Làng quê Việt Nam từ ngàn xưa đã trở thành một nét đẹp văn hoá đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Ngày nay dù đi bất cứ nơi đâu trên mọi nẻo đường của Tổ quốc bạn cũng dễ dàng tìm thấy những không gian làng bản rất truyền thống của dân tộc Việt. Trong hàng ngàn ngôi làng ấy có một làng quê mà chắc chắn lịch sử và truyền thống của nó sẽ là điểm hấp dẫn với những nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Cách Hà Nội không xa chừng 50 km trên quốc lộ 5 đường Hà Nội- Hải Phòng, tới ngã ba Quán Gỏi đi khoảng 10 km nữa bạn sẽ tới một ngôi làng duy nhất trong cả nước được Dực Tôn Anh Hoàng đế (vua Tự Đức) vốn thông minh hay chữ phải nhả lời vàng ban tặng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ). Không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức lại đưa ra lời tâm đắc thế, bởi đây là nơi cung cấp nhiều nhân tài bậc nhất quốc gia trong các triều đại phong kiến cũng như với hôm nay. Đó là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Những điều kỳ lạ của miền quê thuần nông này đã từng là đề tài nghiên cứu, tìm hiểu của bao nhà văn hoá lớn.
Dòng tộc họ Vũ (Võ) của Việt Nam ta hình thành như thế nào? Ngược dòng thời gian tìm về với lịch sử của ngôi làng thật cũng có nhiều điều kỳ lạ lắm thay!
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 9 có một vị quan Trung Quốc đời Đường là Vũ Công Huy chán ghét cảnh quan trường rối ren nên đã từ quan và đi chu du khắp nơi. Khi đến vùng nước Nam ta thấy mảnh đất đẹp (Chí Linh-Hải Dương) ông đã sang táng thân phụ tại đây và lấy một người con gái đẹp xứ Giao Châu.Không bao lâu sau bà đến kỳ sinh nở, đêm ấy trên trời bỗng xuất hiện một áng mây vàng, tròn như cái tán bay lơ lửng che xuống sân nhà và sáng rực cả một khu đất rộng. Bà sinh ra một bé trai khuôn mặt đầy đặn, dáng người tầm thước, diện mạo như Nghiêu Thuấn vào đêm ngày mồng 8 tháng giêng năm Giáp Thân (804). Cả nhà vui mừng đặt tên cho là Vũ Hồn nghĩa là hồn nhiên, ôn hoà, và thông minh. Vũ Hồn lên 7 tuổi thì đọc kinh truyện sử sách, 12 tuổi tư chất thông minh, lại giỏi làm thơ Đường như Lý Thái Bạch và Đỗ Phủ. Năm 16 tuổi ông đi thi đình đỗ đại khoa và được vua Đường khen ngợi là người có tài bậc nhất trong thiên hạ, và phong cho là Lễ bộ tả thị lang (đứng đầu các quan văn). Năm 841 được phong chức An Nam đô hộ sứ. Sau khi viếng mộ ông nội, ông đi tiếp đến vùng Lập Trạch thấy khoảng đất đẹp có đủ mã, chiêng, trống như trong câu thơ của người xưa:“Muốn cho con cháu làm quan-Thì tìm thiên mã phương nam đứng chầu. Muốn cho kế thế công hầu-Thì tìm chiêng trống bầy chầu hai bên”. Đắc ý, đắc cảnh Người đã cắm đất mộ dân, lập ấp tại đây và đặt tên là Khả Mộ (nghĩa là đáng quý, đáng yêu). Ông từ quan, đưa mẹ già về cố hương phụng dưỡng. Tại đây người làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Người sống đức độ, nhân hậu nên được nhân dân trong vùng yêu mến. Người làng Mộ Trạch ngày một thêm đông vui, học hành phát triển thành một làng có truyền thống hiếu học, tuân theo lễ nghĩa.
Người không bệnh mà mất năm Quý Dậu (853). Dân làng chọn một gò đất cao phía bắc làng làm nơi an táng. Khi hạ huyết mây đen ùn ùn kéo đến, trời tối sầm lại, mưa tạnh mây tan, ánh nắng mặt trời lại chiếu sáng, kiến và mối đã đội đất đắp cho ngôi mộ to. Vì có công lớn và linh thiêng nên vua phong là Thượng đẳng phúc thần, dân làng tôn lên làm Thành hoàng làng từ đó. Hằng năm cứ đến ngày mồng tám tháng giêng âm lịch dân làng lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ ngày sinh và công đức của đức Thành hoàng làng, thuỷ tổ họ Vũ. Con cháu ở khắp bốn phuơng trời lại hành hương về đây thắp nén nhang tưởng nhớ tiên tổ.
