Vũ Văn Mật, người xã Ba Đông, huyện Gia Phúc, nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là em của Vũ Văn Uyên. Hai anh em ông đều là người có tài trí và sức mạnh. Năm Quang Thuận thứ 9 (1518) đời Lê Chiêu Tông (1516-1522), Mạc Đăng Dung được thăng chức Vũ Xuyên hầu, ra trấn thủ trấn Hải Dương. Tại đây, ông thu thập hương binh, chỉnh đốn đội ngũ, quân số ngày càng lớn mạnh. Lúc này, chỉ có một mình Thiết Sơn bá Trần Chân nắm quyền bính trong Kinh sư, Đăng Dung sợ Trần Chân, bèn cưới con gái Chân cho con trai mình là Đăng Doanh, để làm vây cánh.
Chi họ Vũ thôn Ba Đông, Gia Lộc, Hải Dương
Vua Lê Chiêu Tông nghe lời gièm pha, giết Trần Chân. Đồ đệ Trần Chân là Nguyễn Kính, thuộc hàng tướng mạnh ở Sơn Tây, liền đem quân đánh vào Kinh đô, vua phải bỏ chạy sang Gia Lâm, rồi cho người triệu Mặc Đăng Dung. Ý của vua Lê Chiêu Tông muốn nhờ cậy binh lực của Đăng Dung để khôi phục lại Kinh sư. Nhưng Mạc Đăng Dung thấy triều đình rối loạn, bèn nảy ra mưu đồ khác. Năm 1519, vua Lê Chiêu Tông trở về Kinh đô Thăng Long, tiến phong Mạc Đăng Dung tước Minh Quận công, vẫn giữ chức Đề thống các doanh thủy quân và bộ binh. Quân lực của Mạc Đăng Dung ngày càng nhiều, công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng nể sợ. Từ đây, đại quyền trong triều, ngoài quận đều thuộc về tay Mạc Đăng Dung.
Trước tình trạng ấy, Vũ Văn Mật rời khỏi quê hương Hải Dương, bắt đầu dấy quân ở vùng suối Khổng, thuộc huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), rồi sau đó, kéo lên đóng ở động Ngọc Uyển, châu Thủy Vĩ, thu thập binh mã, kéo xuống châu Lục Yên và châu Thu Vật, trấn Tuyên Quang. Nhận thấy binh lực của họ Vũ khá lớn mạnh có lẽ nhằm kiềm chế thế lực của Mạc Đăng Dung sau này, vua Lê Chiêu Tông bèn trao cho Vũ Văn Mật chức Tổng binh ở Tuyên Quang (1).
Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất vua cuối cùng của nhà Lê sơ là Cung Vương Lê Cung Hoàng (Lê Xuân), rồi xưng là Hoàng đế. Trong sách Đại Việt thông sử, sử gia Lê Quý Đôn đứng trên lập trường chính thống nhận định về hành động trên đây của họ Mạc như sau: “Thời ấy, cha con Đăng Doanh do thoán nghịch cướp nước, cho nên hào kiệt phần nhiều không phục. Lê Ý tuy bị thất bại, nhưng rất nhiều thổ tù các nơi khởi binh, Nguyễn Kim đóng ở nước Ai Lao; Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chiếm cứ Thái Nguyên; Vũ Văn Uyên, [Vũ Văn Mật] chiếm cứ xứ Tuyên Quang, các tướng này đều nêu danh nghĩa phục quốc. Suốt một dải ven núi các xứ Thanh [Hóa], Nghệ [An], Tuyên [Quang], Hưng [Hóa], đều không theo lệnh họ Mạc” (2).
Mùa xuân năm Quý Tỵ (1533), vua Lê Trang Tông lên ngôi Hoàng đế ở sách Thúy Thuần, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa năm thứ nhất, phong tước cho các tướng, luyện tập binh mã để mưu đồ việc khôi phục. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cho biết thế lực quân sự của Vũ Văn Mật thời bấy giờ như sau: “Hồi đầu niên hiệu Nguyên Hòa (1533-1548), Văn Mật giữ trọn vẹn được cảnh thổ, ra sức chống cự nhà Mạc, tự đóng quân ở Đại Đồng, chia làm 11 doanh:
– Huyện Phú Yên: có doanh Phú Yên.
– Châu Thu Vật: có doanh Yên Thắng.
– Châu Lục Yên: có doanh Yên Bắc.
– Châu Vị Xuyên có các doanh: Bình Di, Bình Man, Trấn Uy, Yên Biên và Nam Dương.
