Kể ra trong họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An này (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương), gia đình Phương quận công thuộc vào chi có thế lực và danh tiếng nhất, mà Phương quận công lại là vai tộc trưởng. Thực ra, cụ là con thứ ba. Hai người anh đầu mất, cụ Vũ Duy Chí (1604 - 1678) trở thành bậc tôn trưởng của họ Vũ, đồng thời cũng là vị Tể tướng trong triều.
Cụ Tham tụng Phương quận công từ hôm ở triều về đến hôm nay, lúc nào cũng buồn phiền, bực bội. Suốt ngày cụ ngồi trầm ngâm trên sập, tựa vào chiếc gối kê phía sau lưng, thỉnh thoảng lại thở dài. Con cháu, gia đình và lính hầu trong dinh luôn luôn len lét nhìn trộm cụ, không ai dám gây nên một tiếng động nhỏ. Cuốn sách đặt trước án thư, mở từ lúc nào, vẫn không được sang trang. Bình rượu trên khay được hâm nóng hai ba lần rồi mà cụ vẫn chưa động đến.
Kể ra trong họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An này (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương), gia đình Phương quận công thuộc vào chi có thế lực và danh tiếng nhất, mà Phương quận công lại là vai tộc trưởng. Thực ra, cụ là con thứ ba. Hai người anh đầu mất, cụ Vũ Duy Chí (1604-1678) trở thành bậc tôn trưởng của họ Vũ, đồng thời cũng là vị Tể tướng trong triều. Lúc này, nước ta ở dưới triều Lê Gia Tông và Tây đô Vương Trịnh Tạc. Cầm đầu các bộ là những viên quan mẫn cán đắc lực, có đức độ cao, được quan lại và nhân dân kính trọng như các ông Phạm Công Trứ, Trần Đăng Tuyển, Nguyễn Mậu Tài v.v. Vũ Duy Chí là một vị Tham tụng có uy tín lớn trong số này. Cụ đã trải qua nhiều chức: Binh bộ Thượng thư năm 1664, Lễ bộ Thượng thư năm 1669. Hiện cụ đang phải giúp chúa Trịnh kiêm quản nhiều việc, vì ông Phạm Công Trứ đã về trí sĩ, dự vào hàng quốc lão, thỉnh thoảng chúa mới vời vào hỏi han. Ông Trần Đăng Tuyển cũng vừa mới mất (1673). Còn ông Thượng thư bộ Hình là Lê Hiếu thì lại bị bãi chức. Lớp quan lại kế cận có tài năng như Hồ Sĩ Dương, Đào Công Chính, Đặng Công Chất v.v. thì chưa được đứng vào hàng Tham tụng.
Nhiều người trong cả nước đều rất ngạc nhiên về sự thành đạt của Tể tướng Vũ Duy Chí. Nhất là một số quan lại, sĩ tử thì hay bàn ra tán vào về sự "thanh vân đắc lộ" (con đường làm quan hanh thông, dễ dàng) của ông. Hàng mấy trăm năm nay, những người muốn được làm quan, được có vị trí này, chức tước khác, đều phải qua con đường học hành thi cử, rồi phải trì trật mãi mới leo tới bậc thang công danh cao ngất được. Đỗ đến Tiến sĩ, may ra cũng chỉ được làm quan Phủ, quan Huyện là nhiều. Thế mà Vũ Duy Chí lại không đỗ đạt gì cả. Sinh năm 1603, ông có theo đòi nghiên bút, học hành thông tuệ, sách vở cổ kim đều hiểu thấu nhưng không chịu đi thi, khác với người anh thứ hai của ông là Vũ Bạt Tụy, lại rất chăm chỉ theo đòi văn chương, phú lục. Ông thiên về chính sự hơn là về văn nghiệp. Vì vậy, ông theo người anh cả để giúp việc văn án giấy tờ. Người anh này tên là Vũ Tự Khoái, đang làm chức Thị lang trong triều, thực ra là ở phủ chúa Trịnh. Trịnh Tạc