Nhật Bản Vũ Khắc Thịnh, Giáo sư tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà giáo Vũ Đình Liên, cụ Vũ Đình Hoè từng làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Cụ Hồ, tiến sĩ Vũ Phương Nghi ở Pháp gửi thư về có đoạn viết: Có thể nói, nhờ lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu vươn lên mọi khó khăn để đạt bằng tiến sĩ văn học ở Paris.
Ngày nay ở làng Mộ Trạch nhà nào cũng có chỗ học cho con cái, cũng động viên thế hệ trẻ noi theo truyền thống cha ông mà nắm lấy tri thức phục vụ cho đất nước, làm vẻ vang cho gia đình, họ tộc và thôn xóm.
Thanh Châu (Vnmedia)
|