Mộ Trạch là một trong bốn làng của xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nổi tiếng là đất khoa bảng, được mệnh danh là "Làng tiến sĩ". Trong số 82 tấm bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám còn lại đến ngày nay thì có tới 18 bia ghi tên 25 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn miếu Mao Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì có đủ tên của 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch.
Làng Mộ Trạch khá nhỏ bé, đến năm 1945 dân số mới xấp xỉ một nghìn nhân khẩu. Theo nhiều tài liệu lịch sử, khoa thi năm Thịnh Ðức thứ tư (1656) cả nước có gần 3.000 sĩ tử về kinh thành dự thi, nhưng chỉ có sáu người đỗ, trong đó có ba người họ Vũ cùng làng Mộ Trạch (Vũ Trác Lạc 20 tuổi, Vũ Ðăng Long 21 tuổi, Vũ Công Lượng 22 tuổi). Ba năm sau vào khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) làng Mộ Trạch lại đậu bốn tiến sĩ. Ðó là Vũ Công Ðạo 23 tuổi, Vũ Bật Hài 24 tuổi, Vũ Cầu Hối 25 tuổi, Lê Công Triều 26 tuổi. Thật là một chuyện hiếm có trong lịch sử. Tiếng đồn làng Mộ Trạch chiếm hết khoa bảng của thiên hạ đã làm cho các quan trường không khỏi nghi vấn. Gia phả họ Vũ còn ghi một giai thoại: Lại bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Phong ngờ rằng người làng Mộ Trạch có tiểu xảo, thần thế gì đó mới có nhiều người đỗ như vậy. Ba năm sau đến kỳ thi hương, ông xin về Hải Dương làm đề điệu (chủ khảo). Ông cho đào mỗi thí sinh một hố ngồi trong đó làm bài, bên trên mỗi hố đậy một tấm liếp để cách biệt hoàn toàn giữa các thí sinh. Quan giám khảo thì ngự trên chiếc chòi cao để quan sát. Ông chọn những câu văn hóc hiểm làm đề thi, lại truyền cho hai ban sơ khảo và phúc khảo chỉ được phê chọn những quyển nào chữ viết rõ ràng, không dập xóa, không sửa chữa. Quan trường chấm bài xong tuyển được 30 quyển hợp cách trình quan đề điệu chấm lại. Nguyễn Văn Phong chỉ lựa được sáu quyển, còn thì đánh trượt. Sau khi xếp thứ bậc rồi khớp phách để yết bảng thì thật bất ngờ, ba người đỗ đầu đều là người làng Mộ Trạch, trong đó có Vũ Văn Hiên 18 tuổi, thi lần đầu đậu ngay giải nguyên; ba người còn lại ở ba xã khác nhau. Từ đó người ta mới tin học trò Mộ Trạch có thực tài, thi cử rất công minh. Mộ Trạch đúng là lò tiến sĩ. (Theo cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương").
Mở đầu bảng vàng của làng Mộ Trạch là hai anh em ruột Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi cùng trúng Thái học sinh khoa Giáp Thìn (1304) cho đến người sau cùng là Vũ Huy Ðĩnh trúng Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1751), làng Mộ Trạch chính thức có 36 tiến sĩ. Tất cả những người đỗ đại khoa dưới các triều đại đều cống hiến xuất sắc cho đất nước. Tiêu biểu là những nhân vật sau:
Vũ Nạp: Thi tam giáo đỗ Ất khoa năm Ðinh Mùi (1247). Ông làm quan trong triều Trần, dự cả ba lần đánh quân Nguyên. Trận đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba (1288) ông là phó tướng của Hoàng tôn Trần Quốc Bảo, trực tiếp tham gia trận hỏa công thủy chiến trên sông Bạch Ðằng. Trần Quốc Bảo bị tử trận, ông thay thế chỉ huy, bắt sống tướng giặc là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Vũ Nạp chính là cha đẻ của hai anh em Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi, hai nhà khoa bảng mở đầu bảng vàng của làng Mộ Trạch.
Lê Cảnh Tuân: Ðỗ Thái học sinh khoa Tân Dậu (1381) triều Trần Phế Ðế. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông viết một bức thư dài tới vạn từ (gọi là Vạn ngôn thư) đòi nhà Minh trả ngôi cho con cháu nhà Trần để nước Việt Nam độc Lập. Quân Minh bắt được Vạn Ngôn thư, ra lệnh truy lùng Lê Cảnh Tuân. Trên đường đi đến nhà tù, ông sáng tác nhiều bài thơ lời lẽ hùng tráng, ý chí sâu xa, tỏ nhiệt tình vì dân vì nước. Hiện còn 12 bài thơ của ông ghi trong Hoàng Việt thi lục, được dịch ra quốc ngữ trong tập Văn thơ Lý - Trần. Năm 1416 ông mất trong ngục, cùng với con trai cả.