rất cảm ơn tri ngộ của ông Khoái từ lúc thiếu thời. Chúa Trịnh Tráng có nhiều con, ông Khoái đã chọn Trịnh Tạc để phò tá, và đã nhiều lần nói riêng với Trịnh Tráng nên lập ai kế vị, vì vậy sau này Trịnh Tạc mới được truyền ngôi. Quý mến người anh, Trịnh Tạc để ý đến cả người em, và nhận ra rằng Vũ Duy Chí còn thông minh sắc sảo hơn Vũ Tự Khoái nhiều. Ông luôn bắt Vũ Duy Chí ở bên cạnh mình. Những năm 1644 đi đánh Cao Bằng, năm 1655 đi đánh Thuận Hóa, Vũ Duy Chí đều có mặt bên trướng, giúp trù liệu việc quân cơ. Những việc lớn như giao thiệp với các đoàn sứ giả nhà Minh, tổ chức thi cử, sắp đặt các ngạch quan liêu, tuy đã có các trọng thần phụ trách nhưng chúa vẫn bắt ông Chí phải làm phụ tá hoặc phải giúp chúa theo dõi, rồi cuối cùng chúa cất nhắc ông một cách đặc biệt. Từ một vị trí bình thường trong hàng quan chức, Vũ Duy Chí được thăng làm Binh bộ Thượng thư, một trong sáu bộ của nội các. Dư luận đã xì xào bàn tán về sự cất nhắc quá mức này. Họ cho rằng một kẻ xuất thân nha lại, không đỗ đạt gì mà làm đến Thượng thư, Tể tướng thì thật là quá đáng! Chúa Trịnh Tạc cũng biết dư luận ấy, nhưng không hề sờn lòng. Ông tin vào sự hiểu biết nhân tài của ông, ông tin vào phẩm chất người được ông đãi ngộ. Ông đã nói với các quan lại trong triều:
- Người ta bảo Vũ Duy Chí không đỗ đạt gì! Thử hỏi có bao nhiêu người đỗ cao, có học vị nọ kia đã hơn được ông Vũ? Người ta bảo Vũ Duy Chí chức phận nhỏ, sao lại giao cho phẩm trật lớn! Thử hỏi ngày xưa, đời nhà Hán, các ông Tiêu Hà, Tào Tham có phải đều là nha lại ở ấp Bái không? Thế mà họ đã là công thần của Hán Cao Tổ, giữ chức lớn, tỏ tài năng, không ai bì kịp. Nay ta dùng Vũ Duy Chí, có khác gì người xưa?
Sau đó, Trịnh Tạc còn sai người ghi chép, soạn lại tiểu sử các ông Tiêu Hà, Tào Tham, đưa cho các quan xem. Những chuyện bóng gió mè nheo về Vũ Duy Chí mới giảm đi.
Tuy vậy, dư luận vẫn còn nhiêu khê. Không chê trách được mặt này, thì người ta lại chòi móc mặt kia. Có chuyện đồn rằng Vũ Duy Chí sở dĩ được Trịnh Tạc đặc biệt đãi ngộ như vậy, chỉ vì ông... khéo nịnh! Do tài luồn lọt, tâng công, thỏa mãn tư dục của vua chúa, biết bao nhiêu người đã nhờ thế mà thăng quan tiến chức, biết đâu Vũ Duy Chí cũng thuộc loại này. Người ta để ý dò la, cố tìm cho ra chứng cớ để xếp ông vào phường gian nịnh. Nhưng rồi mọi người sớm nhận ra sự nghi ngờ ấy là hoàn toàn sai lầm. Ông Chí tỏ ra rất cương trực, thanh liêm, không sợ uy quyền, không nể vua chúa. Ngay cả đối với Trịnh Tạc, người ban ân cho ông, ông cũng nghiêm khắc phê phán như thường. Một ngày tết Nguyên Đán, Vũ Duy Chí đã làm một việc khiến cho các quan văn võ hoảng hồn, lo cho số phận và tính mệnh của ông. Theo lệ thường, đúng ngày mồng một, các quan đều phải mặc triều phục vào chúc thọ vua Lê, sau đó là sang phủ chúa chúc thọ chúa Trịnh. Hôm ấy chúc vua xong rồi, Trịnh Tạc bảo với các quan:
- Bây giờ các quan còn về nhà sửa soạn rồi mới sang phủ thì mất công các ngài lắm. Hãy cứ để triều phục như thế sang cho tiện, khỏi tốn thì giờ.
