Là một thầy giáo nông dân không bằng cấp, nhưng hơn 10 năm qua thầy Vũ Mạnh Hưng, tại xã Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ - Hưng Yên) vẫn miệt mài với nghiệp trồng người, giúp hàng trăm học sinh nghèo đỗ vào các trường ĐH, CĐ có giá trên toàn quốc.
Là một thầy giáo nông dân không bằng cấp, nhưng hơn 10 năm qua thầy Vũ Mạnh Hưng, tại xã Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ - Hưng Yên) vẫn miệt mài với nghiệp trồng người, giúp hàng trăm học sinh nghèo đỗ vào các trường ĐH, CĐ có giá trên toàn quốc. Được Đảng bộ tỉnh Hưng Yên và Tiến sĩ Vũ Ngọc Kỳ khen ngợi là “Thầy giáo nông dân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được học trò khắp tỉnh và các tỉnh lân cận đến theo học.
Duyên nghề dạy học
Trên quãng đường hơn 30km trải dài từ thủ đô Hà Nội về xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, chúng tôi luôn mường tượng người thầy giáo mình sắp gặp có cái tên Vũ Mạnh Hưng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, thầy tự hào kể về cái duyên nghề trồng người của mình.
Sinh năm 1958, trong một gia đình có truyền thống dạy học, ông nội là thầy giáo Vũ Trọng Huân từng dạy học tại trường Chu Văn An ( Hà Nội), bố Vũ Mạnh Sáng là giảng viên của trường Y khoa Thái Bình nên ngay từ nhỏ ước mơ của Vũ Mạnh Hưng sau này tiếp tục nối nghiệp truyền thống gia đình đã được ấp ủ. Thế nhưng khi mới vừa học hết kỳ 1 lớp 10 (lớp 12 hiện nay), ông đã quyết định viết đơn xung phong lên đường ra trận bảo vệ Tổ quốc. Năm 1981, phục viên trở về quê, ông lại chọn ruộng đồng làm kế sinh nhai.
Cuộc sống khó khăn của những năm sau đó đã buộc ông phải làm nhiều nghề mưu sinh, như đi buôn ve chai, đẩy xe bò đến mò tôm bắt tép... Dù cuộc sống bấy giờ gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng tần tảo lao động kiếm tiền cho các con của mình đi học với mong muốn sẽ thay mình nối nghiệp ông cha. Nhưng ước muốn của người cha này gần như đã phải “ngậm trái đắng” khi nhận được kết quả học tập quá kém cỏi của cậu con trai cả Vũ Quý Đôn. “Ngày xưa, tôi là học sinh tiêu biểu của trường, những kiến thức đã được học nay xem lại tôi thấy có thể dạy được. Thế là ngày đi làm, tối về tôi lại mang sách ra tự học lại rồi kèm cặp dạy cho con”. Ông Hưng nhớ lại.
Thật bất ngờ, sau một tháng được bố kèm cặp, lực học của Đôn đã chuyển biến rõ rệt. Từ một học sinh thuộc vào hạng dốt nhất lớp, Đôn vươn lên trở thành học sinh giỏi, được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường, huyện. Năm lớp 12, cậu còn dành giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh, một thành tích mà lúc bấy giờ ở xã chưa có một ai đạt được. Năm 2007, Đôn thi đỗ vào khoa Tự động hóa, ĐH Bách Khoa Hà Nội với số điểm khá cao. Không chỉ dạy con mình, thấy các cháu con các gia đình trong họ, trong làng, các gia đình đồng đội học tập kém, ông cũng giúp đỡ kèm cặp thêm. Sức học của các em cũng không ngừng được cải thiện, tốt hơn trước.
Tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh ở các địa phương xung quanh cũng tìm đến nhờ ông dạy học ngày càng nhiều. Thương các em học sinh đều là con nhà nghèo nhưng lại rất ham học, nên ông đã quyết định gác mọi công việc, “quy hoạch” thêm hai gian nhà, mua gỗ về đóng bàn ghế, bảng để làm nghề trồng người như ước nguyện ông cha. Lớp học đầu tiên được ông mở ra năm 1999, với 10 học sinh đang học lớp 12. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm đó, cả 10 học sinh do ông kèm đều đỗ vào các trường danh tiếng. “Lúc đó, tôi đã mừng rơi cả nước mắt. Đó là niềm khích lệ rất lớn với một người thầy nông dân lại không có bằng cấp như tôi lúc bấy giờ” ông Hưng nói.
