Hồi còn bé tôi rất thích được nghe cha tôi kể chuyện. Chuyện cổ tích, chuyện quê hương, chuyện họ hàng.v.v… Nhưng thích nhất vẫn là những câu chuyện về cha tôi. Những câu chuyện ấy cùng với thời gian đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời … Vì vậy mà mặc dù cha tôi mất đã lâu (nửa thế kỷ rồi) nhưng tôi vẫn cảm thấy như có cha ở bên mọi lúc, mọi nơi…
Đống Dờm khi chưa tôn tạo. Đống Dờm tại huyện TT Nam Sách, Hải Dương là nơi có mộ của Cụ Cao Tổ Vũ Tiên Oanh - thân phụ của đức Thần Tổ Vũ Hồn, Thành hoàng làng Mộ Trạch
Khu di tích Đống Dờm đang trong quá trình tôn tạo
Đó là thời gian năm 1936, ngày các cụ đi kiện tên Tạ Hảo xâm táng hài cốt cha mẹ hắn vào khu Mộ Tổ họ Vũ ở Đống Dờm (Nam Sách). Tên Tạ Đức Hảo (quê làng Bình Lăng, huyện Thường Tín) đã đánh tiếng là “Làng Tiến sĩ” cũng chẳng thể làm hắn thua kiện vì hắn đã vào “Làng Tây” (có Quốc tịch Pháp). Hắn là nhà tư sản lớn. Gia tài, điền sản cả làng Mộ Trạch cộng lại cũng chẳng bì được với vốn liếng của cải của hắn.
Chẳng lẽ chịu bó tay, các cụ trong làng quyết đấu đến cùng. Người góp tiền, góp bạc còn vận động người làng Mộ Trạch sinh sống ở khắp nơi ủng hộ tài lực…Rồi về phần “lộ phí” “án phí” cũng tạm yên tâm, còn về con người, ai đại diện cho làng theo kiện đây???
Cả làng hừng hực khí thế, vừa căm tức vừa khẩn trương sẵn sàng “sống mái với kẻ ngang ngược ngông cuồng”. Các cụ chức sắc trong làng họp lại thành lập “hội đồng tham mưu” quyết sách. Một đội ngũ thanh niên trai tráng canh giữ bảo vệ Mộ Tổ cũng được thành lập.
Nghe tin ở bên Tầu (Trung Quốc) có một vị quan tên là Lâm Sâm (gốc người họ Vũ (Võ) sau đổi sang họ Lâm vì thời kỳ “hậu Võ Tắc Thiên” người họ Vũ (Võ) bị truy sát), thời gian này Trung Quốc thuộc chính phủ Tôn Trung Sơn. Làng cử người viết thư cho ông ta lúc đó ông Lâm Sâm là “Sứ Bộ” của Tầu ở Việt Nam để nhờ can thiệp.
Các trai tráng thay nhau cơm nắm cơm đùm đóng vai người hái thuốc, người đi đào chuột quanh vùng Đống Dờm để đề phòng tên Tạ Hảo đào táng trộm trên khu gò Đống Dờm. Có gì xảy ra thông báo ngay cho làng. Một số tá túc quanh đó đóng giả làm người thiểu số (người Mán) để dễ dàng hoạt động. Cũng cần biểu dương các “lực lượng trai tráng” của làng bảo vệ khu vực Đồng Dờm trên.
Cũng chính các cụ làng ta đã lường trước mọi việc và tính toán trước các phương án đề phòng nên gia đình tên Hảo không giở trò gì được. Nhưng nếu chỉ đề phòng canh chừng thì không thể kéo dài mãi được vì “sức người sức của” có hạn làm sao chịu đựng được lâu dài, đó chỉ là tình huống bị động và là “hạ sách” thôi.
Thời gian này bố tôi ngoài 40 tuổi chỉ đứng trong thành phần trai tráng đứng hầu các cụ trong “Hội đồng hương lão” chiếu 1, chiếu 2 (phân theo ngôi thứ chức sắc) nhưng được cái ăn nói văn vẻ, đĩnh đạc, chữ Hán, Nôm hay chữ quốc ngũ mới đều viết đẹp nên bố tôi được làm “ông Điển” (người đọc sớ của làng, dịch Phả, Hương ước v.v…). (Bút tích hiện nay còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm ký hiệu A 3136 “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Trạch Đường Gia Phả” 108 trang trước Khải Định năm thứ 5 – Canh Thân Tây lịch 1920, Thanh Miện huyện – Thừa dịch viễn tôn, Vũ Xuân Phổ, Thừa sao nguyên bản). Vì vậy bố tôi được các cụ đặc cách cho vào chấp bút ghi chép (như thư ký của hội đồng).