Lê Thiếu Dĩnh và Lê Thúc Hiển là con thứ hai và thứ ba của tiến sĩ Lê Cảnh Tuân. Sau khi cha và anh bị bắt, hai anh em bị Hoàng Ngũ Phúc, quan nhà Minh nhận làm con nuôi, cho đi học, nhưng thực chất là giam lỏng ở thành Ðông Quan. Hai ông bề ngoài tỏ ra rất chăm học, thâm tâm nuôi chí lớn trả thù nhà, đền nợ nước. Sau này, Lê Lợi phong cho Lê Thúc Hiển chức Lạng Giang tuyên phủ sứ; Lê Thiếu Dĩnh được phong chức Thẩm hình viện sự, cầm đầu đoàn sứ đi trả tù binh và cầu vua Minh phong vương cho Lê Lợi. Việc sứ xong Lê Thiếu Dĩnh xuống ngục Kim Lăng tìm cha và anh, thì cha và anh đã chết cả, không tìm được mộ. Nhà chùa mách bảo trước khi cha chết đã cắt tay lấy máu viết lên tường bài thơ, ông cạo tường lấy bài thơ ấy, coi như máu thịt của cha anh, mang về chôn ở cánh đồng Ngựa Bình, làng Mộ Trạch.
Vũ Quỳnh: Ðỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1478), làm hình bộ Thượng thư, Quốc Tử Giám tu nghiệp. Năm 1510 vua Lê Tương Dực giao cho ông soạn bộ "Ðại Việt Sử ký". Năm 1512 bộ sách ông viết xong lấy tên là "Ðại Việt thông giám thông khảo" (Khảo về những gương sáng của nước Ðại Việt). Người đời sau đều cho Vũ Quỳnh là học giả lớn của triều Lê.
Vũ Hữu: Ðỗ Hoàng Giáp khoa Quý Mùi (1463). Thời vua Lê Thánh Tông, ở thành Thăng Long các cửa Ðoan Môn, Ðại Hưng, Ðông Hòa của kinh thành xây từ thời Lý bị sụt lở quá nhiều. Vua sai Vũ Hữu trù tính vật liệu và nhân công để tu sửa lại. Ông đo đạc, tính toán và trù mua vật liệu, đến khi thi công xong không thừa, không thiếu một viên gạch. Mọi người phục tài, vua phong ông là Trạng toán và thưởng cho 100 mẫu ruộng. Sau đó ông hệ thống hóa những thành tựu về số học và hình học đương thời viết thành quyển "Lập thành toán pháp". Mới đây ở Hà Nội đã có một đường phố được mang tên Vũ Hữu.
Vũ Duy Ðoán: Ðỗ Ðồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1664). Ông được chúa Trịnh tin dùng mà không nịnh hót, không lợi dụng lòng tin của chúa để mưu lợi riêng, ngược lại ông còn thẳng thắn can ngăn chúa trong nhiều việc.
Vũ Huy Tấn: Ðỗ Phó bảng khoa Ất Mùi (1775) là con cả của Tiến sĩ Vũ Huy Ðĩnh. Vũ Huy Tấn được vua Quang Trung cử trong đoàn đi sứ nhà Thanh. Ðoàn sứ ta đến nơi, nhà Thanh đưa ra sổ ghi lễ vật có hai chữ "di quan". Ðoàn sứ ta không nhận sổ này. Vũ Huy Tấn làm bốn câu thơ khẳng định đây là đoàn sứ thần của nước Việt Nam chứ không phải man di. Nhà Thanh phải bỏ hai chữ "di quan" đi, đoàn sứ ta mới nhận sổ. Người trong nước gọi bài thơ ấy là bài thơ lấy lại quốc thể cho Tổ quốc ta.
