Điểm qua đôi nét về Văn Chỉ, hội Tư Văn (Hội Kỳ Anh) và nếp văn hóa Mộ Trạch xưa phần nào cũng cho thấy Làng Mộ Trạch thực sự là làng cổ văn hóa. Truyền thống văn hóa từ hàng trăm năm trước cần được tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực cho lớp hậu duệ họ Vũ nói riêng và cho thế hệ trẻ nói chung.
Không mấy ai không biết đến khái niệm “Văn miếu”, nhưng “Văn chỉ” hẳn nhiều người còn chưa biết hoặc mới chỉ được nghe mà chưa thấy. Văn miếu và Văn chỉ thờ đạo học, đạo của Khổng tử (Khổng giáo), các học trò của ông (72 tiên hiền) và các vị tiên hiền đỗ đạt trong các kỳ khoa cử.
Khổng Tử là một học giả vĩ đại của nhân loại thời cổ đại, người khởi xướng học thuyết Nho giáo, quê Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 551 TCN, mất 479 TCN. Mặc dù ông sống cách chúng ta tới 25 thế kỷ, song lớp hậu thế ngàn năm sau ông, nhất là khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 (mở đầu bằng việc ra đời của triều đại nhà Đường ở Trung Quốc (618 - 907) trở về sau, Khổng Tử đã được các tầng lớp đế vương và Nho gia phương Đông (như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên…) tôn là “vạn thế sư biểu” (tấm gương sáng về người thầy của muôn đời). Ngày nay nhiều nghiên cứu về Khổng tử còn cho rằng ông là nhà giáo dục kiệt xuất của nhân loại thời cổ đại.
Nơi thờ Khổng Tử ở kinh đô và các trấn, lộ, sau này là tỉnh gọi là Văn miếu; ở huyện, xã gọi là Văn chỉ. Bên cạnh văn miếu là trường học và thi, ở đây thường có bia khắc tên các cử nhân, tiến sĩ đỗ đạt vào thứ hạng nào và khoa nào, nhằm mục đích khuyến học. Trước năm 1945 các xã, huyện đều có Văn chỉ”.
Văn chỉ không chỉ được dựng lên với mục đích tôn thờ Khổng Tử và các bậc tiền nhân khoa bảng (những người đỗ đạt cao trong những kỳ khoa bảng thời phong kiến). Nhiều làng dù chưa có khoa bảng cũng vẫn dựng Văn chỉ với mục đích trước là thờ đạo học (tri thức), đạo Nho, sau là khuyến khích con cháu cố gắng học hành. Nếu đỗ đạt thì vừa được nhà nước trọng dụng (bổ làm quan) vừa được dân làng thờ phụng trong Văn chỉ làng khi qua đời.
Ở làng Mộ Trạch, được người đời coi là “làng tiến sĩ” có Văn chỉ từ rất sớm. Từ xưa làng Mộ Trạch đã có hai cái đình: Đình Cả, và Đình Đông.
Đình Cả thờ thành hoàng làng và các bậc tiên hiền trong “Xuân Diên Từ Điển” của làng Mộ Trạch gồm 367 vị.
Đình Đông nằm ở phía Đông làng Mộ Trạch, thờ Đức Khổng Tử, 72 tiên hiền học trò của Ngài và thờ các tiền nhân làng Mộ Trạch trong “Đinh Tự Từ Điển” của làng Mộ Trạch, bao gồm 273 vị. Đình Đông chính là Văn Chỉ làng Mộ Trạch được gọi theo lối dân gian.
Hai đình cùng là nơi thờ phụng, hội họp của làng, nhưng mỗi đình có cốt cách riêng. Dự lễ tế tại Đình Cả là dân cả làng, nhưng được xếp sắp theo thứ tự quan phẩm được triều đình ban, hay thứ tự chức dịch trong làng. Dân đinh thì ngồi theo các Giáp (khu) trong đình.
Đình Đông (Văn Chỉ) chỉ làm lễ tế vào 2 ngày Trung Đinh vào mùa Xuân (12 tháng 2) và mùa Thu (19 tháng 8) trong năm (Xuân thu nhị kỳ). Dự lễ tế tại đình Đông chỉ là các vị trong hội Tư Văn (trước còn gọi là hội Tư Thuộc) – sau đổi tên là Hội Kỳ Anh của làng.