Quả thật các cụ biết “nhìn xa, trông rộng” nên quyết định chính thức kiện tên Tạ Đức Hảo ra Tòa.
Đơn kiện của làng gửi đến tòa “An Nam” thì bị trả lại vì một lẽ đơn giản: tên Tạ Đức Hảo là người “làng Tây” nên Tòa An Nam không có quyền xét xử. Đúng là “mất nước” là “mất hết”. Giả sử tên Hảo 100% là người Tây gây án ở Việt Nam thì Tòa Việt Nam xử nhưng ở cái thời là nước “thuộc địa” thì không được phép xử người của “Mẫu quốc” mặc dù nó chỉ là một thằng “Tây giả”.
Đoàn đại diện của làng theo kiện lại phải về và tính đến chuyện tiếp theo thế là chi phí lại đội lên: nào là viết đơn bằng chữ quốc ngữ mới, bằng chữ Hán (để ông khâm sai đại thần Lâm Sâm và ai ai đó – quan của Tầu xem để ủng hộ) và nhất là đơn bằng “tiếng Tây” vì Tòa án Tây xử kia mà. Bố tôi gọi là “Tòa Áo Vàng” ở Hải Phòng. Rồi còn “thông ngôn”, “thầy cãi” toàn phải tiền là tiền…Với cái làng “nhiều chữ” chứ có “nhiều tiền” hay “nhiều thóc” đâu thì quả là “đau đầu”.
Phương án cuối cũng được thông qua là: đành thuê người viết đơn bằng tiếng Tây. Còn “thầy cãi” thì làng lắm chữ cần gì phải thuê vì cái lý ở mình rồi. “Thông ngôn” cũng vậy: nó nói với Tòa cái gì mình biết sao được. “Thầy cãi” là cái đòn xóc hai đầu, có tiền thuê nó, nó cho đen thành trắng, trắng thành đen. Thông ngôn cũng vậy. Nhỡ phải hai thằng đã nhận tiền của tên Hảo trước rồi thì mình lại “tiền mất tật mang”….Cuối cùng các cụ trong hội đồng của làng chỉ định đích danh “Bố tôi”, dù sao “cây nhà lá vườn” mà cũng biết tiếng Tây đấy chứ!.
Được làm anh chấp bút (thư lại của làng) thì cũng vinh dự lắm rồi. Bố tôi nghĩ: chỉ ghi chép bằng chữ quốc ngữ hay chữ Hán, Nôm thôi thì còn đỡ. Ai ngờ các cụ lại giao cho việc “tầy đình” sai một chữ hỏng cả một trận đấu trí của làng sẽ trở thành “tội đồ” không chừng. Bố tôi từ chối đây đẩy vì lượng sức mình không kham nổi sợ đổ bể việc hệ trọng vĩ đại của làng. Các cụ Hội đồng phân tích cái lý nọ, lý kia…cả “khích tướng” nữa (nhưng thực ra cái nguyên nhân chính là làng không có tiền thuê) và cuối cùng thuyết phục bố tôi bắt buộc phải nhận.
Cuộc họp thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba…liên tiếp nhưng chỉ thấy “Chiếu nhất, Chiếu nhì” chỉ có chè nước với mấy cái bát điếu sáng loáng bịt đồng. Họp giữa đình, các tuần đinh canh gác nghiêm ngặt ở phía ngoài sân đình và phía sau đình để tránh “việc cơ mật” lộ ra ngoài. Bố tôi để ý thấy cụ nào cũng rắt ở tai một cái tăm to hơn bình thường dài đến một tấc rưỡi (15 cm), thỉnh thoảng lấy xuống xỉa, có cả cụ móm cũng xỉa như báo hiệu: đã ăn cơm nước cả rồi. Như vậy họp cơ mật hệ trong nhưng chẳng có cỗ bàn xôi thịt gì.
Quay lại chuyện bố tôi nhận nhưng run tái cả mặt và hoang mang vì tiếng Tây cụ học chỉ giao tiếp chào hỏi thông thường còn “chữ Tây” để đi làm thông ngôn cho các cụ thì quả là một trời một vực…Cuộc họp làng cuối cùng (sau khi thống nhất nhiều vấn đề, có việc bố tôi không được biết) còn cuộc họp lần này chính là “khảo hạch” bố tôi là chính. Làng có truyền thống “khảo văn” thì nay Hội đồng hương lão lập để khảo hạch bố tôi về việc: phải làm những gì?... Những gì…??? ở Tòa của một thông ngôn (bất đắc dĩ).
