"...Mặc dù gần như mất cả hai bàn tay, nhưng với niềm đam mê kỹ thuật, cơ khí nên ông bàn với vợ mở quán sửa xe đạp ở chợ Chằm. Nhiều người thấy ông khéo tay, hiền lành, tốt bụng, làm nghề có uy tín nên các loại xe: Xe đạp, xe cải tiến, ba gác của bà con trong vùng đều qua tay ông sửa chữa. Nhờ nghề sửa chữa mà cuộc sống gia đình ông Quang dần bớt khó khăn…".
Thương binh hạng 1/4 Vũ Hồng Quang ở thôn Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đam mê với nghề cơ khí, luôn tiên phong phát triển mô hình kinh tế, là tấm gương sáng về gia đình hiếu học, nên được nhân dân trong vùng kính trọng gọi với cái tên trìu mến "ông thương binh đa tài".
Có duyên với nghề cơ khí
Một buổi sáng đầu tháng 6, chúng tôi về thăm vùng đất nổi tiếng khoa bảng được mệnh danh là "Làng Tiến sĩ" với 18 bia tiến sĩ trong số 82 tấm văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám hiện nay ghi tên 25 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) ghi đủ 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Theo chân ông Vũ Huy Căn, trưởng thôn Mộ Trạch, chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến thương binh nặng hạng 1/4 Vũ Hồng Quang. Trong căn nhà cấp 4 giản dị, ông Quang niềm nở:
- Xin mời trưởng thôn và các anh vào uống nước. Vợ tôi ra ngoài đồng, các cháu đi công tác nên không có ai ở nhà.
Nhìn thấy cánh tay trái không còn, tay phải cụt mất 4 ngón, tôi định lấy phích nước, ông nhanh nhảu:
- Các anh cứ ngồi yên, việc đó tôi làm được, ai lại để khách pha chè.
Tôi chăm chú nhìn ông thao tác rất nhanh nhẹn, cánh tay phải ôm phích nước, tay trái lấy chè trong hộp, súc ấm… rồi tự mình rót nước mời khách. Sau câu chuyện xã giao, biết chúng tôi là bộ đội nên ông Vũ Hồng Quang hồi tưởng lại mối nhân duyên với ngành quân giới và những năm tháng trong quân ngũ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, hiếu học nên ngay từ nhỏ cậu bé Quang đã nuôi chí học hành để sau này làm vẻ vang gia đình, dòng họ. 16 tuổi Vũ Hồng Quang, tình nguyện tham gia du kích, rồi đi thanh niên xung phong thuộc Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3). Năm 1958, chàng thanh niên khôi ngô, tuấn tú được cấp trên cử đi học Trường Trung cấp Cơ khí Hà Nội (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội).
Với tố chất thông minh, đam mê cơ khí, sau 2 năm học tập, Vũ Hồng Quang được điều về làm việc tại Nhà máy Cơ khí Mai Động, Hà Nội. Tháng 3-1964, do yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên nên ông được cử đi học tập tại Trường 557 thuộc Cục Quân giới, chuyên đào tạo cán bộ, thợ kỹ thuật ngành Quân giới cung cấp cho chiến trường B. Sau khi ra trường, Vũ Hồng Quang được điều động về nhận công tác tại Xưởng Quân giới thuộc Tỉnh đội Đắc Lắc. Lúc này như “cá gặp nước”, với niềm đam mê cơ khí, kiến thức học được ở trường, Vũ Hồng Quang ngày đêm miệt mài, say mê nghiên cứu, áp dụng một cách triệt để vào trong thực tế.
Người thương binh đa tài
Nhớ lại kỷ niệm ở Xưởng Quân giới những năm trong chiến tranh, giọng ông Quang sôi nổi, vui vẻ như hồi còn trai trẻ:
- Mỗi lần nghe tin bộ đội bị thương vong do đạn, bom, mìn… của giặc Mỹ sát hại, tôi như thấy mất một phần cơ thể của mình và có lỗi với đồng đội, nhân dân nên ngày đêm miệt mài thử nghiệm để tìm ra nhiều biện pháp đơn giản nhất để khống chế chúng.
