Còn có những tên gọi khác ngoài tên gọi Hội làng Mộ Trạch như Làng vào đám cầu phúc, Lễ hội làng Mộ Trạch. Hội làng liên quan mật thiết đến nhân vật được thờ làm Thành hoàng làng.
Ảnh Lễ hội truyền thống làng Tiến sĩ Mộ Trạch năm 2012
Làng Mộ Trạch vào hội ngày 8 tháng giêng hàng năm. Còn có những tên gọi khác ngoài tên gọi Hội làng Mộ Trạch như Làng vào đám cầu phúc, Lễ hội làng Mộ trạch. Hội làng liên quan mật thiết đến nhân vật được thờ làm Thành hoàng làng.
1. Tóm tắt tiểu sử vị Thành hoàng làng và lịch sử, vị trí địa lý làng Mộ Trạch.
Thần tích thôn Mộ Trạch (có tên Nôm là làng Trằm Thượng) ghi, “Làng thờ vị Thành hoàng, tên huý là Vũ Hồn, người phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung quốc). Cha người Trung Quốc, mẹ người trang Mạn Nhuế, Nam Sách Việt Nam. Vũ Hồn sinh ngày 8 tháng giêng, tư chất thông minh, năm 16 tuổi thi đỗ Tiến sỹ khoa Canh Tý (820), được Vua nhà Đường sai làm quan ở An Nam, chức An Nam đô hộ phủ. Trong thời gian làm quan, Vũ Hồn cắm đất lập ấp Khả Mộ, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Người Mộ Trạch suy tôn và thờ Vũ Hồn là Thành hoàng làng bởi những đóng góp thiết thực và có giá trị của ông với dân với nước. Vũ Hồn mở trường dậy học, khuyên dân cày cấy thành một làng giàu thịnh, dân làng ai cũng kính yêu như cha mẹ. Dân làng xin được lập đền thờ, ngài cho 5 nén vàng và ruộng ao để dân làm quỹ cúng lễ.
Năm 49 tuổi, ngày mồng 3 tháng chạp, đang ngồi ở học đường, thấy người khó chịu, rồi không bệnh mà hoá. Nhân dân rước linh cữu lên xứ đồng phía bắc làng an táng. Khi táng thì mây mưa mù mịt, dân làng sợ hãi chạy về. Chỉ 1 đêm mối xông thành ngôi mộ lớn. Nhân dân kinh sợ, lập tức lên trình quan. Nhà vua sắc phong (cho Vũ Hồn) là phúc thần, Đương cảnh thành hoàng, lâu đài cư sỹ, linh ứng đại vương. Lệnh cho dân làng Mộ Trạch lên kinh thành rước mỹ tự về lập miếu thờ, quy định chỗ mộ là đất cấm địa.
Mộ Trạch thờ thành hoàng làng tại miếu và đình, ngày thường thì thờ ở miếu, ngày vào đám thì rước phụng nghinh thánh giá về đình. Thờ bằng bài vị, có mũ, đai, áo chầu, hia ủng, kiếm quất. Cuối năm 2008 miếu "bổ sung" tượng Vũ Hồn bằng đồng nặng 488,5kg. Đình làng còn thờ các vị hậu thần.
Đình Mộ Trạch ở phía tây làng, gần giếng nước ăn và chùa Diên Phúc. Kiến trúc đình hình chữ nhị biến thể sang hình chữ quốc. Gian chính giữa nhà tiền đình đặt ban thờ Thành hoàng, các gian tả hữu bố trí vị trí của các thành phần tham dự lễ tế. Nối nhà đình với nhà hậu đình gồm 3 nhà, nhà chính giữa để kiệu rước và đồ tế. Nhà phía đông và phía tây đặt ban thờ của các giáp. Hai nhà này có khoảng sân trống, khi tế đi qua sân vào nhà hậu đình. Nhà hậu đình đặt tượng gỗ và ban thờ Thành hoàng làng ở gian giữa, gian 2 bên đặt ban thờ hậu thần. Trước nhà tiền tế là sân đình, cổng đình, cổng xây kiểu tam quan, cổng chính làm mái chồng diêm.
Miếu ở về phía bắc làng, kiến trúc hình chữ đinh. Xây nhà tả vu, hữu vu và tạo 2 ao nhỏ ở phía trước miếu thờ, xây nhà bia ở sau miếu thờ. Cổng miếu xây kiểu tam quan, có gác chuông. Trong miếu có bàn thờ, hậu cung đặt bài vị, tượng Vũ Hồn bằng đồng. Đình và miếu có nhiều hoành phi, câu đối nói về sự tích và ca tụng sự linh thiêng của nhân vật được thờ, ca tụng vị thế đắc địa và kiến trúc hoành tráng, cổ kính của nơi thờ.
