Nhân dịp mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn trăm xuân, Tạp chí Quê hương Ngày nay đăng bài viết về một góc nhìn khác của con người người huyền thoại: Nhà báo Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi xin đề cập khía cạnh mới: Võ Nguyên Giáp là một nhà báo lớn gắn bó với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng với việc tổ chức các trận đánh với thành công vang dội địa cầu trong vai trò Đại tướng, thì khi là một nhà báo, Võ Nguyên Giáp cũng đã có công tập hợp, bồi dưỡng cho cách mạng một “binh chủng nhà báo” để sau này chiến đấu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc…
Nghề báo là một nghệ thuật đấy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị; yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì... (Võ Nguyên Giáp). Ảnh: Trần Hồng
Là nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người xây dựng và tổ chức lực lượng vũ trang từ buổi đầu chỉ với 34 chiến sỹ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ông cũng là người rèn luyện. giáo dục lực lượng ấy trở thành một quân đội có sức mạnh đánh thắng 2 đế quốc to nhất của thế kỷ XX.
Và cũng chính ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà báo lớn của Việt Nam ở thế kỷ XX và XXI, có công bồi dưỡng và tập hợp cả một thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp làm nhà báo với các bút danh: Vân Đình, Hải Thanh... Năm 1929, Võ Nguyên Giáp với bút danh Hải Thanh đã viết bài: “Vũ trụ và tân hoá” đăng trên báo “Tiếng Dân”, tờ báo lớn nhất xứ Trung Kỳ lúc đó do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm.
Nhân sự việc Giám đốc trường Quốc học Huế đuổi một số học sinh của trường do tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu (6/1925), Võ Nguyên Giáp viết ngay một bài báo bằng tiếng Pháp: "Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học" gửi đăng báo L’ Annau ở Sài Gòn. Lúc ấy, Luật sư Phan Văn Trường đang làm chủ bút tờ báo này đã phải thốt lên: "Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn ái Quốc bên Pari".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một triển lãm ảnh của người làm báo Vệt Nam. Ảnh: Trần Hồng
Hàng loạt bài viết của Võ Nguyên Giáp nhằm tố cáo sự bóc lột dã man của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong đông đảo người đọc thời bấy giờ. Ông được kết nạp vào Tân Việt Cách mạng đảng khi 18 tuổi. Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Chí Diểu tổ chức nhóm hạt nhân cộng sản trong Tổng bộ Đảng Tân Việt. Sau này khi ra Bắc tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long – Hà Nội, ông vẫn tích cực tham gia viết bài cho các báo: Tin tức, Thế giới, Hà thành, Thời báo, Đời nay, Ngày mới... và một số tờ báo tiếng Pháp. Cùng với Trần Huy Liệu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp đã xây dựng báo “Hồn Trẻ” – Ngày 6/6/1936 báo “Hồn Trẻ” ra số đầu tiên, công nhiên chống chính quyền Pháp… Tại Đại hội Báo giới Bắc kỳ lần thứ nhất họp ngày 24/4/1937, Nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch, Nhà báo Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.
Trong đời thường, Đại tướng có hai sở thích: Chụp ảnh và chơi đàn piano. Chiếc máy ảnh ông vẫn luôn mang theo trong nhiều lần đi chiến dịch hay trên mọi nẻo đường công tác. Với ông, mỗi bức ảnh là một niềm vui. Những năm đất nước đổi mới, những bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi. Ngày 10/9/2007, trên báo Vietnamnet xuất hiện bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề: “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà” gây chấn động dư luận, đặc biệt hơn lúc này tác giả đã vào tuổi 97.
Suốt quá trình 60 năm hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn với hoạt động báo chí, văn hoá. Nét nổi bật ở ông là người trực tiếp làm tất cả cá khâu, các công việc của một người làm báo. Từ lãnh đạo báo giới, viết bài, tổ chức toà soạn, đến cả phát hành báo chí… Ở góc độ nào Võ Nguyên Giáp cũng đều thành công xuất sắc. Có thể nói, ông là con người văn võ song toàn – một nhà quân sự lỗi lạc đồng thời là nhà văn hoá nổi tiếng. Ở Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc.
Đoàn của Tạp chí Quê hương Ngày nay do Tổng Biên tập Nguyễn Hạc Thuý dẫn đầu đến tư gia chúc mừng Đại tướng 100 tuổi. Ảnh: Trần Hồng
* Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, nhân dịp này ông tâm sự nghề nghiệp: “Nghề báo là một nghệ thuật đấy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị; yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì.
Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội.
Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hoà như những màu sắc của một tác phẩm hội hoạ, mới mang lại hứng thú cho người đọc.
Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc, tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ, vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng – đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới.
Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Trần Hồng - Ngô Danh
(Quê hương ngày nay)
|