Hiện nay làng Mộ Trạch còn nhiều nhà thờ họ, trong đó có nhà thờ Thế Khoa Ðường (chữ do vua tặng), thờ ba người họ Vũ đều là con trưởng đã nối nhau đỗ tiến sĩ (cụ Vũ Bạt Tụy, con cụ là Vũ Duy Ðoán, cháu cụ là Vũ Duy Khuông). Làng Mộ Trạch còn có những người tuy không đỗ Tiến sĩ nhưng làm quan to, lập nhiều công lớn như Tể tướng Quốc lão Vũ Duy Chí, làm quan thời vua Lê Thần Tôn và chúa Trịnh Tạc. Làng Mộ Trạch còn có năm người được nhận danh hiệu Trạng. Trong đó ba người được vua phong, đó là trạng cờ Vũ Huyến, trạng vật Vũ Phong, trạng toán Vũ Hữu, và hai người được nhân dân suy tôn là trạng: trạng chữ Lê Nại (ông chính là Trạng nguyên Lê Nại) và trạng chạy Vũ Cương Trực.
Ðặc biệt có bà Nhữ Thị Nhuận là con gái tiến sĩ Nhữ Ðình Hiền, tuy không sinh ra ở làng Mộ Trạch, nhưng là con dâu làng Mộ Trạch. Bà được phong là Lưỡng quốc quế hộ phu nhân (Quận quế của hai nước Việt Nam và Trung Hoa). Chuyện kể rằng bà là phu nhân của ông Vũ Phương Ðẩu, được chúa Trịnh giao cho vào Thanh Hóa mua quế để cống nhà Thanh. Vào đến nơi thấy dân trong vùng nghèo đói, rách rưới, bà đem tiền giúp dân làm vốn tăng gia sản xuất. Hết tiền mà vẫn chưa mua được quế, sợ chúa trị tội bà về quê dốc hết tiền của nhà mình và nhà chồng đem vào mua được quế tốt dâng chúa. Triều đình mang quế ấy sang cống nhà Thanh. Ngự y nhà Thanh dùng quế ấy chữa khỏi bệnh cho hoàng thân. Vua Thanh rất hài lòng, phong cho bà tước ấy. Ít năm sau dân Thanh Hóa đói quá nổi loạn, triều đình nhiều lần sai quan quân đến dẹp nhưng dân đều bỏ trốn lên rừng rồi đi cướp phá các vùng lân cận. Triều đình kêu gọi người tài đi dẹp loạn. Bà Nhữ Thị Nhuận xin đi. Bà xin triều đình cấp cho một lá cờ to thêu tên "Tướng quân Nhữ Thị Nhuận". Dân trông thấy lá cờ không bỏ chạy mà xô nhau ra đón bà. Bà cho phát lương thảo cho họ và khuyên các tù trưởng nên quy thuận triều đình để làm ăn yên ổn. Dân nghe theo vì biết bà là người thương họ thật lòng. Cả triều đình khen bà là người phụ nữ tài ba.
Ngày xưa làng Mộ Trạch nghèo, dân làng tần tảo cấy lúa, dệt vải và chăm lo đèn sách. Nhiều người làm quan nhưng nhà cũng không giàu. Họ dành hết tâm sức và trí tuệ lo việc dân việc nước. Những người không làm quan thì đa phần làm nghề dạy học, truyền bá kiến thức cho con em trong vùng. Hiện nay làng Mộ Trạch còn 22 tấm bia đá, trong đó nhiều bia có giá trị lịch sử như bia của nhà thờ Quang Chấn Ðường, nói về tể tướng quốc lão Vũ Duy Chí; bia nhà thờ Thế Khoa Ðường, nói về một nhà ba đời đỗ tiến sĩ; bia nhà thờ họ Lê, nói về Lê Cảnh Tuân; bia nhà thờ Thế Trạch Ðường, nói về Vũ Công Ðạo và Vũ Công Lượng ...