Trong văn bản khai sự tích thành hoàng làng năm 1938, mục “sự tích”, chính quyền thôn Mộ Trạch, ghi: Sự tích ngài có sách từ thượng cổ để lại, hiển thánh về đời nhà Đường, khi nước Nam nội thuộc. Ngài có công lập ấp và dạy dân. Khi giặc Nguyên vây hãm kinh thành, Hưng Đạo Đại vương phụng mệnh cầu đảo bách thần, ngài có công hiển linh, giúp bình được giặc Ô Mã Nhi. Vua nhà Trần sắc phong Thượng đẳng thần. Các triều Vua nhà Lê, triều Quang Trung, triều Nguyễn đều có sắc phong mỹ tự. Nay còn giữ được 12 đạo sắc phong. Những mỹ tự trong sắc phong được chép lên bài vị thờ Thành hoàng.
Theo các công trình nghiên cứu về lịch sử làng Mộ Trạch thì từ những năm đầu thế kỷ IX (khoảng từ năm 825- 843), Mộ Trạch mới lập ấp, có tên là Khả Mộ, thuộc huyện Đường An, Giao Châu (là 1/12 châu của An Nam phủ). Trước cách mạng tháng 8/1945, Mộ Trạch là thôn Thượng (Trằm Thượng) của xã Mộ Trạch, xã Mộ Trạch bấy giờ có 3 thôn, thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Trung. Sau cách mạng tháng 8, thôn Thượng là làng Mộ Trạch thuộc xã Tân Hồng, thôn Hạ, thôn Trung thành làng mới, lấy tên là làng Nhuận Trạch thuộc xã Bình Minh. Làng Mộ Trạch thuộc làng to đông dân nhất xã, cả xã có trên 5000 khẩu thì làng Mộ Trạch có trên 2000 khẩu (số liệu trước năm 2000). Số người thuộc họ Vũ (Võ) chiếm gần 90%. Trước cách mạng tháng 8, làng Mộ Trạch lúc đầu chia làm 6 giáp, sau lên 18 giáp, sau hợp lại còn 12 giáp (có tài liệu ghi 8 giáp, có tài liệu ghi 13 giáp). Cơ cấu chính quyền từ thời Lê đến trước khi có chính quyền “cải lương” gồm: Triều quý quan, quan viên (những người được ghi tên trong văn tế hội làng?), văn thuộc (2 hạng A và B), xã, thôn trưởng (những người tham gia chính quyền, được miễn phu dịch). Thời cải lương gồm, tổ chức hương hội, bao gồm chánh phó hương hội (tiên chỉ?), thư ký, thủ quỹ, chánh phó lý trưởng, trưởng bạ, trương tuần, trương điều, có hội Tư văn. Khi làng tổ chức lễ hội, lực lượng này có vai trò quan trọng. Hiện nay làng Mộ Trạch tổ chức theo khu dân cư, có chi bộ Đảng, Trưởng phó thôn, lực lượng an ninh, Mặt trận Tổ quốc thôn. Các đoàn thể gồm, Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ... Xét về nghề thì gốc vẫn là làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làm quan, làm lại. Số người làm quan lại, có thời Mộ Trạch họp làng ở triều đình. Có điều khác xưa là ngày nay, người Mộ Trạch thoát ly làm cán bộ công chức, viên chức định cư ở nơi khác ngày một nhiều. Tuy vậy, việc làng, việc họ vẫn chăm về quê và đóng góp tinh thần, trí tuệ, tiền của xây dựng quê hương.
Thành đạt về khoa bảng Nho học, giành học vị đại khoa (đỗ Tam giáo, Thái học sinh, Tiến sỹ), làng Mộ Trạch có 36, họ Vũ chiếm tỷ lệ 29/36 người. Số người làm quan, lại ở các cấp trung ương, tỉnh, phủ, huyện, xã chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác. Tuy làm quan, lại nhưng gia đình họ vẫn ở quê nên khi chí sỹ “hưu quan, lại” trở về quê sống. Lực lượng này tiếp tục đóng góp cho địa phương trên nhiều lĩnh vực trong đó có lễ hội làng.