Trịnh Tạc nói như vậy là rất khôn khéo mà có ý đồ sâu xa. Ông là chúa, thực sự nắm mọi quyền hành, vua Lê chỉ là hư vị. Song về danh nghĩa, chúa chỉ là bề tôi của vua. Nay nếu các quan văn võ giữ nguyên áo mũ đi chúc vua để sang chúc chúa, thì vô hình trung thừa nhận Trịnh Tạc là hoàng đế. Nếu các quan đều ưng thuận cả thì việc dành ngôi sẽ không khó khăn gì.
Chắc rằng trong số triều thần không ít kẻ thấy rõ thủ đoạn ấy của chúa Trịnh, nhưng họ đều sợ chúa mà không dám nói. Những kẻ nịnh nọt xum xoe thì đón ngay lấy cơ hội để làm vừa ý chúa. Họ xui nhau:
- Chúa thượng thật là nhân đức và giản dị, không muốn các quan phải về thay đổi triều phục, mất thì giờ. Chúng ta nên theo ý chúa, cùng kéo sang Vương phủ đi thôi.
Không thấy các quan nói gì, Trịnh Tạc chắc mẩm thủ đoạn của mình được thực hiện. Nhưng chỉ sau một khắc im lặng, Vũ Duy Chí đã lễ phép mà nghiêm khắc, bảo với chúa:
- Không được! Từ trước đến nay, nhà chúa vẫn một lòng một dạ tôn phò, phải giữ đúng danh nghĩa. Mặc triều phục chúc thọ chỉ dành cho đại lễ trước Hoàng thượng mà thôi. Các quan phải về nhà, thay đổi thường phục cho đúng với nghi lễ.
Các quan ai nấy hết hồn, tái mặt. Họ chờ đợi một cơn thịnh nộ giáng xuống đầu Vũ Duy Chí. Nhưng ông vẫn đường hoàng nghiêm nghị, phong độ rất ung dung. Trịnh Tạc nhìn ông, cố dấu sự bất bình. Nhưng chúa vốn thông minh, biết phục thiện. Ông thấy mình đuối lý, và cũng rất phục sự ngay thẳng của viên quan thân cận này. Ông đổi ngay nét mặt, nói xuê xoa:
- Cảm ơn Phương quận công đã nhắc nhở. Xuýt nữa ta bị phạm vào đạo nghĩa. Thực tình lòng ta chỉ muốn các quan đỡ mất công thôi. Nay xin các quan cứ thực hiện quy cách như lời Phương quận công.
Chỉ một việc làm đó, uy tín của Phương quận công Vũ Duy Chí càng lớn thêm. Ai ai cũng tâm phục, kính trọng ông. Chúa Trịnh coi ông là vị quan dám can gián vua mà không hề nể nang, sợ hãi. Cả nước Nam lúc bấy giờ truyền tụng câu thành ngữ: "Tể tướng Mộ Trạch, Quốc lão Liêu Xuyên", để chỉ vào hai người có tài năng, đức độ lớn nhất vào thế kỷ 17. Quốc lão Liêu Xuyên là chỉ vào ông Phạm Công Trứ, còn Tể tướng Mộ Trạch chính là Vũ Duy Chí.
Vậy mà cụ Chí hôm nay lại rất buồn bực. Cụ xin phép nhà chúa về nhà mấy ngày, và ra lệnh cho cả họ hàng cháu chắt đều phải đến. Hai ông anh đã mất, nay cụ là đầu họ. Con cháu rất đông, người nào cũng có danh phận lớn đương thời, giữ trọng trách các nơi, cụ Chí đều cho gọi cả. Cụ đang chờ người em út trong Thanh Hóa về. Mọi việc phiền não của cụ Chí đều do người này mà ra cả.