Thời kỳ đó ở Xưởng Quân giới, vật tư, máy móc để sửa chữa, chế tạo các loại dụng cụ khống chế, phá vũ khí của địch rất hiếm. Không có máy tiện, Vũ Hồng Quang nghĩ cách cải tiến máy khâu thành máy tiện, đạp chân để tiện cổ lựu đạn; cắt ống nứa bằng chiều cao quả lựu đạn, nhồi thuốc, kíp nổ giống lựu đạn thật và sử dụng rất hiệu quả…
Trên chiến trường thời điểm đó có rất nhiều loại bom, mìn, lựu đạn mới (của Anh, Pháp, Mỹ…) có bước ren khác nhau. Trong khi cán bộ ngành quân giới chưa kịp tập huấn cho bộ đội, nhân dân cách nhận biết, khắc phục. Trước yêu cầu của cấp trên, đơn vị phải tìm cách khống chế nhanh nhất, nên Vũ Hồng Quang đã xung phong đi cùng bộ đội đặc công, trực tiếp tháo gỡ bom đạn của địch để mang về nghiên cứu tính năng, tác dụng của từng loại...
|
Ông Vũ Hồng Quang, thương binh hạng 1/4 kể chuyện về những ngày tháng gian nan ở Xưởng Quân giới, Tỉnh đội Đắc Lắc. |
Nhiều đêm trong lán trại đơn sơ, mọi người thấy ông hý hoáy dùng mảnh sắt buộc vào đầu dây, kéo qua chỗ có bom để phá bom từ trường; đối với cây nhiệt đới thì lấy dây buộc các cành lại làm chúng mất tác dụng; bom la-de thì đốt lửa đánh lừa; mìn lá thì đối phó bằng cách đi theo những con đường mòn sẵn có, khi phát hiện thì gom cành cây vun lại thành đống để người sau phát hiện được… khi thành công ông mới hướng dẫn cán bộ, nhân viên, bộ đội và nhân dân cách thức khắc phục...
Công sức của Trưởng phòng kỹ thuật Vũ Hồng Quang cũng được đền đáp xứng đáng sau nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm, sáng chế, cải tiến các phương tiện chống phá bom từ trường, bộc phá, phóng lựu, rà phá thủy lôi của địch… góp phần giảm bớt thương vong cho bộ đội, nhân dân ta, bảo đảm an toàn các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ. Các sáng kiến, sáng chế của ông đã được Cục Quân giới đánh giá cao và đưa vào ứng dụng trong các đơn vị. Trong lúc tiếp chuyện chúng tôi, đôi lúc thấy nét mặt ông Quang tái nhợt đi, giọng yếu ớt, tay run run; sợ chúng tôi lo lắng về sức khỏe của mình, giọng nói rất hài hước:
- Các chú yên tâm, tôi không sao đâu vì tôi biết bệnh của mình! 6 lần bị thương: Lần đầu tiên, tháng 5-1965 bị sức ép của bom B52, đầu đập vào đá, mất luôn cả hàm răng trên. Ngoài ra, trận nhẹ thì mất 4 ngón bàn tay trái vào tháng 6-1968; trận nặng nhất là bị cụt hết cánh tay phải vào tháng 9-1969… Tôi tưởng mình hy sinh ngoài mặt trận, nhưng tử thần không bắt được nên vẫn sống đến ngày hôm nay...
Thương tật đầy mình, không thể ở lại Xưởng Quân giới Tỉnh đội Đắc Lắc nên tháng 9-1970 thương binh Vũ Hồng Quang được đưa ra ngoài bắc điều dưỡng tại Đoàn Thương binh 253 (Quân khu Tả ngạn). Nhớ về những ngày đầu về an dưỡng ở Đoàn Thương binh 253, giọng ông Quân trầm hẳn xuống:
- Cầm tờ kết quả giám định thương tật, tôi không tin vào mắt mình - mất 81% sức lao động, thương binh hạng 1/4. Điều quan tâm, băn khoăn lớn nhất đối với tôi là gia đình, con cái, công việc sau này làm gì. Nhiều đêm tôi trăn trở thao thức, không tài nào ngủ được, 30 tuổi nhưng tương lai phía trước mờ mịt quá. Khi đó tôi thực sự lo lắng, thậm chí bi quan cho tiền đồ của mình!