Về Mộ Trạch, theo quốc lộ số 5, đến ngã tư Quán Gỏi, rẽ về phía Nam, đi vào đường quốc lộ 38, qua cầu Thịnh Vạn (cầu Sặt). Ở đây có ngã 3, theo quốc lộ 38 vào thị trấn Sặt. Đi thẳng theo đường 20 chừng 1 km đến ngã tư, rẽ trái. Đi chừng 2km rẽ phải vào làng Mi Cầu (làng Me), làng bắt đầu của xã Tân Hồng. Từ đây theo đường ruột của xã, qua làng Mi Cầu, đến làng Tuyển Cử. Qua làng Tuyển Cử đến khu trung tâm văn hoá xã. Ở đây có trụ sở UBND, trạm y tế, nghĩa trang liệt sỹ, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, ngôi mộ cổ Vũ Hồn, Thành hoàng làng Mộ Trạch. Từ đây đã nhìn rõ cổng làng. Qua cổng làng, đi chừng 100m, ta thấy ngôi miếu thờ Vũ Hồn bên tay phải. Không rẽ vào miếu mà cứ đi thẳng chừng 200, gặp ngã 3 đường, rẽ phải là đến cổng đình.
Còn lối đi khác về Mộ Trạch. Theo quốc lộ số 5 đến ngã tư Lai Cách, rẽ về phía Nam, qua cầu Cậy đến khu ngã tư Phủ, hỏi về làng Mộ Trạch, đi theo đường 194 hơn 2km là tới làng. Hoặc từ Thị trấn Thanh Miện theo đường 20 về Phủ, rẽ trái theo đường 194 về Mộ Trạch. Từ Mộ trạch đi đường 194 về phía Tây, qua cầu phao sông Hà (sông Cửu Yên), gặp đường quốc lộ 38, rồi đường 39, ngược về phía bắc (rẽ phải) đến Phố Nối, gặp quốc lộ số 5. Đi xuôi về phía nam (rẽ trái) đến thành phố Hưng Yên (Phố Hiến), tỉnh Hưng Yên.
2. Tổ chức lễ hội.
Mộ Trạch có quy ước về xây dựng nếp sống thuần hậu trong các văn bản: Mộ Trạch xã cựu khoán, lập từ ngày 20 tháng giêng năm Cảnh Trị 3 (1665). Bản khoán ước được điều chỉnh, bổ sung 20 lần từ niên hiệu Chính Hoà 6 (1685) đến niên hiệu Cảnh Thịnh 5 (1797). Vào thời Nguyễn, khi xây dựng tôn chỉ việc cải lương, Mộ Trạch lập hương ước 136 điều. Khi có Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” những năm cuối thế kỷ 20, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xây dựng Quy ước làng Mộ Trạch được chính quyền xã, huyện chấp thuận. Đã qua 334 năm, kể từ năm lập khoán ước (1665), đến năm 2009, nếp sống ở Mộ Trạch thể hiện khá đậm chất “thuần hậu”. Chất thuần hậu thể hiện ngay ở việc tổ chức, điều hành, thực hiện nghi thức lễ hội làng.
Bàn luận về thời điểm Mộ Trạch có ngày hội rước Thành hoàng, còn nhiều ý kiến khác nhau. Căn cứ vào văn bản: Mộ Trạch xã cựu khoán thì từ năm 1665, làng đã có quy định tại điều 3, “Bản xã hàng năm có lệ vào đám cầu phúc”.Phụng sự việc này có, xôi 1 mâm, trò hát xướng, thưởng tiêu (biểu dương, khen thưởng). Số tiền phân bổ theo số người ở các giáp, từ 60 tuổi trở xuống, từ 18 tuổi trở lên. Tất cả đều chung tham dự lễ, thụ lễ vui vẻ. Ngày vào đám và ngày ra đám, các quan viên hàng văn và con cháu các quan viên đều phải chuẩn bị mũ áo theo đúng nghi thức phẩm vệ (trang phục theo phẩm hàm khi làm nhiệm vụ). Nếu như có việc khênh kiệu, rước hương án, cờ quạt, dù lọng thì các quan viên phân bổ cho cho các hạng lo liệu. Cốt phải nghiêm