Những bậc tiền nhân trong làng được thời phụng trong “Đinh từ tự điển” được chia thành bốn hạng: Trước hết là các vị Hòang bảng (có tên trong bảng vàng, đỗ đại khoa); hạng thứ 2 là đến các vị có công trong lĩnh vực giáo dục (truyền giáo, truyền đạo hữu công); Hạng thứ ba là các vị hương tiến (đỗ hương cống cử nhân) và hạng thứ tư là các vị đỗ sinh đồ, tú tài.
Trong làng không thiếu những vị thành danh trên đường quan lộ (từng làm tri huyện tri phủ hay làm quan lớn trong triều), nhưng không có thành tích khoa bảng cũng không được đứng trong các thứ hạng trên. Ngược lại, có những vị cũn không có thành tích khoa bảng (đỗ đạt cao), nhưng có con đỗ đại khoa (tiến sĩ) vẫn được có tên trong “Đinh từ tự điển” với tư cách là bậc “truyền giáo, truyền đạo hữu công”, nghĩa là có công nuôi dạy con cái thành đạt trong việc học hành.
Phả họ Vũ làng Mộ Trạch “Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích” còn ghi lại vô số những câu chuyện tiêu biểu về tấm gương hiếu học cũng như nuôi dạy con nên người. Ví dụ như cụ Vũ Nạp (Họ Vũ Mộ trạch, đời thứ nhất) tuy không đỗ đạt gì nhưng dạy hai con là: Nghiêu tá và Hán Bi cùng đỗ đại khoa (Thái học sinh) trong cùng một khoa thi năm Giáp Thìn (1304), nên cụ được Ấm phong hàm Tăng Thống và được đứng đầu trong danh sách các vị “truyền giáo, truyền đạo hữu công”. Hay như tiến sĩ Vũ Đôn (Chi thứ nhất, Đời thứ 6) được phả kể rằng: “Thuở nhỏ ông theo học với chú là Hoàng giáp Vũ Hữu, ban đêm đọc sách treo tóc lên xà nhà, mùa đông lạnh giá ngâm chân vào chậu nước để luôn tỉnh táo, khỏi buồn ngủ, dốc chí học hành như vậy nên còn trẻ tuổi lần đầu đi thi mà đỗ ngay Hương cống, khoa thi Hội năm Đinh Mùi [1487] đỗ tiến sĩ Hoàng giáp.…. Tuy vậy, ông lại là người cương nghị, ít giao du, chỉ ham đọc sách, không thích bon chen, nên chỉ làm quan một thời gian rồi về hưu trí tụ tập môn đồ dạy học, tác thành nhiều người tài, học trò bốn phương tôn làm bậc sư phụ, người đời gọi là Tôn chủ Tư văn”…
Các vị được thờ (khi mất) trong Văn chỉ làng Mộ Trạch, lúc còn sống chính là các thành viên hội Tư văn của làng. Thành đạt trên đường khoa hoạn (đỗ đạt), sau khi làm quan, hay không ra làm quan các vị tham gia vào hội Tư văn của làng (tiền thân là hội Tư thuộc), sau này hội Tư văn làng Mộ Trạch còn có tên là hội Kỳ Anh. Hội Tư văn được coi như “hội trí thức” đảm nhận hầu hết các họat động chính trị, văn hóa của làng: soạn thảo, điều chỉnh bổ sung hương ước, chủ trì các buổi lễ hội, tế lễ…
Cũng vì rất trọng đạo học (trí thức) nên hương ước làng Mộ Trạch có đặc điểm rất khác biệt so với các bản hương ước của các thôn xã khác. Nếu như những điều khoản đầu tiên trong các bản hương ước khác chú trọng đến cơ cấu, tổ chức làng xã, thưởng phạt các hành vi vi phạm hương ước; thì hương ước làng Mộ Trạch đặt nghi lễ đón rước các bậc khoa hoạn trong làng lúc “vinh quy” (trở về). Chỉ riêng khía cạnh này thôi cũng đủ chứng minh làng Mộ trạch rất trọng khoa bảng và rất khuyến khích việc học hành.
Vốn là làng có truyền thống khoa bảng, việc khuyến khích học hành không chỉ ở việc đón rước các khoa bảng vinh quy bái tổ, xây dựng Văn chỉ, lập hội Tư văn. Làng Mộ Trạch có một di tích cổ đó là Cựu Quán Khảo Văn hay còn gọi là quán Hòang Oanh, Oanh Vàng (sau này dân gian thường gọi chệch đi là quán Anh Vường cho dễ gọi). Quán này dùng làm nơi khảo văn các sĩ tử trong làng trước khi lên đường vào kỳ khoa cử mỗi kỳ thi Hương. Thi đỗ mới được đến trường thi Hương. Sát hạch không được xã không cho đi thi.