Người em út này có tên là Vũ Cầu Hối (cũng có sách chép là Vũ Vĩnh Hối). Ông Hối sinh năm 1617, kém cụ Chí 14 tuổi, cũng theo đuổi sự nghiệp văn chương, nhưng lận đận đến năm 42 tuổi (1659) mới đỗ Tiến sĩ, cùng khoa với Vũ Bật Hải là con trai cụ Chí. Hai chú cháu chiếm bảng vàng một năm. Đỗ xong, Vũ Cầu Hối được bổ dụng ngay, lần lượt trải qua các chức vụ khác nhau rồi ra làm Tham chính ở Thanh Hóa, cũng vào hàng quan lại cao cấp. Ông vốn là người có năng lực cả về văn chương lẫn chính sự, và cũng biết giữ gìn khuôn phép. Nhưng ở một vùng trấn sở xa xôi, có quyền hành trong tay, xa họ hàng, ông bỗng thay đổi tính nết, theo hùa với bọn tham quan ô lại. Kỳ thi Hương ở Thanh Hóa năm đó, ông dung túng cho các quan trường làm chuyện gian lận, bản thân ông cũng nhận của đút lót lễ lạc của các sĩ tử, đánh hỏng oan nhiều kẻ có thực tài, lấy đỗ những người ngu dốt. Đơn từ khiếu nại tới tấp gửi về triều. Nhà chúa cho người ra xem xét và phát hiện đúng chuyện gian tham. Vũ Cầu Hối bị cách chức, gọi về kinh, đang đợi chờ xét xử, chắc chắn là sẽ bị tội nặng. Cụ Vũ Duy Chí rất tức giận. Cụ không ngờ người em mình được sinh trưởng trong một nhà gia giáo, biết chữ nghĩa thánh hiền mà lại đổ đốn ra như thế. Ông Hối có còn trẻ dại gì cho cam. Năm nay, ông đã 56 tuổi rồi (1673). Đường đường là một ông Nghè, giữ chức to ở một trấn lớn, sao lại không giữ gìn tư cách! Một số người trong họ đã cố xin cụ Chí bớt giận, tha thứ cho ông em, và tìm cách giảm tội cho ông Hối. Cụ đang làm Tể tướng, chỉ nói hộ một câu là chúa và triều đình cũng có thể nhẹ tay. Nghe lời khuyên như vậy, cụ Chí càng giận thêm. Từ xưa đến nay, có bao giờ cụ Chí vì tình riêng mà coi thường đạo lý, coi thường phép nước. Cụ để cho triều đình cứ việc xét đoán. Và riêng cụ, cụ còn lập một "tòa án" riêng để vấn tội người em, làm gương cho họ hàng làng nước. Cuộc họp bất thường của gia tộc họ Vũ làng Mộ Trạch có nguyên nhân từ đó.
Ông Tham chính Vũ Cầu Hối đã về đến nhà, chưa kịp trò chuyện với vợ con thì đã được lệnh phải sang ngay nhà thờ họ vì cả họ đang tề tựu ở đó. Cửa từ đường mở rộng, chính gian giữa bày hương án. Chiếu hoa trải sẵn trên thềm. Khói hương nghi ngút, đèn nến sáng trưng. Phía bên phải là tấm sập gụ dành riêng cho hai ông anh trưởng họ: cụ Vũ Duy Chí và cụ Vũ Phương Trượng. Cụ Trượng đứng hàng thứ tư, em cụ Chí, và là anh Vũ Cầu Hối. Cả nhà năm anh em đều là bậc đường quan, có chức vị lớn. Riêng cụ Trượng giữ hàm Thái bộc tự khanh năm 1664, khi mà cụ Chí được giữ chức Binh bộ Thượng thư.
Cả hai cụ ngồi im lìm trên chiếu, nét mặt nghiêm nghị, nhìn tất cả mọi người vây kín chung quanh. Người nào người nấy đều khăn áo chỉnh tề, kính cẩn chắp tay chờ hai cụ ra lệnh. Họ tránh ra, nhường lối cho Vũ Cầu Hối vào.
Ông Tham chính Thanh Hóa, vừa bị bãi chức, run run bước vào cửa từ đường. Nhác thấy hai ông anh ngồi im phăng phắc trên sập, ông đã hoảng hốt như muốn rã rời. Chỉ mới ghé chân vào chiếu, ông đã sụp ngay xuống, chắp tay vái lấy vái để, miệng lắp bắp:
- Trăm lạy hai anh, em biết tội đã nhiều, xin hai anh rộng lòng tha thứ.
Mọi người như muốn rưng rưng nước mắt. Nhưng cụ Vũ Duy Chí vẫn nghiêm nghị, lạnh lùng:
- Khoan đã! Chú chưa phải lễ chúng tôi. Hãy vào lễ tổ tiên đi đã.
Vũ Cầu Hối kính cẩn làm đúng lời anh phán truyền. Người cháu đứng bên cột thắp tuần hương mới cho ông dâng lễ tổ. Ông lóng ngóng lạy bốn lạy trước bàn thờ, rồi lồm cồm bò dậy, toan đến gần giường sập của hai anh. Nhưng cụ Chí khoát tay:
- Chưa được! Chú mới lễ tổ thôi. Còn phải lễ mẹ nữa!