Làm kinh tế giỏi, dạy các con nên người
Sau gần một năm điều trị an dưỡng tại Đoàn Thương binh 253 sức khỏe ổn định. Tháng 7-1971, thương binh nặng Vũ Hồng Quang xin tổ chức được về điều trị, an dưỡng tại gia đình. Bảy năm đi biền biệt chiến trường B, không tin tức về gia đình, nhiều người nghĩ ông Quang đã hy sinh ngoài mặt trận…
Về quê, vết thương chưa lành nên hành hạ Vũ Hồng Quang suốt một thời gian dài. Nhớ lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", không để vợ con buồn rầu; không cam chịu số phận, ông Quang đã tìm kiếm việc làm để nuôi sống gia đình. Mặc dù gần như mất cả hai bàn tay nhưng với niềm đam mê kỹ thuật, cơ khí nên ông bàn với vợ mở quán sửa xe đạp ở chợ Chằm. Nhiều người thấy ông khéo tay, hiền lành, tốt bụng, làm nghề có uy tín sửa chữa các loại xe cơ giới: Xe đạp, xe cải tiến, ba gác của bà con trong vùng đều qua tay ông, nhờ nghề sửa chữa mà cuộc sống gia đình ông Quang bớt khó khăn…
Ngoài công việc sửa chữa xe đạp, gia đình ông được hợp tác xã cho mượn đất để khai hoang cấy lúa, trồng ngô, khoai, sắn… nhiều hôm trời rét, nắng nóng, người dân trong làng Mộ Trạch thấy thương binh lặn lội ngoài đồng, đào đất, đắp bờ, ngăn nước nên thu nhập gia đình ngày một có của ăn, của để. Nhìn thấy gia đình ông Quang làm ăn khấm khá nên chính quyền địa phương động viên ông trả lại đất cho hợp tác xã để giao cho bà con xã viên.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), đất nước ta từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN. Vì không có vốn để mở rộng mô hình phát triển kinh tế, tháng 5-1987, thương binh Vũ Hồng Quang vận động 4 người cùng xã hùn vốn mua máy xay xát (thóc, gạo, ngô), nhiều người cho rằng ông “ấm đầu”. Máy xay xát “đa năng” của ông không bao giờ hết việc; đến mùa gặt lúa, ông nghiên cứu, chế tạo bánh xe và chuyển đổi từ máy xay xát sang máy tuốt lúa…
|
Cựu chiến binh Vũ Hồng Quang luôn đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế nông thôn. |
Chứng kiến gia đình ông Quang làm ăn phát đạt từ máy xay xát nên một số gia đình trong vùng đổ xô đi mua. Năm 1996, ông nhượng lại máy xay xát và tiếp tục "khai hoang" đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình làm kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng). Khâm phục trước tư duy làm kinh tế, ông Lương Văn Đàm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bình Giang tấm tắc khen ngợi người cựu chiến binh đa tài:
- Đồng chí Vũ Hồng Quang luôn tiên phong, đổi mới tư duy làm kinh tế. Mọi người trong vùng đều khâm phục, ngưỡng mộ trước hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã nỗ lực vượt lên số phận, giúp nhiều người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.
Xuất thân trong làng khoa bảng, nên cựu chiến binh Vũ Hồng Quang luôn quan tâm nuôi dạy các con ngay từ nhỏ có chí học hành để không khỏi hổ thẹn với dòng họ Vũ (Võ) có truyền thống hiếu học. Đáp lại nguyện vọng của ông, 5 người con đều thi đỗ đại học trở lên (trong đó có cô con gái thứ hai, Vũ Thị Đào bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Pháp, hiện đang công tác tại Hà Nội).
Tự hào về tấm gương điển hình thương binh nặng ở làng Mộ Trạch, ông Phạm Văn Thăng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bình Giang chia sẻ:
- Dù bị thương tật nặng, nhưng cựu chiến binh Vũ Hồng Quang đã nuôi dạy các con thành đạt. Đồng thời, ông còn là tấm gương sáng về gia đình hiếu học nên nhân dân trong vùng rất kính trọng và gọi với cái tên trìu mến: "Ông thương binh đa tài".
Bài và ảnh: Nguyễn Kiên Thái (QĐND)
|