Rồi bố tôi cũng vượt qua được cuộc khảo hạch rất nghiêm túc và chất lượng của các cụ. Bố tôi thưa với Hội đồng là trình độ tiếng Tây của bố tôi là “Tây bồi” nên cần phải học lỏm cấp tốc ngay. Học trên tờ đơn kiện được thuê dịch, viết sẵn những câu trả lời theo ý các cụ ra giấy để đọc cũng dược v.v…Trả lời những câu có thể Tòa Tây hỏi, nhất là phải nói về công trạng khai hóa văn minh của Đức Thần Tổ cũng như “Mẫu quốc” khai hóa văn minh cho An Nam vì các cụ thống nhất nói mộ ở Đống Dờm là Mộ Thần Tổ Vũ Hồn để có “ưu thế” hơn (vì Cụ Tổ Vũ Hồn đã có danh tiếng từ lâu trong sử sách cả bên ta, bên Trung Quốc và bên Pháp). Đây cũng là tình tiết “thông minh” của người Làng Tiến sĩ.
Trong thời gian này, đơn đã được các cụ mang ra “Tòa án Áo Vàng” (tòa án của Tây) chờ “trát” gọi xử. Bố tôi học cấp tốc từ người dịch đơn và cả thầy Tây ở trường huyện, nhà thờ…
Cả làng hồi hộp chờ được trát của Tòa. Khoảng ba tháng gì đó, lúc này trai tráng ở đội canh giữ Mộ cạn cả lương thực, mắm muối chỉ mong ngóng kết quả để về nhà vì còn ruộng vườn, vợ con nữa chứ.v.v…
Rồi điều gì đến sẽ đến! Đã có trát của Tòa. Hôm lên Tòa, Đoàn đại diện của làng khăn xếp áo the, tay mang đủ thứ cần thiết và quan trọng nhất là một hòm đựng “sắc phong” của các Triều vua ban cho Đức Thần Tổ, một hòm đựng Áo bào Vua Càn Long ban cho một vị quan làng Mộ Trạch đi sứ sang Tầu và “Mũ Thần” nghe nói làm bằng “đồng đen”. (Thời gian Cải Cách Ruộng Đất làng đã bị mất trộm Mũ và Áo bào khi cất ở Miếu Thần Tổ).
Đến Tòa, các cụ thứ tự bước vào sảnh đường thì giật mình vì tiếng hô và tiếng đập giầy của lính Tòa bồng súng chào. Sau khi bình tĩnh mới biết: lính Tây bảo vệ Tòa bồng súng chào nhưng không phải chào các cụ dân đen mà là chào “chức vụ sắc phong” của Đức Thần Tổ Vũ Hồn, bố tôi giải thích để các cụ biết.
Như vậy là bước đầu thắng lợi vì quan Tòa Áo Vàng qua đơn đã công nhận người được chôn ở dưới Mộ Đống Dờm có một vị trí quan trọng và tôn kính trong Hội đồng xét xử Áo Vàng.
Nhìn quanh Tòa không thấy đại diện bên “Bị” đâu chỉ duy nhất có các cụ bên “Nguyên”. (có bên “Bị” cũng lo lắng mà không có cũng lo lắng không biết có thắng hay không hay lại hoãn đi hoãn lại, bắt các cụ theo kiện cũng chết). Mõ tòa mời các cụ an tọa xong cũng là lúc Tòa làm việc. Chủ tọa phiên Tòa nói một tràng tiếng Pháp xong, “Mõ Tòa” như bố tôi gọi phiên dịch lại bằng tiếng Việt, đại ý là yêu cầu Đoàn nêu tóm tắt vụ kiện. Cụ Đoàn trưởng đọc bản thảo sẵn ở nhà và hất hàm cho bố tôi “thông ngôn” lại. Bố tôi lấy hết sức bình sinh mạnh dạn đọc nhưng mấy từ đầu như lạc giọng ấp úng, sau cũng lấy được bình tĩnh đọc suôn sẻ…Mõ Tòa nhìn Đoàn và bố tôi cười khó hiểu, không biết là nhìn bộ dạng khúm núm sợ sệt của các cụ hay tiếng “Tây bồi” bố tôi đọc nhưng sau đó là một cái gật đầu vừa ý. (Mõ Tòa có lẽ là một tên “Tây lai” thì phải vì hắn nói tiếng Việt rất sõi chỉ hơi lơ lớ). Hắn đi nhanh lại chỗ chủ tọa trao đổi và giải thích thêm (chắc thế).