Vừa nghe nói đến tiếng "Mẹ", Vũ Cầu Hối bỗng giật nảy mình. Ông òa lên khóc. Chung quanh ông đã có nhiều tiếng thút thít, bật lên khóc theo. Nước mắt dàn dụa, tay chân run rẩy, ông Hối cố sức lạy thêm bốn lạy, rồi quay lại nhìn anh. Cụ Chí vẫn không tỏ ra xúc động. Cụ dằn giọng:
- Chú đã lễ mẹ rồi. Hãy quỳ xuống đó!
Cả họ đều đã biết tính nghiêm khắc của cụ Chí, nhưng không ai ngờ được hình phạt lần này của cụ lại gay gắt đến thế. Đã đành là quyền huynh thế phụ, song ông Hối cũng đã gần sáu mươi tuổi, lại làm quan to, có lỗi với triều đình, chứ ở trong gia tộc mà cụ xử sự như vậy thì quả xưa nay có một. Tuy nhiên, chỉ những ai chưa quen với nề nếp gia phong họ Vũ mới nghĩ như thế thôi.
Cụ Chí chờ cho ông em quỳ yên trong giây phút, rồi mới dõng dạc hỏi:
- Việc chú làm, triều đình đã có luật pháp, anh không bàn đến. Anh chỉ hỏi chú: Đi làm quan nơi xa, chú có bao giờ nhớ đến mẹ ta xưa không?
Ông Hối lập cập hàm răng, nghẹn ngào trả lời:
- Thưa hai anh! Có ạ.
Cụ Chí hỏi tiếp:
- Chú có nhớ? Chú hãy nhắc lại tấm gương hiền đức của mẹ ngày xưa như thế nào? Và khi lâm chung, mẹ dặn lại ra sao?
- Thưa anh, em có nhớ. Xin hai anh tha tội.
Ông Hối vừa nói vừa sụt sùi, tiếng to tiếng nhỏ không thành câu. Ngắc ngứ một lúc, ông lại khóc rống lên, gục xuống chiếu, toàn thân rung rung nức nở.
Cụ Chí vẫn lạnh lùng:
- Chú nói không ra lời à? Thôi được ! Chú Tự khanh, chú thay tôi nhắc lại cho chú Tham chính nghe, cũng là để cho con cháu họ hàng cùng nghe lại.
Nghe nhắc đến mình, cụ Vũ Phương Trượng vội dạ một tiếng, rồi bước xuống sập, vừa nhìn ông Hối vừa liếc qua tất cả cháu con. Cụ đến gần bàn thờ, vái ba bái rồi quay ra:
- Vâng lời anh, tôi được phép nhắc lại đức độ của mẹ chúng ta xưa, tức là bà nội, cố nội của các cháu chắt trong họ Vũ này. Mẹ xưa là người hiền đức. Cha ta mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi nấng năm đứa con, bảo ban rèn cặp khiến cho cả năm anh em ta đều thành đạt. Bác cả là Vũ Tự Khoái làm đến Thị lang. Bác hai là Vũ Bạt Tụy đỗ Hoàng giáp. Bác ba là cụ Tham tụng Vũ Duy Chí đang chủ tọa buổi họp mặt này. Thứ tư đến tôi, Vũ Phượng Trượng, cũng may mắn đứng vào hàng với các vị Thượng thư. Thứ năm là chú Nghè Tham chính xứ Thanh. Một bà mẹ nghèo ở chốn nông thôn nuôi nổi năm con thành đạt như vậy, quả là tấm gương hiếm có. Họ Vũ ta được nên danh tiếng chính là nhờ đức độ của mẹ chúng ta, của bà nội, cố nội các cháu.
