Mời các bạn đến tỉnh Hải Dương hỏi thăm bất cứ người dân nào về làng Mộ Trạch cũng được nghe những lời tán dương, thán phục. Chưa có làng nào của đất nước ta có tới 36 nhân vật được ghi tên trên bia đá ở Văn Miếu Quốc tử giám. Mộ Trạch được gọi là Làng Tiến sĩ hoặc Lò Tiến sĩ.
Người đời còn ca ngợi “Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch” để nói lên chất rượu ngon nhất thuộc về làng Mơ và không có ai cao cờ bằng người Mộ Trạch.
Dân quê tôi còn tự hào vì nước Nam có 5 trạng quê ở Mộ Trạch tuy rằng các quan Trạng không thi đỗ, được vinh qui bái tổ, được ghi tên trên bảng vàng.Trước hết, tôi muốn kể các bạn nghe về Trạng Cờ. Ông tên là Vũ Huyến. Theo lời người xưa kể lại thì ông có tướng lạ: Khi mới lọt lòng mẹ ở giữa trán ông có khối u nhỏ trông giống hệt quân cờ tướng. Từ thuở còn chưa biết chữ, ông đã nổi tiếng cao cờ. Mới ở tuổi thiếu niên, ông không còn đối thủ quanh vùng. Một hôm, Vũ Huyến tiếp vị sứ thần của nhà vua, nghe trình bày: “Vua nhà Minh cử một sứ giả cao cờ nhất nước sang thách đánh với vua ta. Sau ba ván, nếu họ thua, họ sẽ lui quân và không gây chiến nữa”. Ông Vũ Huyến vào kinh. Ông tâu với vua là có nhận lời thách đấu với giao ước: “Giờ giao đấu đúng Ngọ (12 giờ trưa) mùa hè. Trên chiếc sập kê giữa trời chỉ có bàn cờ, hai đấu thủ và hai tên lính hầu cầm lọng che cho chủ mỗi bên, không cho phép ai lai vãng tới gần”. Sứ Minh nhận lời. Không bao giờ hắn biết tên người lính hầu Việt Nam là Vũ Huyến và chiếc lọng ông cầm được dùi một lỗ nhỏ. Ánh sáng lọt qua rọi đúng quân cờ nào, Vua đi nước cờ đó và đã thắng. Giữa lúc vui vẻ, hể hả, nhà vua đã gọi Vũ Huyến là Kỳ Trạng Nguyên. Từ đó, ông được nhân dân gọi là Trạng Cờ.
Người nhận danh hiệu Trạng do dân phong của làng Mộ Trạch nữa có tên là Vũ Cương Trực còn gọi là Vũ Khổng. Vào dịp nhà Mạc mới cướp ngôi nhà Lê, lòng dân chưa ổn, càng thêm bất bình trước hiện tượng một vị được gọi là quốc cữu (em vợ vua) thích chơi ngông. Tên này rất ưa thích những trai tráng khỏe mạnh khiêng cáng hắn, chạy thật nhanh từ Hải Phòng sang Hải Dương rồi đi nhiều nơi khác. Đám rước cáng của “cậu” có các quan võ cưỡi ngựa và đội hình chỉnh tề tiền hô, hậu ủng khá oai vệ nhưng “cậu” chưa ưng vì cáng đi quá chậm. Bị bắt đi phu khiêng cáng, tráng sĩ Vũ Cương Trực rất tức, luôn nghĩ cách trả thù kẻ không ốm đau gì luôn nằm ỳ trên cáng. Anh không thể học võ để hành hung vì số quân đi bảo vệ “cậu” quá đông. Suy đi, tính lại, anh nghĩ được một kế, anh cho là hay nhưng cần ít nhất ba trai làng cùng có sức khỏe dẻo dai và tài chạy nhanh tới mức không ai đuổi kịp như anh để cùng phối hợp hành động. Anh rủ các anh Đổng, Tuấn, Đột tới nhà mình. Anh đưa ra sáng kiến là phải tăng số phu khiêng cáng lên 4 người bằng cách kéo dài thêm đòn khiêng. Trước giờ hành động, anh Trực ra hiệu ngầm để các anh cùng chạy. Đến đúng điểm cái giếng đất ở cách xa ranh giới làng Mộ Trạch, các anh nghiêng cáng hất “cậu” xuống và cùng chạy, chạy đường ruộng cầy ngoắt ngoéo sao cho những tên tướng cưỡi ngựa và toàn bộ toán quân theo hầu dù có cố hết sức cũng không bắt được ai.Sau “cú ngã bất đắc dĩ” đó, “cậu” không chết, có lẽ do quá khiếp đảm vì khi lính đến vớt, “cậu” ướt sũng. Thoát chết đuối và tuy còn rất tức, “cậu” đành bãi bỏ lệnh khiêng cáng và cũng lờ đi không dính vào những trai đinh bướng bỉnh, ngổ ngáo nữa. Dân làng Mộ Trạch lại đồng lòng phong Vũ Cương Trực tức Vũ Khổng là Tẩu Trạng Nguyên có nghĩa là Trạng Chạy.