Tài, tâm người thầy
Hơn 10 năm gắn bó với nghiệp trồng người, dù không có bằng cấp nhưng thầy giáo nông dân nhân hậu Vũ Mạnh Hưng thực sự là một tấm gương sáng của ngành giáo dục, là điểm tựa trí tuệ để các em học sinh hướng tới mạch máu con chữ. Ông Hưng chia sẻ: “Trong cuộc sống, dù có thành đạt hay không đều phải có nhân cách sống, và người thầy phải là tấm gương, dạy học phải vì cái tâm. Ít nhiều người thầy cũng dạy cho các em cốt cách của người hiểu biết. Như vậy, "thầy phải ra thầy" thì mới đòi hỏi "trò ra trò..."
Nói về phương pháp dạy, ông Hưng chia sẻ, trong những buổi dạy, thầy trò luôn bình đẳng, tranh luận với nhau để đưa ra kết quả chính xác nhất. Thay vì dạy cho các em giải những bài toán, lý, hóa một cách khô cứng, ông còn đưa vào trong đó các vần thơ, câu văn để minh họa cho các bài tập, từ đó giúp học sinh dễ hiểu hơn. “Tuy nhiên, người thầy phải luôn hơn học sinh ở cái đầu, chính vì vậy tôi thường thức thâu đêm, nghiên cứu và giải những dạng đề cao hơn để sáng ngày truyền đạt cho các em, tất nhiên cách truyền đạt cũng phải phù hợp để các em dễ hiểu”. Ông Hưng nói thêm.
Em Vũ Thị Trang, quê ở Hải Dương cho biết: “Nghe mọi người khen thầy Hưng dạy cho nhiều học sinh nghèo đỗ Đại học, bố em đã liên hệ và cứ hôm nào nghỉ bố em lại đèo em đến nhà thầy nhờ thầy giảng dạy. Thời gian học ở đây, em thấy kiến thức em đã tiến bộ hơn và học rất dễ hiểu”. Được học trò yêu quý, phụ huynh học sinh tin tưởng gửi gắm con em, hàng ngày bất kể trời nắng hay mưa, thầy giáo nông dân cũng mở cựa đón học sinh tới học và dạy một cách tận tâm dù nhiều hay chỉ một em mà không bao giờ đòi hỏi tiền nong, công sức. Những lúc rảnh, ông lại thu mua các dụng cụ, thiết bị điện tử về nhà tự sửa chữa thành sản phẩm như quạt, đèn điện, máy móc dùng và cho các em học sinh áp dụng thực tế vào các môn học lý, hóa.
Kể từ khi làm nghề dạy học đến nay, biết bao thế hệ học trò không chỉ trong tỉnh mà cả ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… cũng được bố mẹ chở đến nhờ thầy dạy học và tất cả đều đạt thành tích cao và trưởng thành. Nhắc đến những cái tên như Bùi Lan Anh (thủ khoa trường Đại học Hà Nội), Nguyễn Văn Thành (Đại học An Ninh), Nguyễn Văn Khương (Đại học Bách Khoa)...đặc biệt là cậu con trai Vũ Quý Đôn (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ông chỉ tâm niệm một điều: “Chỉ cần các em có được thật nhiều tri thức, thành công là tôi vui rồi”.
Trước lúc chia tay thầy giáo nông dân ra về, ông còn thủ thỉ với tôi: “Tôi đã bước qua cái tuổi xế chiều, nhưng sống ngày nào tôi còn cố gắng hết mình dạy kiến thức cho các em học sinh. Chỉ mong các em hãy chú tâm vào việc học, không sa vào các tệ nạn xã hội và được thành đạt”.
Mạnh Hùng (Dạy và học ngày nay)
|