Thường nhật, quán này còn là nơi các bậc Tư Văn trong làng dạo chơi, ngồi đàm đạo thơ phú. Quán này nằm ở phía Bắc làng trên cánh đồng thủa đó gọi là Đồng Chúc Bút (dân gian thường chỉ gọi là đồng Chúc). Sở dĩ có tên như vậy vì ngồi từ trong quán nhìn vào làng (nhìn về phía Nam) trên cánh đồng có doi đất gồ lên như cái bút, cuối doi đất lại có cái gò giống như nghiên mực cả hai nhìn giống như cái bút chúc vào nghiên mực. Sự tích Đồng Chúc là vậy. Cũng có lẽ là quan niện phong thủy nên quán mới được dựng ở đó để trông ra cái bút cái nghiên như trông vào con đường khoa cử của dân làng Mộ Trạch.
Cũng theo tư liệu từ phả, năm (1683) tiến sĩ Vũ Duy Đoán sau khi bị bãi chức quan về vui với ruộng vườn ở thôn làng Mộ trạch. Ông lập ra quán Kỳ Anh (ở ngoài cổng
Nam), cùng chư vị trí sĩ ngao du, vui vẻ với tuổi trời. Quán Kỳ Anh thay thế quán Hòang Oanh, nên từ đó quán Hòang Oanh còn được gọi là Cựu quán khảo văn.
Cũng có lẽ từ đó, hội Tư Văn trong làng được gọi tên là Hội Kỳ Anh. Theo tài liệu của cụ Vũ Đình Điềm thì: “Quán Kỳ Anh ở phía bên trái con đường từ làng qua Nhữ Thị ngang với Quán Đồng Quan trên một gò đất cao hơn bên Quán Đồng Quan. Quán này là nơi gặp gỡ của các vị kỳ lão trong làng. Mặt trước quán có 1 bảng đắp làm hoành phi với 4 chữ: HỘI QUÁN KỲ ANH
Bình thường các cụ hội họp vào ngày mồng một mỗi tháng để bàn việc làng, trao đổi thơ văn tin tức, trong các buổi hội họp như vậy, các cụ cư xử đàm đạo với nhau rất bình đẳng mặc dầu thành phần các cụ có đủ mặt những cụ: Khoa bảng, quan chức trí sĩ, dân thường, giàu có, nghèo có. Lời nói của mỗi cụ đều được cả hội quán coi trọng như nhau. Hàng năm vào dịp tháng giêng từ mồng 5 tới rằm giêng tất cả các cụ trong làng từ 60 tuổi trở lên, dù có vào hội hay không cũng đều ra quán dự hội để kiểm điểm phê phán lề nối sinh hoạt trong làng và đưa ra những khuyến cáo “hội đồng hương hội” do đó ngày 10 tháng giêng được gọi là “Kỳ Anh hội lão nhật”.
Cũng trong khoảng thời gian từ mồng một đến rằm tháng giêng, quán cũng là nơi tụ họp vui dự hội làng như: chọi gà ngoài sân quán, đánh cờ trong quán, đua thuyền bơi lội dưới ao Lăng. Cụ tiến sĩ Vũ Duy Đoán có bài tán về quán Kỳ Anh như sau:
Sơn bất tại cao
Hữu tiên tắc danh
Thuỷ bất tại thâm
Hữu long tắc linh
Tự quán khả thương
Dĩ hội Kỳ Anh
Nghĩa là:
Núi chẳng kể cao
Có tiên (tất) nổi tiếng
Nước chẳng kể sâu
Có rồng (tất) thiêng
Quán được đề cao
Vì quán của Hội Kỳ Anh”
Theo “Địa chí Mộ trạch” của ông Vũ Đình Triều trang 57.
Điểm qua đôi nét về Văn Chỉ, hội Tư Văn (Hội Kỳ Anh) và nếp văn hóa Mộ Trạch xưa phần nào cũng cho thấy Làng Mộ Trạch thực sự là làng cổ văn hóa. Truyền thống văn hóa từ hàng trăm năm trước cần được tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực cho lớp hậu duệ họ Vũ nói riêng và cho thế hệ trẻ nói chung.
(TS. Vũ Huy Thuận)
|