Thượng thư Vũ Huy Tấn (1749 - 1800) người làng Tiến sỹ Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương còn có tên là Vũ Huy Liễn là con trưởng của Tiến sỹ, Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Huy Đĩnh. Cụ Tấn đỗ Phó bảng khoa thi Ất Mùi 1775 triều vua Lê Hiển Tông, song cụ lại làm quan chủ yếu giai đoạn triều Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn thay thế nhà Hậu Lê đã mời Tiến sỹ Vũ Huy Đĩnh một sỹ phu Bắc Hà ra làm quan, song cụ Đĩnh muốn giữ vẹn phận tôi trung với nhà Lê nên không nhận lời. Sau rất nhiều lần từ chối không được, cụ Đĩnh đành cử con trai cả là Vũ Huy Tấn thay mình ra làm quan triều Tây Sơn.
Cụ Tấn có tài ngoại giao nên được triều Tây Sơn cử đi sứ tới 7 lần, trong đó có lần cụ đi cùng cụ Phan Huy Ích. Không những có tài về ngoại giao, ứng đối mà văn thơ của cụ cũng rất hay nên vua Càn Long nhà Thanh rất nể trọng cụ. Đặc biệt, trong dịp đoàn sứ thần của ta sang dự lễ mừng thọ 80 tuổi vua Càn Long. Đoàn ta cho người đóng giả vua Quang Trung, còn cụ Tấn trong vai bề tôi coi việc giấy tờ. Ngoài lễ vật thông thường, đoàn còn mang theo 2 thớt voi nên dân nhà Thanh phục dịch rất khó nhọc. Đến nơi, nha lại nhà Thanh đưa đoàn ta vào nhà khách phía trên cổng có đề hai chữ “Di quan” nghĩa là quan của nước man di. Cụ Tấn thấy vậy liền viết bài thơ để phản ứng:
Di bản tòng “cung” hựu đới “qua”
Ngô bang văn hiến tựa Trung Hoa
Thần kim khâm sứ An Nam quốc
Thử tự thư lai bất diệc ngoa
Phỏng dịch:
Di vốn là cung hợp với qua
Nước ta văn hiến tựa Trung Hoa
Thần nay là sứ An Nam quốc
Viết bậy là di hóa chẳng ngoa
Sách Việt Nam giai thoại coi bài “Biện Di” nghĩa là biện bác về chữ Di là bài thơ mang lại quốc thể. Tài tình ở chỗ triết tự chữ Di để ngầm nói đừng coi chúng tôi là man di, mà di ở đây là cung và mác, là hai thứ vũ khí hợp lại đã đánh bại quân Thanh, chứ không phải nước yếu hèn. Quan lại nhà Thanh phải bỏ hai chữ Di quan đoàn ta mới chịu vào nhà khách.
Vua Càn Long và triều đình nhà Thanh đón tiếp sứ đoàn ta rất long trọng. Vua Càn Long chế sẵn áo mũ, quả vải, lạng sâm làm quà tặng đoàn sứ nước ta. Hôm tiễn đoàn về, vua Càn Long tự mình rót rượu vào chén ngà mời 2 vị quan nhà ta là Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn, đây là biệt lệ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc. Về nước, sau khi bái yết vua Quang Trung, cụ Vũ Huy Tấn đã đem mũ, áo và 3 chiếc chén ngọc vua Càn Long tặng dâng cúng Thành hoàng làng (Cụ Vũ Hồn).
Cụ Tấn hình dáng khôi ngô, mặt vuông, miệng rộng, uy nghi, tề chỉnh, tính cách phong lưu, hay đánh cờ, vui đàn sáo. Cụ học rộng, hay làm thơ. Ngoài bài “Biện Di” đã nêu ở trên, cụ còn có bài “Văn tế tướng sĩ phương Bắc chết trận Đống Đa” rất nổi tiếng.
Nói đến các văn thần, võ tướng phò tá vua Quang Trung, ai cũng được vua quý mến, trân trọng. Tuy nhiên, cụ Vũ Huy Tấn được vua Quang Trung đặc biệt quý mến và thân thiết. Cụ có bộ râu dài, đẹp mỗi khi đứng gần vua hay được nhà vua vuốt ve bộ râu của Cụ. Những lúc nhà vua cưỡi voi ra khỏi kinh thành, vua Quang Trung thường cho cụ cưỡi voi đi bên cạnh. Rất cảm kích, tự hào và vui sướng nên cụ đã làm bài thơ về biệt ân này:
Văn hay, lời thánh thường khen ngợi
Râu tốt, tay vua vẫn vuốt ve
Lại có chuyện này nên kể lại
Liễn voi, rạng vẻ lúc đi về
(Liễn là tên khác của cụ Tấn)
Do có biệt tài ngoại giao, bẩy lần đi sứ (vị thần thất độ khấu Nam Quan) nên cụ đã có vai trò lớn trong việc bình thường hóa giữa nước ta và nhà Thanh sau chiến tranh. Cụ làm quan trải qua nhiều chức vụ: Dực vận Công thần, Vinh Lộc Đại phu, Thượng trụ quốc, Thị trung đãi chiếu, Thượng thư… Hiện nay, tên của Cụ được đặt tên cho một con đường tại quận Bình Thạch, thành phố Hồ Chí Minh. Cụ Vũ Huy Tấn mất khi đang trên đường đi làm nhiệm, thọ 52 tuổi. Cụ được táng tại cồn Mả Rồng (ở cánh đồng phía Đông Nam làng Mộ Trạch), lăng mộ cụ được tôn tạo rất đẹp, trên bia đá có khắc bài thơ “Biện Di”. Cũng cần nói thêm, cụ Tấn mất năm 1800, trước 2 năm vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn. Có lẽ vì sợ liên lụy nên con cháu cụ đã mai danh ẩn tích cho đến nay vẫn chưa có ai tìm về. Cụ Tấn là con trai trưởng trong số 13 con trai của cụ Tiến sỹ Vũ Huy Đĩnh, thuộc đời thứ 11 họ Tích Thiện (phái Kỷ), làng Mộ Trạch. Cụ Tấn có 5 người con trai là các cụ: Phan, Lung, Phu, Nhương, Hàm. Cụ Phan sinh ra cụ Tuấn, cụ Lung sinh ra cụ Trị, cụ Hàm sinh ra cụ Nơi. Phả họ Tích Thiện có ghi: vợ cụ Vũ Huy Lung là bà Nguyễn Thị Phương (con gái quan Thiên Khánh xã Kim Sơn, Gia Lâm) sinh ra cụ Vũ Huy Trị, cụ Trị lấy vợ người xã Hạ Nôi, Từ Liêm. Nay quê vợ ở Hạ Nôi”.
Tác giả bài viết này là hậu duệ đời thứ 16 họ Tích Thiện phái Kỷ, một chi phái hiện có số xuất đinh nhiều nhất làng Mộ Trạch. Nhà thờ họ Tích Thiện có thờ 2 cụ Tiến sỹ trong số 36 Tiến sỹ của làng là cụ Vũ Công Bình và cụ Vũ Huy Đĩnh. Rất mong, các con cháu của cụ Vũ Huy Tấn khi biết tin mau tìm về với quê hương, nguồn cội. Mọi liên hệ xin liên lạc với ông Vũ Huy Trượng, thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; điện thoại: 03023.790.280.
Ba sỹ quan cấp tướng họ Vũ đến thăm nhà thờ Tích Thiện.
Nhà giáo: Vũ Huy Trượng
|