Ngày nay truyền thống hiếu học vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi gia đình ở làng Mộ Trạch. Theo cuốn "Tổ tiên con cháu" do Ban liên lạc Vũ - Võ tộc ấn hành thì "ở làng Mộ Trạch ít ra cũng có hơn một nửa số gia đình có người có bằng đại hoc". Nhiều gia đình tất cả các con đều vào đại học. Gia đình nhiều nhất là cả năm con vào đại học. Ngày 8 tháng Giêng năm 2002 làng Mộ Trạch tổ chức Lễ tôn vinh các tiến sĩ thời nay. Danh sách hôm ấy đọc tới 65 người. Trong các tư liệu của làng còn có bút tích của anh Vũ Khắc Thịnh, tiến sĩ vật lý nguyên tử ở Nhật Bản, tỏ bày lòng biết ơn quê hương đã tạo cho anh chí tiến thủ trong lĩnh vực học tập trên đất người. Và thư của chị Ðặng Vũ Phương Nghi ở Pháp có đoạn: Chính những lúc khó khăn nhất, xa quê hương đất nước, nhờ có lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu đạt được tấm bằng tiến sĩ văn học ở Pa-ri. Những cháu chắt cụ Vũ Hồn của làng Mộ Trạch xa quê hương như anh Thịnh, chị Phương Nghi và rất nhiều người khác, không chỉ bày tỏ tình cảm mà còn gửi tiền về xây dựng quê hương. Danh sách những tấm lòng hiếu nghĩa này được ghi trên một tấm bảng lớn treo trong nhà khách tại đền thờ cụ Vũ Hồn. Tiến sĩ kinh tế Võ Văn Hồng, là Tổng Giám đốc Công ty Bến Thành ở Mát-xcơ-va, đã lập kế hoạch đầu tư xây dựng đền thờ thủy tổ, với dự toán ban đầu là hơn một tỷ đồng.
Làng Mộ Trạch hiện nay có gần 700 hộ với xấp xỉ 3.000 khẩu. Dân làng vẫn sống chính bằng nghề nông nghiệp, bình quân 2,6 sào trên đầu người. So với nhiều nơi khác trong tỉnh Hải Dương thì đây là nơi có nhiều ruộng đất. Trong làng có nhiều nhà xây lợp ngói và nhà xây hai tầng. Tuy không nghèo, nhưng cũng chưa thể coi là làng giàu vì đa số chỉ ở mức đủ ăn. Nhưng truyền thống hiếu học thì vẫn được phát huy. Ðể động viên con cháu cố gắng học hành, làng đã có Ban khuyến học do đồng chí Bí thư Ðảng ủy trực tiếp làm trưởng ban. Hằng năm các cháu đạt học sinh giỏi từ cấp trường trở lên đều được động viên, khen và thưởng kịp thời. Quỹ khuyến học của làng được xây dựng trên cơ sở tự nguyện của bà con. Ông Vũ Thiên Hựu, người sinh ra và lớn lên ở làng Mộ Trạch hiện nay là giám đốc Công ty bánh đậu xanh Quê Hương, một doanh nghiệp tầm cỡ của tỉnh Hải Dương đã ủng hộ quỹ khuyến học của làng 40 triệu đồng. Thành tích trong học tập của con em được phát trên loa truyền thanh của làng, và được ghi vào văn tế Thành Hoàng làng, đọc trong ngày hội làng 8 tháng Giêng âm lịch (ngày sinh của cụ Vũ Hồn). Ðây cũng là một nét văn hóa đặc biệt của làng Mộ Trạch. Theo phong tục của người Việt Nam thì chỉ giỗ ông bà, tổ tiên vào ngày mất, nhưng làng Mộ Trạch lại cúng giỗ cụ Vũ Hồn, thủy tổ của làng vào ngày sinh. Từ nhiều năm nay cứ đến ngày 8 tháng Giêng, con cháu họ Vũ và họ Võ ở khắp mọi miền đất nước tự tìm về Mộ Trạch. Trong số đó rất nhiều người thành đạt, nổi tiếng. Trong ngày hội làng mồng 8 tháng Giêng năm Kỷ Mão (1999) Giáo sư Vũ Khiêu đã viết bài Văn tế thủy tổ họ Vũ - Võ, có đoạn:
"Mong Tổ tiên từ cõi linh thiêng
Giúp con cháu trên đường tiến bộ
Tận hiếu trung vì nước, vì dân
Tròn đạo nghĩa với đời, với họ
Vâng theo lời Bác: Nhân nghĩa trí dũng liêm
Ðem lại toàn dân: Khang ninh phúc lộc thọ
Xã hội văn minh
Quốc dân cường phú
Cờ Việt Nam tỏa sáng năm châu
Dòng họ Vũ danh thơm muôn thuở".
Làng Mộ Trạch không chỉ là niềm tự hào của vùng quê văn hiến Xứ Ðông mà còn là niềm tự hào của nước nhà.
Báo Nhân dân
Về thăm Mộ Trạch - Làng tiến sĩ xưa và nay
Trao bằng di tích Quốc gia miếu thờ Vũ Công Thần Tổ
Dấu ấn phong trào thể thao Mộ Trạch
Một làng hiếu học, sạch tệ nạn
Một làng có năm Trạng
Ấn tượng buổi tư vấn tuyển sinh dòng họ Vũ (Võ)
|