Ông Trạng Vật của làng Mộ Trạch chúng tôi cũng chỉ được vua phong sau một keo vật lịch sử chứ không có bằng sắc gì.Trong một lần theo anh vào kinh, Vũ Phong chú ý đến một nhân vật to, cao, lực lưỡng luôn đứng cạnh vua. Cụ Thượng thư Vũ Hữu giới thiệu thân thế, sự nghiệp của viên chỉ huy đội quân bảo vệ vua, người đang giữ chức vô địch tuyệt đối về vật ở Kinh Đô. Máu võ nổi lên, Vũ Phong không xin mà cứ đòi anh ruột cho mình được tỷ thí để phân biệt cao thấp với Trạng Vật của nhà vua. Cụ Thượng Vũ Hữu nhỏ to khuyên nhủ chú bỏ ý định ngông cuồng, đem trứng chọi với đá, nhưng Vũ Phong không chịu rút lui sở nguyện của mình. Chả hiểu sao ý định giao đấu của Vũ Phong lọt tới tai vua. Vua tỏ ra thích thú, hưởng ứng nhiệt liệt. Thượng thư Vũ Hữu không dám cưỡng lại chỉ dụ của nhà vua, đành giúp em Vũ Phong lo chuẩn bị thượng đài.Ngày thi đấu đã tới. Đấu trường đông nghịt người, ai cũng cố xô đẩy, cố chen lấn để đến gần kỳ đài.Tiếng trống đã nổi lên dồn dập, thôi thúc. Bằng những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, Vũ Phong lao vào nách đối thủ và đã thắng cuộc bằng động tác quật nhanh thành thục. Quá thích thú, ngay tại sới vật, nhà vua đã phong ngay chức Đô chỉ huy sứ Cẩm y vệ cho Vũ Phong và thân mật gọi người thắng cuộc là Trạng Vật.
Người được phong chức Trạng Toán lại chính là Lại bộ Thượng thư Vũ Hữu. Ông đỗ Hàng Giáp, được công nhận là tiến sĩ năm 1468. Ông đã giữ chức chánh chủ khảo khoa thi 1542 dưới triều vua Lê Thánh Tông, đã được phong tước Tùng Dương Hầu. Ngoài cuốn Đại thành toán pháp, tất cả người dân ở đất Kinh Đô, nhà vua và các quan lớn, nhỏ đều khâm phục vì các công trình được sửa chữa như điện Kính Thiên, Đoan Môn, Đông Hoa… do ông dự trù vật tư, nguyên liệu đều vừa đủ, không thừa, không thiếu dù chỉ là một viên gạch. Để thưởng công cho ông, Nhà Vua gọi ông là Trạng Toán và thưởng cho ruộng lộc điền.
Trạng nguyên duy nhất chiếm thủ khoa khoa thi năm 1505 được ghi tên bảng vàng, vinh quy bái tổ là ông Lê Nại. Lê Nại thông minh, học rất giỏi, được tiến sĩ Vũ Quỳnh, nhà sử học, người chủ biên cuốn Đại Việt thông giám chọn làm con rể. Thấy chàng rể chểnh mảng bút nghiên, ông Vũ Quỳnh hỏi và được ông thân sinh ra Lê Nại cho biết: Chắc là cháu bị đói. Cháu ăn ít, học ít, càng ăn nhiều, càng học chăm. Ông Vũ Quỳnh sai gia nhân nấu thêm mức cơm. Quả nhiên Lê Nại có thức khuya hơn song vẫn chưa thực sự cố gắng. Vốn nhà khá giả, ông bố vợ sai đầu bếp cứ tiếp cơm, canh, thức ăn tới khi nào con rể tự buông bát, buông đũa mới thôi. Từ đó, hễ bữa nào đả gọn 12 bát cơm, 18 bát canh, ông Lê Nại học thâu đêm, suốt sáng được dân suy tôn là Trạng Ăn. Sau ngày đậu Trạng Nguyên, dân Mộ Trạch chúng tôi gọi ông là Trạng Chữ.“Nói có sách, mách có chứng”, nếu bà con xa gần ghé thăm Mộ Trạch chúng tôi còn có bia đá ghi lại tên tuổi các cụ Trạng được nhân dân quê tôi suy tôn, phong tặng.
Đại tá Vũ Thúy - Ban liên lạc họ Vũ, làng Mộ Trạch ở Hải Dương kể, Nhà văn Nguyễn Trần Thiết ghi
(Theo : Quân đội nhân dân)
|