– Châu Đại Man: có doanh Nghi.
– Châu Bảo Lạc: có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang.
Văn Mật dâng tờ biểu xin được tiện nghi phong chức cho các tướng…” (3).
Thực ra, trước đó, Vũ Văn Uyên đã chiếm cứ thành Nghị Lang, thuộc địa phận xã Lương Sơn, châu Lục Yên, trấn Tuyên Quang chống lại Vương triều Mạc. Sau khi Vũ Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật mới về chiếm cứ Đại Đồng, tự xưng là Gia Quốc công. Sau đấy, ông sai người vào Hành tại vua Lê ở Thanh Hóa, xin quy thuận. Vua Lê Trang Tông bèn phong cho Vũ Văn Mật làm Yên Tây vương, cho lưu thủ Đại Đồng và cho được nối đời quản trị vùng đất Tuyên Quang.
Cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thám sát kiến trúc thành nhà Bầu tại thôn Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.
Khi đã có tước vị và danh phận do vua Lê trao cho, Vũ Văn Mật lập tức mở rộng vùng cát cứ, ông bèn đưa quân chiếm lấy 3 phủ: Lâm Thao, Đoan Hùng và Đà Dương thuộc trấn Sơn Tây; các huyện Phổ Yên và Đồng Hỷ thuộc trấn Thái Nguyên và châu Mai thuộc Hưng Hóa. Bấy giờ thế lực của Vũ Văn Mật ở Đại Đồng rất mạnh. Sử gia Lê Quý Đôn cho biết vẻ phồn thịnh của vùng đất do họ Vũ trấn giữ như sau: “Lúc ấy, Gia Quốc công là Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang, vẫn theo chính sóc niên hiệu Nguyên Hòa (của vua Lê Trang Tông – TG), lỵ sở Tuyên Quang ở Đại Đồng, châu Thu Vật; nhân dân tụ họp đông đúc, buôn bán thịnh vượng, là đô hội lớn của phiên trấn về mặt tây” (4).
Từ khi được vua Lê phong làm Yên Tây vương, cho đến khi qua đời, Vũ Văn Mật đã nhiều lần có công phối hợp với quân của Nam triều (tức triều đình Lê – Trịnh ở Thanh Hóa trở vào) đánh phá Bắc triều (tức triều Mạc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ).
Tháng 4 năm Tân Hợi (1551), nhân Thái tể triều Mạc là Lê Bá Ly đem 1 vạn 4 nghìn quân vào hàng Lê – Trịnh, vua Lê liền cử Trịnh Kiểm đốc suất các tướng đem quân đánh Mạc Phúc Nguyên: sai Lê Bá Ly ra Sơn Nam, Nguyễn Khải Khang ra Sơn Tây, Vũ Văn Mật từ Tuyên Quang kéo xuống cùng hội quân tại Kinh đô Thăng Long. Tháng 5 năm ấy, Trịnh Kiểm, từ Hưng Hóa, qua sông Thao (tức sông Hồng từ đầu nguồn đến Việt Trì) đến An Lạc, hội quân với Vũ Văn Mật đóng tại Hy Sơn, rồi đánh quân Mạc Kính Điển, bèn kéo thẳng tới Xuân Canh, Lâm Hạ. Thế quân Lê – Trịnh rất mạnh, Mạc Phúc Nguyên sợ hãi phải bỏ Kinh đô chạy về Kim Thành (Hải Phòng ngày nay). Quân Lê – Trịnh chiếm Thăng Long, Thái sư Trịnh Kiểm mở đại yến khao thưởng các tướng sĩ. Nhưng sau đó, thấy quân đội nhà Mạc còn khá mạnh, vả lại nhân tâm cũng chưa hướng về mình, Trịnh Kiểm chủ động rút quân về Thanh Hóa để “giữ vững nơi căn bản đã”.
Tháng 10 năm Kỷ Mùi (1559), Trịnh Kiểm thống suất 6 vạn quân tiến ra Bắc đánh nhà Mạc, để hư trương thanh thế, nên nói phao lên là 12 vạn quân, theo đường Thiên Quan tiến ra Sơn Tây. Khi đến Tuyên Quang, thì Vũ Văn Mật ra đón Trịnh Kiểm, nhân đó bàn kế tiến quân. Trịnh Kiểm vẫn cử Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang như cũ. Sử cũ không thấy chép Vũ Văn Mật qua đời vào năm nào, nhưng sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cho biết vào mùa đông năm Quý Dậu (1573), Tiết chế Trịnh Tùng sai Nhân Quốc công Vũ Công Kỷ, là con trai Gia Quốc công Vũ Văn Mật về trấn thủ Đại Đồng xứ Tuyên Quang, để vững phên giậu phía Tây, đề phòng quân của Mạc Mậu Hợp (5).