chỉnh để tỏ rõ ý tôn kính. Trong điều 3 ta thấy có các nội dung, tên gọi của hội làng, “vào đám cầu phúc” và 7 quy định: Mâm lễ, trò hát, khen thưởng, độ tuổi đóng tiền, thành phần tham gia và thụ lễ, trang phục khi tham gia nghi lễ, người phục vụ nghi lễ, thái độ của mọi thành phần khi tham dự lễ, thụ lễ, phục vụ nghi lễ. Quy định này được duy trì đến năm 1722 có bổ sung, độ tuổi, thành phần vào đình thực thi nghi thức thờ phụng. Ngày 6 tháng Giêng năm Bảo Thái 3 (1722), khoán ước làng Mộ Trạch ghi: “Hàng năm, đến ngày làng ta vào đám cầu phúc, phải lựa chọn người trong hạng văn thuộc vào đình lo việc thờ phụng, trong đó có nhiều người từ chối không làm. Do vậy làng hội họp lại lập ra khoán ước, từ nay về sau chiểu xét trong hàng văn thuộc, số người từ 25 tuổi đến 45 tuổi, thay phiên nhau vào đình thờ phụng. Nếu như người nào có tang trở thì lưu lại để năm sau, lại theo thứ tự tuyển vào. Người nào do đi vắng xa, xét thấy đúng thực thì miễn cho. Còn kẻ nào coi thường vắng mặt thì không cho dự vào hội tư văn, để làm nghiêm hương ước”. Lần bổ sung này quy định độ tuổi (quy định từ 25 đến 45 tuổi) của người vào đình lo việc thờ phụng ngày làng vào đám cầu phúc và hình thức phạt người không chấp hành khoán ước của làng.
Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Thịnh 5 (1797) làng có quy định về người khênh kiệu, rước long đình, hương án... quy định Hội đánh cờ, việc khênh rước kiệu trong 2 ngày lễ vào đám, ra đám vào mùa Xuân hàng năm thì chọn 8 người trai trẻ chưa có gia đình. Còn các loại long đình, hương án, chiêng trống, quạt vuông, quạt tròn, lọng (dù tán), dùi đồng, phủ việt, mũ lồng (lung mạo), đai khăn thì dùng hạng trai tráng. Các loại quạt rồng, kiếm vàng, mũ đen (cân lô), mác lá, cờ lệnh đi đứng, gậy hồng (hồng trượng), thì dùng văn thuộc hạng A, nếu như dự vào loại trông nom công việc thì cho đi trước, thứ đến dùng văn thuộc hạng B, để tỏ ý nghi lễ phụng sự thần long trọng. Tặng thêm 1 mâm cỗ cho các người thờ phụng thần, những người thực hiện các nghi thức tế lễ cũng được dự vào đó. Như vậy người mang, vác các đồ thờ, đều dùng người hàng văn thuộc. Quy định về hội đánh cờ, bản khoán ước ghi, “Hàng năm đến ngày lễ vào đám, có tổ chức hội đánh cờ. Đến ngày lễ, chọn các con trai, con gái các quan viên, các văn thuộc trong thôn, những người chưa lập gia đình. Mỗi bên gồm 16 người tham dự. Những người này ăn mặc mũ áo chỉnh tề. Ngày 4 tháng giêng, tập trung ở đình để điểm duyệt”.
Từ khi lập khoán ước năm 1665, đến năm 1797, hội làng Mộ Trạch mới có các nghi thức về, mâm lễ, trò hát, khen thưởng, hội đánh cờ, quy định độ tuổi đóng góp tiền để tổ chức lễ hội, quy định thành phần, trang phục người vào đình lo việc thờ phụng, lo khênh kiệu, mang vác đồ thờ và quy định phạt người không chấp hành khoán ước và thái độ khi thụ lễ.
