Theo lời ông Đỗ Minh Hoàng, một thầy giáo có thâm niên 36 năm trong nghề: Làng Linh Khê (xã Thanh Quanh, Nam Sách, Hải Dương) này đã có truyền thống hiếu học từ xa xưa. Năm 1342, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi khi nghỉ hưu đã về đây mở trường dạy học. Nơi đây có ngôi trường quốc học đầu tiên của phủ Nam Sách xưa - đó là Trạng nguyên Cổ Đường.
Trải qua bao năm thăng trầm, nhưng làng này bao giờ cũng có nhiều người đỗ đạt cao, đặc biệt là gần chục năm trở lại đây. Một số người duy tâm thì cho là nhờ đất của làng "phát". Chuyện tâm linh khó bàn, nhưng phải khẳng định các em thi đỗ cử đạt do bản thân cố gắng của các em và sự trợ giúp không biết mệt mỏi của gia đình.
Hy sinh tất cả cho sự học
Riêng khoản hy sinh nuôi con cái ăn học thì dân làng Linh Khê có thể phong anh hùng được. Đứng trước cửa nhà ông Vũ Văn Tự, nhìn cái nhà đơn sơ, người ta khó nghĩ từ đây đã có 3 người con đậu ĐH. Nhìn ông Tự mới 52 tuổi mà đã quá già. Trong nhà chỉ kê 3 chiếc giường để ngủ. Đồ đạc không có gì đáng giá vài trăm ngàn đồng. Ngày người con trai lớn của ông đỗ vào ĐH Tổng hợp Hà Nội, cả làng cứ bàn ra tán vào: Tôi mà như ông ấy thì cứ cho nó đi bộ đội, để nó đi học rồi đến lúc không nuôi nổi, dang dở thì khổ. Vợ chồng ông Tự vẫn bán 5 tạ thóc cho con lên Hà Nội nhập học.
Từ đó suốt ngày đêm mò mẫm ở khu nghĩa địa của thôn để trồng thêm rau cỏ và trông chiếc ao cá 7 sào. Ông còn kiếm thêm được việc mắc điện thuê cho những đám sang mồ. Tháng tháng vợ chồng ông nhặt nhạnh từng đồng gửi lên cho con.
Thấm thoát 4 năm, cậu con cả ra trường, cậu thứ hai lại thi đỗ ĐH, rồi cậu con út... Cho đến nay vợ chồng ông Tự đã có thâm niên mười mấy năm liên tục nuôi các con ăn học ĐH.
Nằm kề đó là nhà chị Lương Thị Liên, cũng có 3 người con học ĐH, CĐ. Chồng chị mất khi ba con của chị còn nhỏ, với đồng lương ít ỏi chị chạy vạy, làm thêm đủ mọi việc để xoay xở lấy tiền cho các con. Ngoài giờ lên lớp, chị trồng cấy, rồi cuốc ruộng, gặt lúa, rồi tự tay đập hết lúa gánh về. Đến nay cả 3 người con của chị cũng đã ra trường và có công ăn việc làm tốt.
Anh Nguyễn Văn Hiệp liền lúc nuôi hai cậu con trai học ĐH: Đứa lớn đậu ĐH Kinh tế Quốc dân, đứa bé đậu ĐH Giao thông Vận tải. Vợ thì đi chợ buôn gà, ngan, chồng thì đi cầy bừa thuê. Ấy vậy mà vợ chồng anh vẫn xoay mỗi tháng hơn 1 triệu bạc gửi cho 2 đứa.
Đến nay, thôn Linh Khê đã có 300 hộ gia đình với 1.075 nhân khẩu mà có tới 150 cử nhân các ngành, 7 thạc sĩ, hơn 80 giáo viên các cấp, hơn 50 sinh viên ĐH, 1 tiến sĩ tương lai đang làm luận án tại Nhật Bản. Kỳ thi tuyển sinh vừa qua đã có hơn 10 em đi thi thì có tới 8 em đỗ ĐH với số điểm cao vào các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Xây dựng, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền...