Theo Lê Quý Đôn thì sau khi Vũ Công Kỷ kế tiếp trấn thủ Đại Đồng truyền đến cháu là Hòa Quận công Vũ Công Ứng. Trong lúc triều đình Lê – Trịnh khôi phục được Kinh đô Thăng Long (1592), Vũ Công Ứng vào chầu trước tiên. Sau đấy, Vũ Công Ứng dời lên đóng ở thành Nghị Lang, doanh Yên Bắc, châu Lục Yên. Chắt Vũ Văn Mật là Tông Quận công Vũ Công Đắc, năm 1669, về kinh sư triều yết, bị thủ hạ thuộc đảng của Ma Phúc Tường giết chết ở dọc đường. Triều đình Lê – Trịnh bèn phong cho con Vũ Công Đắc là Vũ Công Tuấn tước Khoan Quận công, và giữ ở lại kinh sư, rồi sai viên quan ở kinh thành đi trấn thủ Tuyên Quang. Vũ Công Tuấn sau vì phản nghịch nên bị triều đình Lê – Trịnh giết chết. Từ đấy họ Vũ phải tuyệt diệt. Tính từ Vũ Văn Mật đến Vũ Công Đắc gần 4 đời, cộng 150 năm (6).
Trong thời gian chiếm cứ đất Tuyên Quang, từ đầu thập niên 20 đến khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ XVI, Gia Quốc công Vũ Văn Mật và con cháu ông cho xây dựng khá nhiều thành lũy ở vùng đất này, mà sau này người ta gọi đó là “Thành Bầu” hay “Thành nhà Bầu”. Vấn đề đặt ra là thành do họ Vũ (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) cho xây đắp, sao lại gọi là “Thành nhà Bầu”?
Điều này sách Đại Nam nhất thống chí của sử thần triều Tự Đức (1848-1883) cho biết rõ: “Hai anh em (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật – TG) đều có trí và khỏe mạnh, lánh nhà Mạc lên ở xóm Khau Bầu, xã Đại Đồng, trấn Tuyên Quang. Địa phương này có một nhà giầu, Văn Mật đến nương dựa, người nhà giầu gả con gái cho. Mật bèn ở đấy tụ họp đồ đảng. Bấy giờ thổ tù châu Thu là người tham tàn, Mật lấy làm tức giận, đem đồ đảng giết đi, rồi tự xưng là Đô tướng… Lúc bắt đầu anh em Văn Mật từ đất Khau Bầu đến, nên người ta gọi là “Chúa Bầu”, những thành do Mật xây đắp đều dùng chữ “Bầu” để gọi tên” (7).
Trước đó, ở mục Cổ tích tỉnh Tuyên Quang của sách này, các tác giả ghi chép về 5 tòa thành đều được gọi tên là “Thành Bầu”, là: 1. Thành cổ Nghị Lang: ở địa phận xã Lương Sơn, châu Lục Yên; 2. Thành cổ Cát Tường: ở địa phận xã Khánh Vân, châu Lục Yên; 3. Thành cổ Bắc Pha: ở địa phận xã Đà Dương, châu Lục Yên; 4.Thành cổ Bình Ca: ở địa phận xã Bình Ca, huyện Hàm Yên; 5. Thành cổ Việt Tĩnh: ở địa phận xã Diên Gia, châu Thu Vật…” (8). Ở mục Cổ tích tỉnh Hưng Hóa, các tác giả cũng cho biết có: “1. Lũy cổ Ngọc Uyển: ở địa phận châu Thủy Vĩ. Tương truyền ba cha con Gia Quốc công Vũ Văn Mật đắp lũy ở xứ Trung Đô xã Ngọc Uyển để chống nhau với nhà Mạc hơn 20 năm…; 2. Thành cổ Giới Phiên, tục gọi “Thành nhà Bầu”: ở địa phận xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên, cũng do Vũ Văn Mật đắp…” (9). Ngoài ra, tại tỉnh Sơn Tây cũng có “Thành cổ Tong Ma”: tục gọi “Thành Bầu”, ở địa phận xã Phú Thọ, huyện Sơn Vi, nền cũ vẫn còn. Tương truyền đầu đời Lê Trung hưng, Trấn thủ Tuyên Quang là Vũ Văn Mật đắp thành này” (10).