Cụ Trượng dừng lại một lúc, hớp một hớp trà nhấp giọng, rồi lại nói tiếp:
- Cả mấy anh em được nên người như thế, chỉ vì mẹ khéo dạy, khéo nuôi. Đức lớn nhất của mẹ là tính thanh liêm trong sáng. Cả xã, cả huyện này ai còn không biết chuyện trả lụa của mẹ. Một ngày bán hàng vặt ở chợ để kiếm vài ba đồng tiền mua gạo cho con, mẹ ta thấy một chị xếp hàng ra về, bỏ quên một cuộn lụa lớn. Mẹ nhặt lấy, xếp kín dưới mấy bó rau của mình. Xế chiều, chị hàng tơ hốt hoảng quay lại tìm kiếm. Mẹ gọi chị ta lại hỏi rõ ràng dấu tích, nhận đúng mặt người mất của, liền lấy ra trả cho chị ta, còn dặn dò từ nay phải cho cẩn thận. Chị hàng tơ rất cảm phục, mở cuộn lụa, lấy hai tấm biếu mẹ ta để trả ơn. Mẹ ta nhất định không nhận, bảo chị ấy rằng:
- Nếu tôi có lòng tham, tôi giữ cả cuộn không đưa thì chị cũng phải chịu. Cả cuộn còn không lấy, lấy vài tấm này làm gì. Về nhà thiếu hụt, chị lại bị mẹ chồng, chồng con trách cứ, có phải tội nghiệp cho chị không?
Chị hàng tơ vái tạ mẹ ta mà trở về. Cả chợ biết chuyện này, đều khâm phục mẹ ta là người phúc hậu. (1)
Cụ Trượng dứt câu chuyện trước sự trầm trồ lặng lẽ của cả họ hàng. Cụ Chí nói tiếp ngay:
- Ấy đấy. Một tấm lụa trong cảnh gia đình túng bấn là cả một tài sản lớn. Thế mà mẹ ta không ham, cột giữ lòng mình cho trong sạch. Tại sao chú Tham chính lại quên gương mẹ, để đến nỗi đi bòn mót lễ vật của bọn học trò? Chú nghĩ sao cho đáng?
Ông Nghè Hối chỉ biết phủ phục nghe lời giảng giải của hai anh, không nói năng gì, vả chăng ông còn biết nói gì được nữa. Song cụ Chí vẫn chưa nguôi cơn giận. Cụ ngước nhìn ra đám con cháu, gọi to:
- Anh Hội nguyên đâu? Anh ra đây nói lại cho cả họ này nghe rõ: ngày trước, anh được bà nội rèn cặp như thế nào? Và tại sao anh đang làm quan lại bỏ về?
Anh Hội nguyên mà cụ Chí gọi, chính là ông Vũ Duy Đoán. Ông là con trai của Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy, gọi các cụ Chí, cụ Trượng, ông Hối là chú ruột. Ông đỗ đầu kỳ thi Hội vào năm 1664, đỗ sau ông Hối sáu năm. Đỗ xong, ông được làm quan ngay ở đài Ngự sử, cũng vào hàng cao cấp, đồng triều với hai chú. Tính ông cương trực, không sợ quyền uy, ghét những thói ăn chơi phung phí. Bọn hầu cận chúa Trịnh thường kiếm gà chọi về dâng cho chúa để cầu ban khen, đã có lần bị ông Vũ Duy Đoán quát mắng, vặn cổ mấy con gà chết tươi. Chúa Trịnh rất bực vì sự ương ngạnh của ông, đã nhân một cớ nhỏ, cách chức ông, đuổi về quê, cho người đến thu lại các bằng sắc. Ông trả hết, chỉ giữ lại đạo sắc Tiến sĩ và mắng vào mặt viên quan:
- Các sắc chỉ kia là của chúa ban chức tước cho tôi. Nay chúa không muốn cho thì chúa lấy về. Còn cái sắc này chứng nhận cái tài học của tôi thì tôi giữ lấy chứ. Cách được chức tước chứ làm sao cách được tài năng?
Viên quan cứ sự thực về khải trình với chúa. Chúa cũng chịu, không làm được gì. Cụ Vũ Duy Chí thầm phục cái bản lĩnh của đứa cháu mình, nên để mặc ý, không khuyên cháu, cũng không cầu xin gì chúa. Ông Đoán quay về vui thú ruộng vườn, và chuyên sáng tác thơ văn. Ông nổi tiếng cả về mặt này. Thành ngữ lúc bấy giờ có câu: Văn chương "trước thời trung hưng có Vịnh Kiều Hầu, sau thời trung hưng có Đường Xuyên Tử ". Vịnh Kiều Hầu là trỏ vào Hoàng Sĩ Khải, Đường Xuyên Tử chính là Vũ Duy Đoán.