Công lao của cụ Vũ Hồn không chỉ là biến một vùng đầm lầy, lau sậy thành một làng phồn thịnh, no đủ mà quan trọng hơn hết nhà nho, nhà giáo Vũ Hồn đã dày công gieo trồng và vun đắp trí tuệ cho con cháu trong làng. Người đã biến một vùng thuần nông thành một làng khoa bảng đứng đầu cả nước. Đây là điểm lạ tiếp theo mà tôi muốn cùng bạn khám phá về miền quê văn hiến này.
Khởi đầu cho bảng vàng khoa cử ấy là Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi- hai con trai của tướng quân Vũ Nạp (một phó tướng của Hoàng tôn Trần Quốc Bảo, ba lần tham gia kháng chiến chống quân Nguyên- Mông. Người đã làm nên thắng lợi lớn trong trận Bạch Đằng giang, bắt sống hai tên giặc là Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ). Hai ông cùng đỗ thái học sinh dưới đời Trần và được trọng dụng do tài cao lại chính trực, liêm khiết. Kể từ đó truyền thống khoa bảng của quê hương được bồi đắp ngày một dày thêm qua các triều đại. Đáng nhớ nhất là khoa thi năm Bính Thân dưới triều vua Lê Thần Tôn (1656) có 300 thí sinh dự thi thì nhà vua chỉ lấy có 6 người. Vậy mà làng Mộ Trạch đã chiếm tới ba người và cả ba người này cùng rất trẻ chỉ từ 21 đến 23 tuổi đó là: Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long và Vũ Công Lương. Và rồi sau đó 3 năm, khoa thi năm Kỷ Hợi 4 trong số 6 tiến sĩ đều được vua trong dụng làm quan to trong triều đình là: Vũ Công Đạo, Vũ Bật Hài, Vũ Cầu Hối và Lê Công Triều đều là người làng Mộ Trạch. Khi thấy làng Mộ Trạch có nhiều người đỗ cao vua quan ai nấy đều ngờ vực. Lại bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Phong ngờ rằng làng Mộ Trạch có tư xảo thần thế gì đó nên mới có nhiều người đỗ cao như vậy. Đến kỳ thi hương năm Cảnh Trị thứ tư (1666) ông xin về Hải Dương làm chủ khảo khoa thi. Qua ba kỳ thi đều thấy học trò Mộ Trạch đỗ cao, đến kỳ thi thứ tư ông cho đào mỗi thí sinh một cái hố sâu, bên trên có che một tấm liếp đế cách biệt hoàn toàn các thí sinh với nhau. Đề thi được lấy từ những câu khó và hóc hiểm, bài làm của thí sinh không ghi tên mà chỉ được ghi ký hiệu. Nguyễn Văn Phong chỉ chọn ra có 6 bài còn thì đánh trượt. Ấy vậy mà khi yết bảng 3 vị đỗ đầu là Vũ Văn Hiên 18 tuổi thi lần đầu và đậu ngay giải nguyên, thứ hai là Vũ Bật Lại, thứ ba là Vũ Chấn đều là người làng Mộ Trạch. Ba người xếp sau ở các địa phương khác nhau. Từ đó người ta mới tin người Mộ Trạch thực có tài.