Thời cải lương, xã Mộ Trạch có bản hương ước với 136 điều. Quy định tổ chức lễ hội thôn Thượng (làng Mộ Trạch hiện nay) ghi ở các điều 94, 95, 98. Trước ngày vào đám 4 ngày (mồng 4 tháng giêng), làng có cuộc họp ở đình, bàn các việc, bầu tế quan viên, bầu chung đình, bầu chấp sự, chọn người khiêng kiệu, định mức đóng tiền chi cho công tác tổ chức lễ hội. Quy định cỗ thờ ở đình ngày phụng nghinh thánh giá về đình (ngày mồng 8) và các ngày Thánh ở đình (từ mồng 9 đến 15), quy định cỗ thờ ở miếu ngày phụng tống thánh giá về miếu (ngày 16 tháng giêng). Tiêu chuẩn của người "bầu tế quan viên" là những ông tân cựu Cử nhân, Tú tài lão nhưng phải phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh. Lý trưởng, trưởng giáp làm bồi bài?. Tiêu chuẩn của "chung đình" là những quan viên tử, viên tôn, nhất nhị trường, đã có vọng, tân cựu lý dịch từ 25 đến 45 tuổi có chân tư văn và niêm cán chi ân?. Tiêu chuẩn của "chấp sự" là người có vị thứ ở đình chung, có chân tư văn. Người khênh kiệu là những trai tân, có tên trong sổ hương ẩm của làng, tuổi từ 16 trở lên. Người rước văn, rước cỗ, rước nước... các ngõ chọn nam giới tham gia. Tiền đóng để tổ chức lễ hội, hương ước quy định tuỳ theo phí tổn mà mỗi xuất đóng 1 hào hoặc 2 hào hoặc 3 hào, gọi là tiền nhân xuất. Người phải đóng tiền này là quan viên hương lão cho đến người 18 tuổi. Góp gạo làm "cỗ xôi thờ" ngày phụng nghinh (ngày mồng 8 tháng giêng), hương ước quy định 12 giáp góp, mỗi giáp góp 3 bát đồng chạ gạo nếp, tiền mua gạo lấy ở tiền nhân xuất, mỗi bát chi 2 hào. Gạo phải nhặt tinh bạch, đong 24 bát đồng chạ làm lễ thổi xôi tại nhà lý trưởng rồi rước ra đình. Số gạo còn lại (10 bát đông chạ) dùng vào việc làm xôi xuất tịch. Xôi thờ dùng cho lễ nhập tịch (từ ngày mồng 8 tháng giêng), quy định mỗi ngày 2 giáp dâng lễ Thành hoàng, mỗi giáp phải thổi 1 cỗ xôi thờ và 2 giáp thổi 1 cỗ xôi hậu rước ra đình để làm lễ trực nhật, tế. Sáng hôm sau lý trưởng cùng những người đăng cai cỗ (người được giáp giao nhiệm vụ thổi xôi làm cỗ) cùng khám xôi. Cỗ nào tinh bạch, tế nhiễu và trọng lượng phải bằng cỗ phụng nghinh (nấu 24 bát đồng chạ gạo nếp). Mâm nào tinh bạch và nặng cân hơn thì được thưởng, giải nhất: 5 hào, giải nhì: 3 hào, giải ba: 2 hào. Mâm nào kém cân (so với cỗ phụng nghinh), có tơ tre, lẫn thóc hay điểm đen, gạo tẻ thì phải phạt trầu rượu tạ thần. Quy định lễ phụng tống thánh giá về miếu có 2 nội dung, vật lễ, nguồn kinh phí sắm lễ, "khi phụng tống thánh giá về miếu xong rồi lý trưởng cùng những người đăng cai cỗ làm 1 lễ xôi gà để tạ, kinh phí làm cỗ này lấy từ tiền nhân xuất".
Những mâm cỗ, nghinh thánh giá, cỗ xôi thờ, xôi hậu, được biếu các quan trong làng, các bô lão, các người dự tế, còn bao nhiêu chia về 12 giáp, phân đều cho mọi người?.
Theo các cụ ở Mộ Trạch thì trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, khi làng vào đám có bắc rạp lợp cỏ tươi, tục gọi là đình đám, khi xong lại rỡ rạp. Có một số năm, người giàu trong làng bỏ tiền mời phường hát về biểu diễn phục vụ nhân dân.
Làng không tổ chức lễ hội từ khi có cuộc kháng chiến chống Pháp đến năm 1990 nhưng việc đèn hương ở đình, miếu vẫn được duy trì.
