Du khách ai đã từng ghé thăm ngôi làng cổ Mộ Trạch ( thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vào những năm 1970 trở về trước, chắc hẳn trong tâm khảm ký ức còn lắng đọng hình ảnh nơi đây rất đỗi hồn Việt bởi "cây đa, giếng nước, sân đình" và nhiều công trình văn hóa mà các bậc tiền nhân để lại.
Chuyện về những dấu ấn lịch sử của làng Chằm (tức Mộ Trạch) có rất nhiều, nhưng với tôi, cây đa ở cổng Bắc cách đền thờ đức thần tổ Vũ Hồn khoảng 35m về phía Đông Nam có thể ví với kỳ quan sinh vật cảnh. Cây tọa lạc trên mảnh đất diện tích khoảng 100m2, phía Tây và Nam tiếp giáp với đường đi, phía đông được bao bọc bởi ao cổng Bắc, phía Bắc có hệ thống hào lũy che chắn bảo vệ. Cây đa này có tự bao giờ người dân quê tôi không ai biết được, chỉ biết rằng cây đã gắn với bao nhiêu thế hệ tuổi thơ ở làng Mộ Trạch. Và thế hệ chúng tôi được nghe các cụ truyền miệng rằng cây có từ nhiều đời, có lẽ cũng ngót nghét nghìn năm tuổi. Thời gian, tuổi tác của "cụ đa" thì chưa ai đong đếm được một cách chính xác, nhưng hình ảnh về một cây đa sừng sững hiên ngang với những tán lá xum xuê khiến cho người ta không khỏi kính phục.
Ảnh minh họa
Thân chính đoạn dưới gốc "cụ đa" không còn là thân nữa, bởi gốc và rễ đã bện chặt với nhau thành một khối đặc quánh - cũng như những con người làng Mộ Trạch ngàn đời gắn bó, keo sơn. Trong lòng gốc đa có một ngôi miếu cổ rộng chừng hơn chục mét vuông, cao khoảng 3m. Ngôi miếu này do dân làng xưa lập nên để thờ Thần trấn ải cửa Bắc. Trên lưng chừng gốc đa vô số những khoang chứa đựng mùn rác mà có các loài cây khác nảy mầm và sinh sống trên đó. Trong số những cây ký sinh đó, có một cây bàng đường kính gốc ước tính khoảng 0.3m, quanh năm xanh tốt. "Cụ đa" có chiều cao tính từ mặt đất lên đỉnh tán ước chừng 20m. Hồi còn nhỏ, tôi được đi Hà Nội chơi, khi về đến Mỹ Hào (Hưng Yên), cách quê tôi khoảng 10km đường chim bay, bố tôi đã chỉ cho tôi chỗ xanh đậm xa xa tựa lưng trời kia và nói đó là tán của cây đa làng mình. Cụ còn dặn tôi: " Nếu đi chơi xa, có lạc đường, hãy nhìn hướng cây đa cao đó mà đi, ắt sẽ về tới nhà". Chẳng vậy mà vùng quê tôi còn có nhiều bài vè, vận vào có câu:"Làng Chằm có cây đa cao...."
"Cụ đa" có hai cành chính hướng về hai phía Đông, Tây. Hai cành này rất to, đường kính xấp xỉ 2m. Ở đoạn cành nằm ngang, tụi trẻ chúng tôi thường bám rễ trèo lên để bắt chim sáo và nô đùa trên đó, chạy qua chạy lại mà không sợ ngã. Ở đây có một điều đặc biệt cần nói là tụi trẻ chúng tôi nghịch ngợm như vậy nhưng chưa có ai bị ngã. Phải chăng, nhờ có "cụ đa" hiền từ mà nhân ái nên chúng tôi mới được vẹn toàn. Đoạn cành về phía Tây, cách thân cây khoảng 4m, có một chiếc rễ khổng lồ nối từ cành chống xuống khoảng đất bên kia đường cái quan. Chiều cao của chiếc rễ ước khoảng 12-13m, gốc của rễ có đường kính khoảng 1.6m - ba người lớn ôm mới xuể. Đoạn cổ rễ bám vào thân cành, có đường kính khoảng 1m. Để có được chiếc rễ vĩ đại như vậy, theo lời các cụ kể thì người đời xưa phải lấy thân những cây cau già chẻ làm đôi cho đất vào bên trong và ghép lại, một đầu chống xuống đất, đầu còn lại nối với đoạn cành có rễ mọc ra. Rễ cứ vậy mọc theo mạch đất bên trong cây cau và đâm vào lòng đất. Nếu đúng như vậy, thì đây quả là một kỳ công tạo dáng ở "cụ đa" làng tôi. Trên cao, tán của "cụ đa" xòe rộng, như muốn ôm trọn làng Mộ Trạch, đứng từ xa nhìn về, tán cây tựa hình cánh chim phượng hoàng đang tung cánh giữa trời xanh.
"Cụ đa" cổng Bắc quê tôi còn gắn liền với những chiến công oanh liệt của du kích quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dưới gầm gốc cây, phía giáp với bờ ao, chỗ đất lở hoắm vào bên trong được rễ và gốc che phủ kín tới mặt nước là một căn hầm bí mật. Chuyện rằng: Có một lần, quân Pháp mở đợt càn quét vào làng, trong đội du kích có cụ "Tý lùn" đã giật mìn để chặn đánh đạo quân địch, nhưng không may bị lộ. Bị giặc Pháp đuổi, cụ băng qua lũy tre làng, nhảy xuống hào, lặn qua đám bèo tây chui vào trong hầm bí mật. Quân giặc lùng sục khắp nơi nhưng không thấy cụ, chúng đánh phải rút lui. Định triệt hạ cây đa, giặc Pháp nã đạn đại bác từ bốt Kẻ Sặt vào cây đa, nhưng không thành, duy chỉ có một cành phụ về phía đông trúng đạn và bị gãy. Oanh liệt, hào hùng là vậy.
Nhưng than ôi!
Vào năm 1970, "cụ đa" quê tôi không còn nữa. "Cụ" đã bị người ta đốn hạ. Không biết vì lý do thiếu gỗ để dùng vào công việc tập thể hay vì lý do nào khác. Đa thiêng, đa hiền, người dân quê tôi không ai dám chặt, mà "họ" phải thuê người ở nơi khác đến hạ sát "cụ". Trong quá trình hạ, một đoạn cành phụ ở phía Đông rơi xuống ao cổng Bắc, đoạn này đường kính lớn lắm, sức người kéo không nổi, "họ" dùng cả máy cày, máy kéo nhưng vẫn không trục vớt được. Hiện tại, đoạn cành đó vẫn yên vị trong lòng đất bởi ao cổng Bắc cũng đã bị san lấp.
Với tâm trạng của một người con xa quê hương lên đường đi đánh Mỹ, tôi cũng như nhiều anh em khác đi khắp mọi miền của Tổ quốc, từ núi rừng Việt Bắc đến Trường Sơn vạn dặm, hay các nẻo đường của ba nước Đông Dương, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy cây đa nào như cây đa cổng Bắc quê tôi.
Cây đa, giếng nước, sân đình đã gắn liền với cuộc sống và ký ức của bao người, trở thành hồn Việt tự xa xưa.Với tôi, "cụ đa" cổng Bắc còn là một người bạn tri kỷ thời thơ ấu. "Cụ" linh thiêng, nhân từ, bao dung mà vĩ đại, hình ảnh của cụ mãi mãi in dấu trong tâm khảm ký ức của tôi./
Hà Nội, 4/2012
Vũ Đình Ngọc
|