Có thể nói không ngoa rằng trải qua năm thế kỷ từ triều Lý, Trần qua triều Lê, Mạc đến triều vua Lê chúa Trịnh…bậc anh tài làng Mộ Trạch mà đa số là con cháu ruột thịt dòng họ Vũ từng ra vào giáp mặt nhau như cơm bữa trong triều đình. Chính vì thế mà dân gian ta truyền tụng lại rằng: “Mộ Trạch họp làng tại kinh đô”. Đặc biệt trong triều đại Trần, Lê với số dân chưa đầy 1000 nhưng Mộ Trạch đã cống hiến 36 tiến sĩ cho triều đình. Trong triều Lê- Trịnh, cụ Vũ Quốc Sĩ có năm người con trai thì cả năm cùng làm quan to trong triều đình. Vũ Duy Chí tuy không đỗ tiến sĩ nhưng đã giữ chức tể tướng dưới triều vua Lê tổng cộng 10 năm. Nếu tính cả cấp cử nhân, tú tài thì đây là làng có trình độ học vấn đứng vào loại bậc nhất nuớc ta thời đó. Ngày nay nếu bạn vào thăm nhà bia Quốc Tử Giám chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều tên tuổi từ quê hương Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương xưa. Và sự thật là trong tổng số 82 văn bia còn lại ở đây thì đã có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Có lẽ cũng chẳng cần phải nhìn vào chức danh, bảng nhãn của các bậc anh tài ấy mà chỉ cần xem hàng chục công trình và tác phẩm mà các vị để lại cũng đủ thấy một kho báu đồ sộ đáng trân trọng lắm rồi. Câu nói của vua Tự Đức xưa: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” hay như dân gian vẫn truyền tụng nhau: “An nam tứ trạng Mộ Trạch kiêm chi” thật nhiều ý nghĩa lắm. Bởi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của bao danh nhân nước Nam ta. Có thể kể ra đây những tên tuổi như tướng quân Vũ Nạp; trạng toán, nhà toán học đầu tiên Vũ Hữu, tác giả của tập “Đại thành toán pháp” nổi tiếng, người đã tính không thừa thiếu một viên gạch khi vua Lê Thánh Tôn hạ lệnh tu sửa hoàng thành Thăng Long. Trạng nguyên, nhà sử học Vũ Quỳnh- tác giả của tập “Đại Việt thông giám” (sau này tác giả Lê Văn Hưu đã dựa vào để viết cuốn Đại Việt sử ký toàn thư) và cuốn “Lĩnh nam trích quái”; Vũ Duy Khuông với cuốn “Đại Việt thi lục”, trạng cờ Vũ Huyến, quê hương của nhà ngoại đại tài Vũ Huy Tấn, Lê Cảnh Tuân, Lê Đỉnh…
Không phải ngẫu nhiên mà hai ngôi trường tiểu học và trung học của làng từ khi dựng nên đã được đặt ngay cạnh lăng mộ của đức Thủy tổ Vũ Hồn. Phải chăng chính sự linh thiêng của tiên tổ giúp cho những người con quê hương trở thành những bậc nhân tài trong mọi lĩnh vực hôm nay? Thật đáng tự hào khi trong phiên họp quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH, trong số 12 bộ trưởng được bầu thì đã có 4 vị thuộc dòng họ Vũ (Võ) giữ những chức vụ quan trọng như: Đ/C Võ Nguyên Giáp- Bộ trưởng bộ quốc phòng, Vũ Đình Hoè bộ trưởng bộ giáo dục, Vũ Đình Tụng -Bộ trương bộ y tế, Vũ Trọng Khánh- Bộ trưởng bộ Tư pháp. Đặc biệt là Đ/c Võ Chí Công –Nguyên chủ tịch nước CHXHCNVN đầu tiên …Trong lĩnh vực văn hoá, lịch sử hàng trăm tên tuổi nổi tiếng như :G/S Vũ Khiêu, nhà văn Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng ,Vũ Quần Phương… Trong lĩnh vực chính trị ngoại giao có bác:Vũ Mão, Vũ Dương Huân, Vũ Xuân Tửu…
Các thế hệ con cháu làng Mộ Trạch hôm nay, nhiều người có học vị cao trong nước và quốc tế như: Đỗ Khắc Thịnh đỗ tiến sĩ vật lý ở Nhật Bản, Đặng Vũ Phương Nghi đỗ tiến sĩ văn học ở Pháp, tiến sĩ hoá học Vũ Đàm ở Mỹ mới ở độ tuổi 30 nhưng đã có những công trình lừng lẫy khiến tổng thống Mỹ đích thân mời ông phụ trách việc thẩm định và cấp bằng sáng chế cho các công trình phát minh trong nước và quốc tế thuộc cục phát minh, sáng chế Mỹ…Hằng trăm cặp vợ chồng là giáo sư tiến sĩ trong nước, là giảng viên các trường đại học lớn, là bác sĩ trong các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, hàng ngàn sinh viên đang theo học tại những trường đại học lớn trong nước và quốc tế…
Để thay cho lời kết tôi xin được dẫn ra đây những câu thơ- cảm xúc chân thành của bác Vũ Mão trong một chuyến thăm quê:
“Chắt chiu năm tháng đầy vơi
Tiếng thơm đất học trùng khơi sóng cồn
Lưu danh Mộ Trạch dấu son
Hải Dương tông tổ mãi còn chốn quê”
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cứ vào dịp mồng tám tháng Giêng hàng năm con cháu họ Vũ (Võ) sống và làm việc khắp bốn phương trời về đây tưởng nhớ tiên tổ, thăm lại mảnh đất “Lò tiến sĩ” xưa, nay đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Vũ Nga (Học viện quan hệ quốc tế)
|