Trong Tòa im phăng phắc, đáng sợ, chỉ có tiếng xì xồ của các ông Tây mặc thường phục (không thấy Áo Vàng đâu). Một lúc sau, vì thời gian lúc này như kéo dài hơn bình thường. Chủ tọa lại nói một hồi “tràng giang đại hải”…Bố tôi không hiểu được hết chỉ biết lõm bõm một số từ (cũng may là Mõ Tòa đã làm thông ngôn cho cả Tòa và các cụ). Tên Mõ Tòa phiên dịch lai là: Việc kiện của Đương sự không thuộc thẩm quyền xét xử của bản tòa vì trong bộ luật của “Mẫu Quốc” không có điều khoản nào về việc tranh chấp đất nghĩa trang mồ mả. Nghe đến đây bố tôi và cả Đoàn thất vọng hoang mang chẳng lẽ “thua” ư? Công lý ở đâu?...
Bỗng tiếng chủ tọa nói một tràng tiếng Tây át cả tiếng Mõ Tòa. Không biết gì nữa đây?!. Mõ Tòa lại đi nhanh về phía chủ tọa nghe và gật gật như trao đổi hỏi lại chủ tọa vấn đề gì, sau đó xuống chỗ của Đoàn phiên dịch lại: “Như vậy đấy! - Mõ Tòa nói – Nhưng chủ tòa xét thấy: ngôi mộ này là của một nhà cai trị khai hóa văn minh cho bản địa cũng giống như việc “Mẫu Quốc” đang làm. Đó là một danh nhân đáng được kính trọng, giữ gìn và bảo vệ. Tòa sẽ có công văn chuyển cho Công sứ Hải Dương yêu cầu Tống đốc giải quyết theo hướng cho chức sắc địa phương bảo vệ, cấm xâm phạm. Bãi Tòa!”.
Các cụ đứng dậy cúi chào Tòa và lại lục tục ôm tráp, hòm sắc phong, mũ áo ra về. Còn bố tôi được cụ Trưởng Đoàn kéo lại rỉ tai làm một việc hết sức hệ trọng đó là chạy tìm Mõ Tòa đưa một món tiền lót tay cảm ơn và nhờ Mõ Tòa chú ý đến việc Tòa gửi công văn cho Công sứ Hải Dương, nhưng không gặp được Mõ Tòa.
Thế rồi sự việc tiếp diễn “có hậu”. Ngày 15/3/1937 Chánh Công Sứ Hải Dương (Công sứ Pháp Masimi) đã có Công văn số 4253 với Quyết định về khu Mộ Tổ Đống Dờm của làng Mộ Trạch không ai được xâm phạm. Quyết định đó nguyên bản tiếng Pháp và dịch ra tiếng Việt là:
Kính gửi : Ông Tổng đốc tỉnh Hải Dương,
Việc họ Vũ làng Mộ Trạch tỏ ý muốn mua khu đất công số 1147, gọi là Đống Dờm ở làng Mạn Nhuế, phủ Nam Sách, trong khu đất ấy có di xác Vũ Hồn.
Việc mua bán ấy không thể được.
Nhưng tôi cũng cho làng Mạn Nhuế biết rằng phải trông nom và phải chiểu điều 245 luật hình với di xác một vĩ nhân đã có nhiều bằng sắc phong Thần, không có sự xâm phạm đến ngôi đất Đống Dờm ấy được.
Vậy sức cho các làng này tri tuân.
Sao thương tá (TT) Chánh công sứ Hải Dương
Vũ Đại Ký tên : Masimi
Dân làng Mộ Trạch đã dịch bản gốc chữ Pháp ra chữ Hán và chữ Quốc ngữ, đồng thời khắc 3 thứ chữ trên vào mặt bia đá hình khối cao 1 mét, nay vẫn còn sừng sững trên đỉnh gò Đống Dờm./.
(Ông Vũ Huy Phú khẳng định không có chữ Nôm trên bia đá).
Vũ Thiên Tích kể về Những câu chuyện về người cha kính yêu
(Ông Vũ Thiên Tích là con trai thứ hai của cụ
Vũ Xuân Phổ người làng Mộ Trạch)
|