Nhân đây, chúng tôi xin đính chính một nhầm lẫn nhỏ của vài tác giả gần đây viết về lịch sử tỉnh Tuyên Quang nói chung, và Thành phố Tuyên Quang nói riêng, thường gọi các “Thành Bầu”, hay “Thành nhà Bầu” ở vùng đất này là “Thành nhà Mạc” là không chính xác. Vì một lẽ đơn giản là: kể từ thời Vương triều Mạc (1527-1592) đến khi con cháu nhà Mạc chạy lên chiếm cứ Cao Bằng, tồn tại từ năm 1593 tới năm 1677, chưa từng xây dựng một tòa thành nào trên đất Tuyên Quang này.
Kể từ Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật chiếm cứ đất Đại Đồng, Tuyên Quang vào những năm 1520-1522, đến khi cháu 5 đời của họ là Khoan Quận công Vũ Công Tuấn bị giữ lại ở Kinh đô Thăng Long, vào đầu những năm 70 của thế kỷ XVI, là tròn 150 năm, họ Vũ nối đời cai trị vùng đất này, thì nhà Mạc ở Thăng Long, hay con cháu nhà Mạc ở Cao Bằng làm sao có thể đến đây để xây “Thành nhà Mạc” được?
Trong thành phố Tuyên Quang ngày nay, ngoài dấu tích của “Thành nhà Bầu” kể trên, còn lại di tích một tòa thành khác, đó là thành do triều Nguyễn xây dựng. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết sau khi thành lập tỉnh Tuyên Quang vào tháng 10 năm Tân Mão (1831), triều Nguyễn cho xây dựng “Thành tỉnh Tuyên Quang: chu vi 274 trượng (khoảng 1.096 m), cao 7 thước 2 tấc (khoảng 2,8 m), hào rộng 4 trượng (11) (16 m), sâu 5 thước (2 m), mở 3 cửa. Trong thành có một quả núi bằng đất, có hành cung (12), dựng ở địa phận Ỷ La, huyện Hàm Yên. Trấn sở (trị sở trấn Tuyên Quang – TG) đời Lê cũng đóng ở đây, bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) xây bằng đá ong” (13).
Khi nhà Mạc còn tại vị ở Kinh đô (1527-1592), thì Tuyên Quang cùng với Hưng Hóa là đất hội quân của Nam triều, mỗi khi họ đem binh lực vòng theo đường Thiên Quan, Sơn Tây, để đánh vào sườn phía Tây Bắc của Bắc triều. Còn khi nhà Mạc đã bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long, lên ẩn thân tại Cao Bằng, thì Tuyên Quang lại là “phên giậu” che chắn cho “Trung châu”, và là “bàn đạp” để quân đội Lê – Trịnh khi có đủ điều kiện tấn công lực lượng họ Mạc. “Thành nhà Bầu” do Vũ Văn Mật xây dựng đã góp phần không nhỏ để họ Vũ và triều đình Lê – Trịnh đạt được những mục tiêu chiến lược vừa nói trên.
Nguyễn Minh Tường (Tạp chí Xưa và nay)
Chú thích
- Lê Quý Đôn toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, H. 1977, tập II – Kiến văn tiểu lục.
- Lê Quý Đôn toàn tập. Sđd, tập III – Đại Việt thông sử, tr. 275.
- Lê Quý Đôn toàn tập. Sđd, tập II – Kiến văn tiểu lục, tr. 354.
- Lê Quý Đôn toàn tập. Sđd, tập II – Kiến văn tiểu lục, tr. 263.
- Lê Quý Đôn toàn tập. Sđd, tập III – Đại Việt thông sử, tr. 321.
- Như trên, tr. 355.
- Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tập IV, tr. 343.
- Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tập IV, tr. 335, 336.
- Như trên, tr. 308.
- Như trên, tr. 214.
[1]1. Trong nguyên văn sách Đại Nam nhất thống chí ghi có 4 thước (1,6 m), quá nhỏ, người lớn cũng có thể nhảy qua được. Ở trên chép: Tỉnh thành Hưng Hóa “hào rộng 2 trượng 2 thước (khoảng 10 m)”, vì vậy chúng tôi sửa lại như trên.
[1]2. Hành cung là cung dựng tạm để vua chúa ở trong thời gian đi kinh lý ra khỏi kinh sư.
[1]3. Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tập IV, tr. 326.
|