Nghe lời gọi của cụ Chí, ông Đoán rẽ đám con cháu bước ra, chắp tay:
- Thưa ba chú, thưa các anh em và con cháu nội ngoại, tôi xin vâng lời chú dạy. Tôi rất nhớ công ơn dạy dỗ của bà nội ngày xưa. Ai cũng biết, lúc nhỏ tôi là người ngu độn. Mười lăm mười sáu tuổi đầu mà học trước quên sau, không nhớ trọn được một bài thơ tứ tuyệt. Cha mẹ tôi đã có lúc không muốn cho tôi học nữa, để bắt chuyển sang nghề khác.
Nhưng bà nội đã cho tôi sang ở với bà, ngày đêm bày vẽ cho từng li từng tí. Có cái kim gãy, bà không cho đi mua cái mới mà tự mình mài đi mài lại, và bảo với tôi sắt mài lâu cũng mòn, người học lâu cũng biết. Bà nói: không có ai dốt nát, chỉ có người lười biếng và không chịu khó mà thôi. Học cả bài khó thuộc, bà cho tôi học từng câu ngắn, học câu sau phải ôn lại câu trước. Cứ như thế mà góp thành bão, cuối cùng tôi cũng đỗ được Hội nguyên. Cha mẹ tôi đều biết công lao to lớn của bà tác thành cho tôi. Cha tôi thường nói: ta đỗ đến Hoàng giáp, cũng đi dạy học trò, nhưng so với mẹ ta thì kém xa lắm. Mẹ ta mới thực là bậc sư mẫu.
Ông Đoán ngừng lại mấy giây, rồi nói tiếp:
- Còn về việc tôi bị bãi chức phải về quê, chỉ là do trái ý của chúa thượng. Tôi có mạo muội nhiều lần dâng lời can gián, không để nhà chúa sa vào các cuộc ăn chơi, nên chúa không vui. Tôi cũng đã thẳng thừng nêu lên chuyện bất công trong việc đối xử, đề bạt quan lại. Đó là phận sự của kẻ gián thần. Chưa được lòng chúa, tôi phải lui về, song tự dạy bảo: người làm quan phải giữ cái chính tâm. Câu nói của bà là: "Tiếng thanh bạch để về sau, dẫu rằng uống nước ăn rau chớ nề".
Ông Đoán nói đến đó thì im lặng. Ông ngại mình sẽ quá nặng lời trước cảnh ngộ của chú. Chú phạm lỗi, nhưng nay đã phải nhận tội trước họ hàng, trước hương hồn bà nội, như thế là đủ rồi.
Ngồi trên sập, cụ Chí cũng nhận ra sự tinh ý của đứa cháu. Nhìn thái độ thiểu não của Vũ Cầu Hối, ông biết người em út của mình đang thực sự hối hận, ăn năn. Sự trừng phạt đến đây là vừa phải. Ông nhớ lại lời dặn của mẹ ông, khi ông được ra làm quan: con phải để cho người ta tâm phục con, chứ đừng để họ bị khuất phục. Đối với em ông, bây giờ cũng phải thế.
Ông đang lựa lời kết thúc, thì vừa may, ông Trượng đã đứng lên:
- Kính thưa anh Tham tụng, chú Hối đã biết tội rồi. Xin anh rộng lượng tha cho.
Cụ Chí gật đầu:
- Đã vậy, chú Hối đứng dậy lễ tạ mẹ đi. Chú Tự khanh và các cháu cùng với tôi đều cùng làm lễ. Tôi có tội với tổ tiên, với hương hồn mẹ vì không biết gần gũi bảo ban các em.
Vũ Cầu Hối vâng lời, gắng gượng bình thản, vừa khóc vừa lạy trước hương án. Lạy xong, ông đứng sang một bên. Cụ Chí cung kính bước vào chiếu nhất. Các con cháu sắp hàng sau lưng ông, cùng một loạt cung bái. Lễ xong, cụ Chí giơ tay ra hiệu cho mọi người xếp dọn nhà thờ. Cụ đến gần ông em có lỗi, cầm tay, nói khẽ:
- Chú về nghỉ. Nhớ là phải thực thà hối lỗi, nhận đúng pháp độ của triều đình. Hương hồn mẹ khôn thiêng nhất định lượng thứ cho chú, nhưng mẹ sẽ không đồng tình với đứa con không biết chữa lỗi đâu. Mẹ đặt tên chú là Hối, chắc mẹ đã tiên đoán về chú rồi. Chú nên suy nghĩ.
-------------------------------
(1) Câu chuyện trả lụa này, được thuật lại trong sách "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề, soạn năm 1755.
www.hovuvovietnam.com
|