Hình như lòng hiếu học, đầu tư cho con cái theo đuổi cái chữ đã trở thành một lẽ sống ở một làng quê địa linh nhân kiệt này. Cả 6 dòng họ trong thôn đều thành lập quỹ khuyến học. Cá biệt, có 7 gia đình họ Vũ từ bốn phương đến đây lập nghiệp, không rõ có chung cụ tổ họ Vũ hay không, nhưng vẫn cùng nhau lập Chi hội Khuyến học của dòng họ Vũ Linh Khê. Chỉ còn hơn một triệu đồng tiền quỹ mà không gia đình nào "nỡ" nhận, vì nhà ai cũng quá khó khăn, cũng đều phải nuôi con ăn học. Trong cảnh đó đã có người phát khóc...
Mãi theo nghề cao quý
Chẳng biết có phải do "long mạch" hay không, nhưng từ xưa đến nay thôn Cao Duệ (hay còn gọi là làng Rồng), xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có quá đông người làm nhà giáo. Trong vùng từ lâu truyền nhau câu ví: "Giáo viên làng Rồng nhiều như cua đồng ngoài ruộng".
Bác Ngô Quang Cảnh, 72 tuổi, đảng viên 40 năm tuổi Đảng cho biết: Người làng Rồng luôn ý thức: Thời nào cũng chuộng người tài, muốn thành người tài thì cần phải học, họ còn cho rằng "Không có nghề gì cao quý bằng nghề dạy học". Vì thế từ thời phong kiến, không chỉ con nhà giầu mới được đi học, mà một số nhà nghèo nhưng chuộng chữ của làng Rồng cũng chắt chiu cho con đến với thầy. Ngay thời ấy, làng Rồng mới có khoảng trên dưới 200 người nhưng đã có gần chục ông thầy dạy học.
Anh Vũ Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội khuyến học của xã Nhật Tân cho biết: Hiện nay, làng Rồng có trên 3.300 nhân khẩu, thì có tới 150 thầy, cô giáo, 1 Giáo sư, 1 Tiến sĩ, 4 Phó Tiến sĩ, 5 Đại tá và trên 275 cử nhân các ngành đang công tác và học tập trên mọi miền đất nước. Tính ra bình quân cứ 20 người dân thì có một người làm nghề dạy học. Không kể hệ thống mẫu giáo, nhà trẻ. Các trường tiểu học và THCS hiện tại có trên 30 giáo viên thì đại đa số là người thôn Cao Duệ.
Làng Rồng nổi tiếng về "cha truyền, con nối" nghề dạy học. Trò chuyện với các thầy cô giáo trường tiểu học Nhật Tân, tôi thật bất ngờ khi thấy cô giáo Phạm Thị Chuyên - Hiệu trưởng, thầy giáo Nguyễn Đức Hưng - Hiệu phó nhà trường đều là người làng Rồng cả.
Thầy Hưng còn khoe: Nhà tôi cả nhà đều làm nghề dạy học, bố mẹ tôi đều có thâm niên trên 20 năm trong ngành, tôi và cô em gái cũng không chịu thua kém bố mẹ đâu. Ngoài ra, còn có hàng chục gia đình có từ 2 đến 4 đời làm nhà giáo như gia đình cụ Phạm Văn Phiệt, gia đình cụ Phạm Văn Hòe. Và các gia đình cả nhà làm nhà giáo cũng nhiều vô kể như gia đình ông Nguyễn Văn Trạch (8 giáo viên).
Chị Ngô Thị Hường (cô con dâu của dòng họ Nguyễn) đã nuôi 3 cô con gái ăn học trong khó khăn khiến ai cũng xúc động, khâm phục. Chồng chị Hường mất đột ngột trong một tai nạn đã để lại cho người vợ hiền 3 đứa con gái thơ dại: Đứa lớn 9 mới 9 tuổi, đứa bé vừa lên 2. Chị ngày đêm làm lụng vất vả, lúc nào cũng túng thiếu đầu cá vá đầu tôm nhưng vấn giật gấu vá vai dè sẻn từng đồng để nuôi con ăn học. Chi hy sinh và dồn khát vọng của mình vào các con.
Đến nay, cả ba con đều học xong ĐH-CĐ ra trường. Cả ba chị em đều chị em đều chon ngành sư phạm, và giờ đã thành nghề. Ông Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Nhật Tân nói: Năm 2004, làng Rồng có tới 18 cháu trúng tuyển ĐH, CĐ, 17 cháu đạt HS giỏi các cấp. Chúng tôi có thể chịu nghèo về mọi thứ, nhưng nhất định không chịu nghèo về trí tuệ. Mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ là một mùa hội của làng Rồng.
(Theo báo Xuân Tiền Phong)
|