Tái hiện lễ hội ở Mộ Trạch khi đình được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1991. Trước ngày mở hội chừng 1 tháng, địa phương có cuộc họp bàn của chi bộ đảng, chính quyền, đoàn thể. Cuộc họp tập trung vào các nội dung: Thống nhất chủ trương mở hội làng, phân công nhiệm vụ cho 4 ban, an ninh trật tự, trang trí tuyên truyền, khánh tiết, hậu cần. Lễ hội phục dựng được nghi thức tế, vật lễ, rước, trò chơi dân gian. Nói là phục dựng được, nhưng có một số chi tiết được rút gọn, một số chi tiết bổ sung. Chi tiết rút gọn trong phần lễ là nghi thức tổ chức viết văn tế bằng chữ Hán. Việc ghi tên của 372 người thuộc diện đọc trong văn tế cũng được rút gọn. Tổ chức thổi xôi thờ cũng không cầu kỳ như ghi trong khoán ước. Nguồn gạo nếp cái hoa vàng không phải từ ruộng "hương hoả" của làng hay từ tiền nhân xuất mà gạo được chọn mua theo phương thức dịch vụ, tiền chi từ nguồn quỹ công đức?. Số mâm xôi cũng không theo các giáp (12 giáp). Xôi thờ ở lễ hội năm 2009 còn được đưa vào nội dung 500 xuất lộc thánh phát cho người đến lễ. Lễ rước (lượt đi) có sự thay đổi về hành trình. Trước đi theo hướng từ cổng miếu thờ rẽ tay trái vào đường nghinh (trước kia 2 bên là ruộng lúa, nay là khu dân cư, bãi đỗ xe), đến điểm nối với đường gianh giới làng và cánh đồng (trước gọi là đường lên cổng tây), rẽ về hướng Tây. Đi dọc đường này qua đoạn khu nghĩa địa làng, đi tiếp đến chỗ quẹo về hướng Nam. Đi đến đoạn đường rẽ về chùa thì nghỉ kiệu (quay kiệu) rồi tiếp tục hành trình qua chùa nghinh rước về đình. Đường rước hiện nay, từ cổng miếu thờ rẽ phải. Đến đoạn gặp đường đi về đình (theo hướng Tây) và khu dân cư số 1(theo hướng Đông) thì rẽ trái. Đoàn rước đi đến đoạn gặp đường cổng Nam thì rẽ phải. Ra đến đường 194, rẽ phải. Theo đường 194 đến đoạn rẽ vào đường gianh giới khu dân cư và cánh đồng ở phía Tây, rẽ phải. Đi đến đoạn gặp đường rẽ về chùa, nghỉ kiệu (quay kiệu), rồi tiếp tục hành trình qua chùa nghinh rước về đình. Đội hình rước có 13 thành phần tham dự theo thứ tự, đội kỳ lân, đội cờ thần, hồng kỳ, đội trống, long đình đơn (đặt hoa, chúc văn), biểu tượng 36 tiến sỹ Nho học, bát bửu, long đình kép, long đao, đội tế của các cụ ông, kiệu Thành hoàng làng (có năm rước tượng nhưng phần lớn rước bài vị, áo mũ), đội tế của các cụ bà, đội áo the khăn xếp, nhân dân và khách thập phương. Lễ rước (lượt về) vẫn đủ 13 thành phần, Đường đi theo hướng từ đình làng rẽ trái theo đường về phía đông có khu dân cư số 1. Đến ngã 3 thì rẽ trái về miếu thờ. Lễ hội hiện nay có bổ sung 4 nội dung gồm, Lễ khai mạc, báo cáo tóm tắt lịch sử truyền thống làng Mộ Trạch, trao phần thưởng khuyến học - khuyến tài, trao bằng Vũ tộc tinh hoa (cho người họ Vũ - Võ trong toàn quốc).
Lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch
Ngành văn hoá thể thao tỉnh, huyện giúp địa phương tổ chức thi đấu bóng chuyền cụm xã, liên xã, tổ chức giải cờ tướng, giải vật dân tộc, tuyên truyền trực quan bằng băng zôn. Công tác tổ chức lễ hội thực hiện theo Quy chế lễ hội của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành. Công tác tuyên truyền và mời khách về dự hội làng được cụ thể hoá bằng giấy mời dự lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch, bằng nghi thức thông tin, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương. Những năm gần đây, di tích và lễ hội làng Mộ Trạch được Ban liên lạc họ Vũ - Võ Việt Nam quan tâm và có đóng góp thiết thực cho địa phương ở 2 phương diện, trong trùng tu, tôn tạo khu miếu thờ, và tổ chức lễ hội.
Như vậy lễ hội làng Mộ Trạch đã vượt quy mô lễ hội làng. Sự kết hợp giữa chính quyền địa phương, nhân dân và dòng họ Vũ - Võ toàn quốc đã nâng tầm cho lễ hội. Công tác tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia việc làng, khách thập phương đến chiêm ngưỡng, lễ bái trong ngày lễ trọng.
Có 2 điều cần được điều chỉnh, đội hình rước cờ hồng kỳ, cờ thần cần luôn duy trì tư thế trang nghiêm trong cả hành trình rước. Chính quyền, ban tổ chức lễ hội tạo cơ chế để dân làng hưởng ứng tích cực khi đội tế thần trong đêm thực hiện nghi thức cúng tế.
Bài: Đặng Văn Lộc, ảnh Vũ Xuân Kiên
|